Alibaba tiếp tục xây dựng tầm nhìn chiến lược mới khi kết hợp phương pháp kinh doanh hiện đại với các cửa hàng truyền thống nhằm tạo ra trải nghiệm tiện ích hoàn hảo cho người tiêu dùng, tương tự như những gì Amazon đã và đang thực hiện tại Mỹ.

Alibaba đã bước chân vào thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam thông qua Lazada. Ảnh: S.T

Tuy nhiên chiến lược mới này của Alibaba có thể sẽ không mấy thuận lợi khi mà Liên minh Quốc tế chống Hàng giả (IACC) đã đình chỉ tư cách hội viên của tập đoàn này sau khi nhiều hội viên của IACC tố cáo Alibaba là nơi bán hàng giả lớn nhất thế giới.

Chiến lược của Alibaba

Alibaba đã đầu tư hơn 9,3 tỷ USD vào các cửa hàng truyền thống từ năm 2015. Trong năm qua, Alibaba đã mở rất nhiều siêu thị trên khắp Trung Quốc dưới sự quản lý của chi nhánh Hema. Trước đó, công ty này cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng cho Tmall Supermarket, cửa hàng tạp hóa trực tuyến của mình.

Cả Alibaba và Amazon đều dự đoán chính xác rằng mua sắm truyền thống vẫn tiếp tục là xu hướng bền vững bên cạnh kênh trực tuyến. Theo đó, Alibaba đã và đang tập trung vào việc kết hợp trải nghiệm mua sắm trực tuyến và truyền thống bằng cách cải thiện quản lý kho hàng và các dịch vụ giao hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, chiến lược này có thể mang lại cho Alibaba nhiều rủi ro hơn so với đối thủ Mỹ khi vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn nạn ở Trung Quốc.

“Vấn đề Alibaba gặp phải là khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm nội địa. Đây chính là điểm yếu của Alibaba so với Amazon”, ông Veronica Wang, Chuyên gia của Cty Tư vấn OC&C Strategy Consultants cho biết và nhận định, con đường này của Alibaba sẽ rất chông chênh.

Cũng theo ông Veronica Wang, nỗ lực thâm nhập thị trường bán lẻ của Alibaba được thúc đẩy một phần bởi thực tế là tập đoàn này không còn nhiều không gian để phát triển trực tuyến. “Tập đoàn này đã bắt đầu nhận thấy thị trường trực tuyến đang đạt đến độ bão hòa, do đó, việc quay lại đẩy mạnh thị trường truyền thống là lẽ đương nhiên”, ông ông Veronica Wang cho biết.

Jack Ma đã hiểu rõ đặc điểm của ngành bán lẻ truyền thống Trung Quốc là các dịch vụ, thông tin liên quan đến hàng hóa thường không có sẵn. Vì vậy, khi với kết hợp dịch vụ trực tuyến, Alibaba sẽ cung cấp thông tin rõ ràng về sản phẩm và giúp khách hàng tìm kiếm địa điểm mua hàng thuận tiện nhất. Do đó, người mua sắm sẽ nhanh chóng thích nghi với chiến lược mới của Alibaba.

Toàn cầu hóa – bàn đạp cho Alibaba

Có thể thấy, chiến lược của Alibaba với nhà khai thác siêu thị lớn nhất Trung Quốc Sun Art Retail Group Ltd. là nhằm giúp Sun Art trở thành một nhà bán lẻ tốt nhất với các công nghệ hiện đại và dịch vụ logistics chuyên nghiệp mà Alibaba đã đạt được khi phát triển kinh doanh thương mại điện tử. Là một công ty với thế mạnh về công nghệ cao, Alibaba được cho là có thể trụ vững trước những rủi ro vốn có của các nhà bán lẻ thực phẩm.

Một điều đáng chú ý hiện nay, Sun Art là chuỗi bán lẻ thực phẩm dẫn đầu tại Trung Quốc với 8,2% thị phần, theo thống kê từ Kantar Worldpanel. Công ty này điều hành hoạt động 450 siêu thị trên khắp Trung Quốc dưới thương hiệu RT-Mart và Auchan. Trong đó, Auchan đã bước chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Trong thời gian qua, các tập đoàn Trung Quốc đã len lỏi vào các quốc gia thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập, hoặc liên kết với các tập đoàn lớn tại thị trường nội địa. Bằng cách hợp tác với các tập đoàn lớn có chi nhánh hoạt động lâu dài tại các nước, các tập đoàn Trung Quốc có thể dễ dàng khoanh vùng hoạt động và nắm được đặc điểm của các thị trường mà không phải tốn bất cứ công sức nào.

“Chẳng có gì lạ khi đường lối phát triển của Alibaba phù hợp với mục tiêu toàn cầu hóa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Và sự bành trướng ngày một lớn của Alibaba sẽ góp phần mang hình ảnh thương hiệu Trung Quốc hiện diện ngày càng nhiều trên các sạp hàng của thế giới”, ông Chen Weiru, Phó Giáo sư về Chiến lược tại Trường Đại học Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc- châu Âu ở Thượng Hải nhận định.

Alibaba đã bước chân vào thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam thông qua Lazada, và có khả năng Auchan sẽ trở thành công cụ để Alibaba tham gia vào mảng mua sắm bán lẻ tại nước ta. Giới chuyên gia cho rằng, thay vì hình ảnh trong quá khứ là những sản phẩm trôi nổi trên thị trường, trong tương lai, rất có thể hàng hóa mang nhãn hiệu Trung Quốc sẽ chính thức lên kệ mà không phải cắt mác và thay vào đó là vỏ bọc sản phẩm nội địa uy tín. Và câu hỏi đặt ra lúc này vẫn là lối đi nào cho hàng nội địa trong cuộc chơi toàn cầu này?

Cẩm Anh (Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)