Hồi cuối tháng 7 vừa qua, siêu thị VinMart với thiết kế mới đã khai trương tại tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81.

Trong nhiều năm, thị trường bán lẻ ở Việt Nam là sân chơi của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI nhưng giờ đây, các đại diện của nhóm tư nhân đang trỗi dậy như những thế lực mới.

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, siêu thị VinMart với thiết kế mới đã khai trương tại tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81. Nằm ở tầng B1, thuộc Khu đô thị Vinhomes Central Park (TP.HCM), VinMart Landmark 81 có tổng diện tích hơn 4.500m2 và là siêu thị VinMart lớn nhất ở khu vực phía Nam. Ngoài VinMart Landmark 81, Vingroup còn bố trí 7 cửa hàng tiện lợi VinMart+ ngay tầng 1 tòa tháp. Tính đến thời điểm hiện tại, Vingroup có trong tay 71 siêu thị lớn và 1.300 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.

Nếu tính luôn thương vụ mua lại GM Việt Nam mới đây để kinh doanh dòng xe Chevrolet, Vingroup là đơn vị tư nhân trong nước đầu tiên sở hữu mảng bán lẻ đa dạng nhất cho đến nay khi cung cấp từ quả trứng, hộp sữa cho đến xe hơi.

Trong khi đó, tại Thế Giới Di Động, để đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 2 con số mỗi năm, công ty này đã mở rộng sang mảng bán lẻ thực phẩm và kinh doanh thuốc tây. Tính đến cuối năm 2017, Thế Giới Di Động nắm trong tay hơn 1.000 điểm bán lẻ điện thoại, 642 cửa hàng Điện Máy Xanh, hơn 280 cửa hàng Bách Hóa Xanh và gián tiếp đồng sở hữu 14 cửa hàng thuốc Phúc An Khang. Trước đó, Thế Giới Di Động cũng đã mua lại chuỗi điện máy Trần Anh để gia nhập thị trường Hà Nội.

Không chịu kém, FPT Retail cũng đã bắt đầu mở rộng sang mảng kinh doanh thuốc tây thông qua việc đầu tư vào Long Châu. Trong 2 năm nữa, FPT Retail kỳ vọng sẽ mở 400 cửa hàng thuốc dưới tên thương hiệu này. Tính đến hết quý II vừa qua, FPT Retail đã mở thêm 43 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng sở hữu lên 516. Mặc dù các công ty như Vingroup, Thế Giới Di Động, FPT Retail đã mở rộng sang nhiều mảng khác nhau để tìm cơ hội tăng trưởng mới nhưng tất cả đều phụ thuộc vào mặt bằng bán lẻ, tức là đất, mà đất là tài nguyên có giới hạn.

Đại diện các chuỗi cửa hàng có chi nhánh trên toàn quốc đều cho biết thị trường hiện rất khan hiếm mặt bằng đẹp, đó là chưa kể giá cũng đội lên đáng kể do cầu tăng cao. “Mới cách đây 1 năm, việc thuê mặt bằng còn khá dễ dàng”, đại diện một chuỗi cửa hàng thời trang nói.

Nguyên nhân là do Việt Nam đang trở thành thị trường có tốc độ phát triển các cửa hàng tiện lợi nhanh nhất khu vực châu Á vào năm 2021. Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm của Việt Nam được tổ chức nghiên cứu quốc tế IGD dự báo lên đến 37,4%, cao hơn Philippines  (24,2%) và Indonesia (15,8%). Do đó, các nhãn hàng quốc tế như Circle K (Mỹ), FamilyMart (Nhật) hay B’s mart (Thái Lan)… vẫn đang liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng trong thời gian tới.

Đó là chưa kể sự góp mặt của các nhãn hàng ăn uống dành cho giới trẻ, đặc biệt là mặt hàng trà sữa đã góp phần đẩy giá mặt bằng lên khá cao chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu như trước đây một mặt bằng “vừa mắt” 4m x 14m có giá cho thuê khoảng 45 triệu đồng/tháng thì nay con số này đã tăng hơn 90 triệu đồng/tháng.

Ban le dang ve tay tu nhan

Mặt bằng đã ít, nay sẽ càng khan hiếm do sự cạnh tranh đến từ các đối thủ ngoại. Điều này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài với mức độ khốc liệt hơn. Để đảm bảo tốc độ phát triển cả về quy mô lẫn doanh thu cho các mảng mới mở, ba đại diện như Vingroup, Thế Giới Di Động hay FPT Retail buộc phải gia tăng tốc độ M&A.

