Để không xảy ra việc heo bị tiêm thuốc an thần, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đề nghị được quyền giám sát toàn bộ quy trình.

 

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM

 

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM chia sẻ các biện pháp quyết liệt, nhằm kiểm soát tình trạng đưa chất cấm vào heo trước khi tiêu thụ.

 

Gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại lò Xuyên Á lớn nhất TP.HCM khiến người dân thực sự “sốc”, bà đánh giá thế nào về việc này?

 

Tôi rất buồn và cảm thấy mọi nỗ lực của chúng tôi, của Ban ATTP như “dã tràng xe cát”. Vẫn biết việc dùng chất cấm khó kiểm soát ở các hộ, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nhưng ngờ đâu nó xảy ra ngay tại lò mổ lớn nhất thành phố.

 

Việc quản lý ATTP tại thành phố hiện có sự phân cấp. Ở giai đoạn heo giết mổ, trách nhiệm quản lý thuộc Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – NN&PTNT). Còn khi thịt heo ra đến chợ đầu mối, đến bếp ăn của người dân thì thuộc trách nhiệm của Ban ATTP.

 

Mọi nỗ lực đảm bảo an toàn trên thịt heo sẽ trở thành vô nghĩa nếu có vi phạm từ nguồn giết mổ. Ban ATTP mới thành lập được mấy tháng, đang tập trung cho đề án xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

 

Trong việc heo bị tiêm thuốc chúng tôi chia sẻ trách nhiệm bằng việc ngăn chặn không cho đưa ra thị trường. Thời gian tới nếu thấy bất cập, UBND TP có thể giao luôn trách nhiệm quản lý việc giết mổ cho chúng tôi. Đúng là đảm nhiệm nhiệm vụ từ đầu đến cuối sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, nếu Ban làm hết việc đó thì Sở NN&PTNT tồn tại làm gì nữa.

 

17 cán bộ thú y có nhiệm vụ giám sát 24/24 lò mổ nhưng để hàng nghìn con heo bị tiêm chất cấm. Bà nghĩ gì về trách nhiệm của những cán bộ này?

 

Việc heo bị tiêm thuốc an thần, chất cấm khác, có thể xảy ra tại một lò mổ nhỏ xa xôi hẻo lánh vì khó kiểm soát. Đằng này nó lại xảy ra tại lò mổ lớn nhất thành phố là không thể chấp nhận. Cán bộ thú y được giao nhiệm vụ giám sát 24/24 tại lò mổ nhưng vẫn để hàng nghìn con heo bị tiêm chất cấm. Lẽ nào họ đã bị “bịt mắt” hết rồi chăng?

 

Trách nhiệm của họ đang được Sở NN&PTNT xem xét. Tôi đề nghị làm rõ và xử lý nghiêm những cán bộ đã “bất lực” để sự việc xảy ra.

 

Heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ. Ảnh: Sơn Hòa.

Ngành chức năng xử phạt 13 thương lái (chủ số heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ) 30-35 triệu đồng, không xử lý chủ lò mổ. Bà nghĩ thế nào về động thái này?

 

Mức xử phạt này quá nhẹ so với hành vi vi phạm, đã thế lại còn áp dụng mức trung bình, phạt 32,5 triệu đồng cho một số thương lái vì “thành khẩn” thừa nhận. Đây là hành vi bị bắt quả tang, không phải họ tự thú để được xem xét thành khẩn là một hình thức giảm nhẹ. Với mức phạt chỉ bằng giá trị vài con heo, chẳng có tác dụng gì, không bõ công cả tháng mật phục của lực lượng cảnh sát.

 

Hôm nay 2/10, Ban ATTP đã ra văn bản tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TP HCM do Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến làm trưởng ban, kiến nghị nêu rõ danh tính 13 thương lái cố tình vi phạm. Nếu họ còn tiếp tục kinh doanh, đưa heo vào thành phố tiêu thụ thì đưa những người này vào “danh sách đen”.

 

Chúng tôi cũng đặt vấn đề phải đình chỉ hoạt động, xem xét trách nhiệm của chủ lò mổ Xuyên Á. Họ không thể cho thuê chỗ rồi “khoán trắng” cho thương lái, không thể làm với quy mô lớn mà bậy bạ như vậy được. Nếu không có biện pháp mạnh, có lẽ hôm nay họ vẫn đang tiêm chất cấm.

 

Trong thời gian tạm dừng, ngành Nông nghiệp phải khẩn trương thực hiện đề án giết mổ tập trung hiện đại đang chờ phê duyệt, xây dựng. Chắc chắn thị trường sẽ khan hiếm thịt heo, giá cả có tăng một chút, các cơ sở giết mổ khác sẽ vất vả hơn. Tuy nhiên, người dân cũng nên đồng lòng ủng hộ. Để dự trù điều này, chúng tôi cũng đề nghị Sở Công thương có biện pháp bình ổn thị trường, tránh tăng giá.

 

Vậy làm sao để kiểm soát việc mua bán, tiêu thụ chất cấm trên heo?

 

Như ngành Thú ý công bố, thuốc an thần bị phát hiện sử dụng trên heo là Combitress – thuốc thú y do Bộ NN&PTNT nhập từ Bỉ, dùng chữa bệnh cho gia súc.

 

Điều tôi lo lắng nhất là các thương lái rỉ tai nhau sử dụng, để khi giết thịt heo không vùng vẫy gãy chân. Đặc biệt, các lò mổ lậu khả năng lớn sử dụng để heo không kêu la, không bị phát hiện.

 

Bộ NN&PTNT cần kiểm soát chặt thuốc thú y, để kịp phát hiện ý đồ dùng sai mục đích. Bộ nên thống kê lại số thuốc an thần cho heo đã nhập và kể cả sản xuất trong nước. So sánh số lượng nhập trong những năm gần đây có tăng đột biến hay không? Tất cả các thuốc nhập khẩu đều có đơn hàng, nên thống kê ra sẽ biết ngay.

 

Theo Vnexpress