Chi phí logistics chiếm tỷ lệ lớn trong giá khiến nông sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cần nhanh chóng tháo gỡ nút thắt về chi phí vận chuyển để giúp nông sản Việt vươn xa.

Chi phí logistics đắt đỏ khiến nông sản Việt đang kém sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Logistics vừa thiếu, vừa yếu, vừa đắt

Các DN xuất khẩu nông sản thuộc các nhóm hàng rau quả, hàng cà phê cho biết chi phí logistics hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá cao trong giá thành của hàng hóa xuất khẩu. Đơn cử như 1 kg Thanh Long bán sang Mỹ được 7 USD, trong đó chi phí vận tải quốc tế cho 1 kg Thanh Long sang Mỹ đã vào khoảng 3,5 USD, tức chiếm tới 50% giá xuất khẩu. Bên cạnh đó còn phải có các khoản chi phí khác như phí vận chuyển nội địa, chi phí chiếu xạ dao động trong khoảng từ 0,5 – 1 USD tùy loại trái cây.

Theo số liệu đánh giá chung, chi phí cho logistics của nông sản Việt Nam chiếm trên 20% tổng chi phí, đây là một con số khá cao so với các nước trong khu vực. Phí vận tải cao, do tỷ lệ xe chạy rỗng một chiều ở Việt Nam rất cao. Giải thích việc tỷ lệ xe chạy rỗng cao, ông Trần Đức Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho biết đó là hoạt động môi giới vận tải ở Việt Nam chưa đạt được hiệu quả tốt. Thứ hai là do thiếu một hạ tầng vận tải cần thiết, tình trạng kết nối vận tải đa phương thức vẫn còn kém, DN chỉ có duy nhất một lựa chọn đưa hàng đến cảng, đến sân bay bằng đường bộ dẫn đến tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cửa ngõ cảng và sân bay. Thời gian phát sinh thêm do tắc nghẽn làm tốn chi phí lưu kho bãi, gia tăng các rủi ro trong khâu bảo quản lạnh với cả hàng nông sản và thủy sản, cũng như ảnh hưởng đến uy tín, lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, do vận tải đường bộ có chi phí cao nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn hiện nay khiến cho chi phí logistics của Việt Nam tăng cao. Nguyên nhân của tình trạng này là khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu, không khai thác hết tiềm năng sẵn có của các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa để chia sẻ áp lực với vận tải đường bộ, góp phần giảm đầu tư công và hạ chi phí logistics.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng tỷ lệ mua ngoài trong hoạt động logistics Việt Nam tương đối thấp, chỉ được 13% – 14%, vì quy mô thị trường nhỏ nên hoạt động logistics Việt Nam chưa được hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp.

TS.Nguyễn Thị Thúy Hồng – Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết thêm, logistics tại Việt Nam là ngành trẻ nên quy trình, công nghệ, nguồn nhân lực có chuyên môn còn yếu và thiếu. Đồng thời, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, giá xăng dầu, chi phí BOT, phí bảo trì đường bộ và những chi phí không chính thức đang tạo một sức nặng lớn và cấu thành lớn đến chi phí vận tải.

Cần tăng cường kết nối

Theo TS. Nguyễn Thị Thúy Hồng, DN logistics Việt đang có những cơ hội đầy tiềm năng trong bối cảnh hiện tại. Cụ thể, đó là xu hướng chuyển dịch vận chuyển từ đường bộ sang đường thủy cả nội địa và quốc tế. Tiếp đó là dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực cũng như thay đổi chính sách của Chính phủ tăng thu hút các hoạt động xuất nhập khẩu kéo theo logistics đang được đẩy mạnh.

Để nắm bắt được các cơ hội này đồng thời tạo ra những thay đổi góp phần nâng cao chất lượng vận tải, giảm chi phí logistics từ đó hạ giá thành sản phẩm, theo các chuyên gia cần có những giải pháp mạnh mẽ từ phía Chính phủ và đặc biệt là sự nỗ lực của chính DN.

Để cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN logistics Chính phủ cần kiến tạo một môi trường số, nền kinh tế số làm nền tảng cho quá trình đầu tư vào công nghệ thông tin của DN, để thúc đẩy các DN logistics ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động hàng ngày. Đây là phương thức đầu tư có suất đầu tư thấp và hiệu quả đầu tư cao cho cả DN và nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng.

Ngoài ra, theo ông Trần Đức Nghĩa, cần có những trung tâm logistics nhỏ hơn bên cạnh những trung tâm logistics lớn. Những trung tâm này có nhiệm vụ giảm chi phí giao hàng chặng cuối. Đồng thời, cần tăng quy mô cho các hoạt động logistics và tăng tính kết nối giữa các chủ thể tham gia thị trường này, giữa các phương thức vận tải hàng hóa là phương cách hữu hiệu để giảm chi phí logistics.

Về phía DN, để nâng cao chất lượng vận chuyển nông sản, DN logistics cần chú ý, việc bảo quản các sản phẩm nông sản có một số đặc thù như: chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, tính thời vụ và theo vụ mùa, cần bảo quản ở nhiệt độ thấp, nhiệt độ cho mặt hàng nông sản khác nhau cần được kiểm soát khác nhau tùy từng giai đoạn. Do đó, logistics phục vụ cho hàng nông sản đòi hỏi một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, phân phối đến người tiêu dùng. DN logistics hàng nông sản cần nắm rõ quy định của từng thị trường xuất khẩu của khách hàng để đảm bảo cung cấp dịch vụ phù hợp và an toàn.

 

Quỳnh Trang (Theo Thời báo Ngân hàng)