Kênh bán lẻ hiện đại đang có nhiều cơ hội bứt phá tại thị trường Việt Nam và được dự báo sẽ soán ngôi kênh bán lẻ truyền thống trong vài năm tới.

 

Tỷ trọng bán lẻ của kênh phân phối truyền thống năm 2017 là 79%.

 

Đòn bẩy từ thương mại điện tử

 

Theo ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman &Wakefield, sự phát triển như vũ bão của Internet, smartphone cũng như sự cải thiện vượt bậc về hạ tầng thông tin và truyền thông đang và sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam.

 

Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử dành cho người dùng cuối (B2C – Business to Customer) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng lũy kế từ năm 2013 – 2017 là 32,3% (số liệu của Vietnam e-Commerce and Digital Economy Agency).

 

Các thương hiệu bán lẻ mạnh nhất hiện nay là Alibaba (đã thâu tóm Lazada), JD (đầu tư vào Tiki), Shopee (do Tencent rót vốn đầu tư) và cả Amazon vừa đặt chân vào thị trường. Các “ông lớn” bán lẻ trực tuyến này tăng cường độ phủ ở thị trường Việt Nam bằng việc hỗ trợ các chương trình xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Ngoài ra, DHL ecommerce đã xây dựng mạng lưới giao nhận bằng cách liên kết với hơn 100 cửa hàng bán lẻ, gồm cả các cửa hàng tiện lợi và quán cà phê.

 

Tỷ lệ mua sắm trực tuyến tăng cao kéo theo nhu cầu đầu tư cho các ứng dụng công nghệ trong ngành bán lẻ. Hoạt động kinh doanh và tiếp thị sản phẩm thông qua Internet giúp doanh số bán lẻ tăng nhanh. Lợi thế này giúp cho các nhà bán lẻ tiếp cận một lượng lớn người mua và giảm chi phí. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và mức độ dễ sử dụng của phần mềm hay ứng dụng là những nhân tố cần được đề cập để gia tăng nhận diện hình ảnh thương hiệu và xây dựng niềm tin của người dùng.

 

Bán lẻ truyền thống có thể bị soán ngôi sau năm 2020

 

“Bán lẻ truyền thống vẫn đang là kênh chủ đạo tại Việt Nam, nhưng được dự báo sẽ sớm bị soán ngôi bởi các mô hình bán lẻ hiện đại, vốn đang có tốc độ tăng trưởng khả quan”, ông Alex Crane nói.

 

Theo Bộ Công thương, đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ của kênh phân phối truyền thống có thể sẽ giảm từ 79% năm 2017 xuống còn 55 – 60%.

 

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng phòng Nghiên cứu, Savills TP.HCM nhận xét, trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam mở cửa đón chào các nhà đầu tư nước ngoài đã giúp thị trường bán lẻ ngày càng sôi động và tăng tính cạnh tranh.

 

Thực tế, trong những năm qua, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã chứng kiến không ít dự án phải đóng cửa hoặc giảm diện tích bán lẻ, nhất là phân khúc trung tâm bách hóa, bởi cơ cấu khách thuê thiếu đa dạng.

 

Tuy nhiên, các trung tâm thương mại đã cải tạo lại kiến trúc cũng như cơ cấu khách thuê, không ngừng làm mới và đưa ra những chương trình, sự kiện giảm giá để thu hút người mua sắm, từ đó cải thiện tình hình kinh doanh.

 

Đáng chú ý, xu hướng hạng mục bán lẻ được phát triển trong phức hợp khu dân cư và thương mại nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong các năm tới. Xu hướng này tạo nên lợi ích tương hỗ bởi hạng mục tận dụng được nguồn khách mua sắm là cư dân trong khu đô thị hoặc công nhân, viên chức của khối văn phòng, từ đó thu hút khách thuê; đồng thời bán lẻ được xem như tiện ích bổ trợ sự tiện lợi cho khu dân cư.

 

Đến năm 2020, thị trường Hà Nội dự kiến có thêm hơn 435.000 m2 diện tích bán lẻ từ 19 dự án và thị trường TP.HCM sẽ có thêm khoảng 512.000 m2 diện tích bán lẻ từ 30 dự án. Các dự án tương lai chủ yếu ở khu vực ngoài trung tâm.

 

Hiện nay, TP.HCM là thị trường năng động hơn so với Hà Nội do sự khác biệt về hành vi tiêu dùng giữa hai nơi. Trong khi người dân ở TP.HCM sẵn sàng tiêu tiền và trải nghiệm sản phẩm mới, thì người dân thủ đô thận trọng hơn. Đây là yếu tố chủ đạo khiến cho các nhà bán lẻ nước ngoài thường tiến vào thị trường phía Nam trước, sau đó mới mở rộng ra phía Bắc.

 

Nhu cầu về mặt ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ được coi là tất yếu, do tỷ lệ mua sắm qua mạng tăng mạnh. Sự cải tiến về thanh toán trực tuyến và hệ thống giao nhận sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thương mại điện tử (e-commerce) và thương mại di dộng (m-commerce).

 

Thương mại điện tử hưởng lợi từ sự cải tiến của công nghệ giúp nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, tiến hành hoạt động kinh doanh và thị trường trực tiếp. Tiến bộ này cũng thúc đẩy doanh số bán lẻ, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

 

Hải Minh (Theo ĐTCK)