Với nhiều người mua sắm trực tuyến Trung Quốc, Pinduoduo là nền tảng đáng sử dụng hơn gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba.

 

Huang Zheng, nhà sáng lập và CEO Pinduoduo

 

Alibaba từ lâu đã thống trị thị trường mua sắm trực tuyến trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc nhưng với bà Liu Liping, 59 tuổi, đây không phải lựa chọn tốt nhất. Với thu nhập 470 USD/tháng, bà Liu – một công nhân về hưu đang sống ở thành phố phía Bắc của Huhehaote, nhận thấy các lựa chọn trên Aibaba khá đắt đỏ.

 

Vì vậy, sau lần đầu mua hàng vào năm 2015, bà quyết định chuyển sang một nền tảng khác có tên Pinduoduo – nơi cung cấp các sản phẩm gia dụng rẻ tiền như bịch giấy vệ sinh 1 USD hay ga trải giường có giá 5 USD.

 

“Thực sự rẻ và tiện lợi. Tôi không phải ra ngoài để mua những thứ đó nữa”, bà Liu chia sẻ với Forbes.

 

Bà Liu không phải ‘người hâm mộ’ duy nhất của trang web thương mại điện tử này. Trong khi những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt tại các đô thị lớn, Pinduoduo chọn thị trường ít được chú ý hơn: đó là những thành phố và thị trấn nơi có nhiều người thu nhập thấp.

 

Công ty đã trở thành một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc chỉ trong vòng 2 năm. Và đúng như những điều Alibaba lo lắng, Pinduoduo đang để mắt đến các ngôi làng và thị trấn xa xôi của Trung Quốc – thị trường được đánh giá đầy tiềm năng phát triển.

 

Chia sẻ xã hội

 

Ra mắt vào năm 2015 bởi cựu kỹ sư của Google, Huang Zheng, Pinduoduo áp dụng mô hình kinh doanh mua hàng theo nhóm giống như Groupon của Mỹ. Điều đặc biệt là trang web này cho phép người mua sắm chia sẻ sản phẩm trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc, như WeChat của Tencent, để được giảm giá nhiều hơn.

 

Ví dụ: nếu mọi người tìm thấy những gì họ muốn mua trên Pinduoduo và mời đủ bạn bè của WeChat thành một nhóm mua hàng, họ có thể được giảm giá tới 90%. Ưu đãi này áp dụng cho mọi thứ từ chiếc áo thun 1 USD đến chiếc smartphone giá 80 USD. Để khuyến khích chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội, Pinduoduo thậm chí còn cung cấp các ưu đãi tiền mặt và sản phẩm miễn phí cho khách hàng trung thành nhất của công ty.

 

Chiến lược này đã phát huy tác dụng tại những thành phố cấp thấp. Không giống như những đô thị đông đúc, người dân tại đây phụ thuộc vào WeChat như nguồn thông tin chính, bao gồm những gợi ý mua sắm trực tuyến của bạn bè để đặt hàng. Bà Liu cho biết đã phát hiện ra Pinduoduo thông qua mạng lưới bạn bè trên WeChat.

 

Những người buôn bán và sản xuất nhỏ cũng hợp tác với Pinduoduo để tăng cơ hội tiếp cận khách hàng. Họ đã tìm kiếm các nền tảng thay thế Alibaba khi ‘ông lớn’ này tập trung vào những khách hàng giàu có bằng cách đưa những thương hiệu lớn như Burberry hay Victoria’s Secret lên trang Tmall của hãng.

 

Jason Ding đến từ công ty tư vấn Bain & Co. cho biết: “Mô hình hoạt động của Pinduoduo dựa trên các phương tiện truyền thông xã hội và có khả năng tiếp cận rộng hơn với rất nhiều công dân Internet mới. Trong khi đó Alibaba đang cố gắng phục vụ những khách hàng cao cấp”.

 

Chỉ trong một thời gian ngắn, Pinduoduo đã có những bước tăng trưởng hết sức ấn tượng. Theo thống kê vào tháng 1/2018, trang web có 114 triệu người dùng thường xuyên, vượt qua nhà bán lẻ Vipshop và cách không xa JD.com với 145 triệu người dùng.