Các doanh nghiệp nội thiếu tiềm lực tài chính hơn sẽ trở thành mục tiêu thâu tóm của bộ 3 này trong tương lai. Và khi đã thâu tóm nhóm chiếu dưới, không loại trừ khả năng nhóm này sẽ thâu tóm lẫn nhau để bảo toàn vị thế.

Song song đó, nhóm này sẽ phát triển mạnh mảng thương mại điện tử để tạo lợi thế bền vững. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2018, Thế Giới Di Động sẽ mở rộng ngành hàng vuivui.com và đưa dịch vụ khách hàng của website này trở thành vị trí số 1 trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Còn Hội đồng Quản trị Vingroup cũng vừa thông qua quyết định thành lập VINID, đồng thời góp 2.400 tỉ đồng sở hữu 80% VINID. Đây là động thái ban đầu cho thấy mảng bán lẻ Vingroup trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc kích thích người sử dụng mua hàng và thanh toán trực tuyến.

Ngành bán lẻ Việt Nam sẵn sàng cất cánh
Trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán ACBS ước tính 75% GDP Việt Nam là được đóng góp bởi bán lẻ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam liên tục đi lên trong 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 2007-2017 là 18%. Theo dự báo, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ dự kiến đạt khoảng 11 triệu tỉ đồng vào năm 2025, so với mức 3,9 triệu tỉ đồng của năm 2017.

Nền kinh tế đang phát triển, cơ cấu dân số trẻ, chính trị ổn định và tiến trình đô thị hóa tập trung đang là những hấp lực khó cưỡng với các nhà bán lẻ nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển Bán lẻ Toàn cầu (GRDI) của A.T. Kearney, Việt Nam xếp vị trí thứ 6 trong top 30 thị trường bán lẻ tiềm năng hàng đầu thế giới năm 2017.

Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có 2 xu hướng đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ: tâm lý hành vi người tiêu dùng ngày càng quốc tế hóa và sự phát triển của thương mại điện tử. Tâm lý người tiêu dùng ngày càng chuộng sự tiện nghi và mong muốn có trải nghiệm mới mẻ hơn là mua sắm đơn thuần. Họ yêu cầu nơi họ mua sắm cần có môi trường kinh doanh sạch sẽ, có điều hòa, có WiFi để kết nối internet, có sạc điện thoại miễn phí. Đây là nơi mà họ có thể giải trí, hoặc gặp gỡ bạn bè, nghỉ trưa bên cạnh việc mua sắm. Và có lẽ, kênh thương mại hiện đại đã bắt đúng nhịp của các “thượng đế” khi cung cấp đầy đủ các dịch vụ trên. Điều này lý giải cho thị phần tăng trưởng đều đặn của kênh tiêu dùng hiện đại.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử chỉ mới khai sinh gần đây nhưng đã có những bước tiến rất dài. Theo ước tính của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, doanh thu thương mại điện tử B2C là 5 tỉ USD, tăng 20% qua từng năm. Khảo sát cho thấy, 65% người dùng internet đã mua sắm trực tuyến, mức chi tiêu bình quân đạt 175 USD/người. Dù chỉ chiếm 3% trên tổng số doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong năm 2016, thương mại điện tử đang là một sân chơi hứa hẹn với dư địa phát triển không hề nhỏ.

Theo một khảo sát điện tử của Kantar Worldpanel năm 2016, dân cư tại khu vực thành thị sở hữu smartphone nhiều hơn cư dân tại nông thôn (89% cho thành thị, 47% cho nông thôn). Tỉ lệ kết nối internet của hộ gia đình lần lượt là Hà Nội (94%), Đà Nẵng (94%), TP.HCM (92%) và Cần Thơ (80%). Trong bối cảnh các thiết bị kết nối trực tuyến ngày càng phổ biến và dân số gia tăng kết nối, khả năng bùng nổ thương mại điện tử không còn là một giả thuyết mơ hồ, mà là khi nào trong tương lai gần? Theo ước tính của Chính phủ, năm 2020 doanh thu thương mại điện tử B2C sẽ đạt 10 tỉ USD, chiếm 5% doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Theo nhipcaudautu