 

Các chuyên gia tư vấn của Analysys International cho biết, phần lớn khách hàng của Pinduoduo là từ các khu vực xa xôi bắt đầu tiếp cận thương mại điện tử, với gần 60% số người dùng đến từ các thành phố hạng ba và xa hơn nữa. Năm ngoái, doanh thu của Pinduoduo lên tới 1,6 tỷ USD hàng tháng, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

 

Tencent chống lưng

 

Các nhà phân tích cho rằng Pinduoduo có thể duy trì đà tăng trưởng của hãng khi thương mại điện tử dần ‘phủ sóng’ tại các khu vực xa xôi nhờ khả năng truy cập Internet được cải thiện.

 

Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, nước này có 772 triệu người dùng trực tuyến vào năm 2017, trong đó tỷ lệ truy cập Internet là 56%. Thương mại trực tuyến dự kiến sẽ chiếm 25% tổng doanh số bán lẻ của đất nước vào năm 2020, tăng từ mức 17% vào năm 2017.

 

Năm 2016, Pinduoduo huy động được 110 triệu USD và được định giá 1,5 tỷ USD. Những nhà đầu tư rót vốn cho công ty bao gồm Banyan Capital và Tencent.

 

Theo thông tin từ Bloomberg, Pinduoduo vừa huy động thành công hơn 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới nhất và được định giá 15 tỷ USD – gấp 10 lần giá trị hơn 1 năm trước.

 

Thách thức lớn

 

Tuy nhiên, Pinduoduo cũng gặp phải không ít thách thức. Theo Wang Xiaoyan, nhà phân tích của công ty 86 Research có trụ sở tại Thượng Hải, công ty này vẫn chưa tìm ra cách kiếm tiền hiệu quả nhất. Không giống như Alibaba – tạo doanh thu từ quảng cáo ứng dụng và đưa ra kết quả tìm kiếm sản phẩm theo yêu cầu phải trả tiền, Pinduoduo không thu những loại phí tương tự.

 

Thay vào đó, công ty dựa vào một thuật toán để phân tích dữ liệu người dùng, từ đó hiển thị danh sách sản phẩm phù hợp. Wang cho biết, trung bình một người dùng chi tiêu khoảng 50 USD/năm trên Pinduoduo – khá ít so với 1.300 USD trên Alibaba hay 500 USD trên JD.com.

 

“Nếu Pinduoduo chỉ tập trung vào việc bán các sản phẩm cấp thấp thì triển vọng kiếm tiền của họ sẽ rất khó khăn”, Wang nói.

 

Alibaba chắc chắn không nhân nhượng trong cuộc chiến với Pinduoduo. Ảnh: Bloomberg

 

Hơn thế nữa, Alibaba cũng tỏ ra không hề nhân nhượng. Để thu hút nhiều khách hàng hơn, gã khổng lồ thương mại điện tử vừa tung ra dịch vụ mới trong tháng 3 với tên gọi Taobao Tejia (Taobao Special Price Edition) cho phép người dùng mua hàng số lượng lớn với giá rẻ tương tự Pinduoduo.

 

Wang cho biết: “Pinduoduo bất ngờ nổi tiếng và điều này khiến Alibaba có một chút ngạc nhiên. Hãng này chắc chắn sẽ có những bước đi để chống lại sự tăng trưởng của Pinduoduo”.

 

Một thách thức lớn khác với start-up này cũng như các hãng thương mại điện tử khác là vấn đề hàng giả, hàng nhái hoặc kém chất lượng. Theo một cuộc khảo sát năm 2016 từ Trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc, Pinduoduo chiếm 13,2% tổng số khiếu nại của người dùng đối với 25 nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu nước. Những vấn đề khiến nhiều người dùng bức xúc như hàng kém chất lượng, hoa quả hỏng và khâu hoàn lại tiền phức tạp.

 

“Quản lý chất lượng sản phẩm là một thách thức lớn đối với Pinduoduo. Nếu không có sản phẩm chất lượng, mọi người sẽ không trở lại trang của bạn để mua sắm. Và công ty rất khó để phát triển “, Ding của Bain & Co. nhận định.

 

Linh Lam (Theo NDH/Forbes/Bloomberg)