Trong khi nhiều hệ thống kho chứa tại các nước đã dùng robot để xử lý hàng hóa thì các cơ sở kho bãi tại Việt Nam hiện nay vẫn còn khá lạc hậu so với tốc độ tăng trưởng của công nghệ.

Đại dịch làm lộ ‘gót chân Asin’ của ngành bán lẻ Việt Nam: Cơ sở kho bãi quá lạc hậu

Theo Jones Lang LaSalle (JLL), chúng ta đã bước vào một giai đoạn mà dường như sự kết nối với nhau là kẻ thù mới, không di chuyển là cách sống mới và hạn chế giao tiếp xã hội là người bạn mới. Covid-19 đã đưa con người đến thói quen của các chuẩn mực hoàn toàn mới và đã vang lên một hồi chuông cảnh tỉnh về cách chúng ta sống.

Chính phủ các nước vẫn không ngừng thực hiện giãn cách xã hội để giảm thiểu sự lây lan của virus, nhiều quốc gia đã phải ban hành lệnh đóng cửa các thành phố một cách nghiêm ngặt, khiến thị trường bán lẻ truyền thống đã phải hứng chịu những tác động nặng nề.

“Chắc chắn, sự phụ thuộc vào thương mại điện tử sẽ bùng nổ và sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng trực tuyến, do đó lĩnh vực hậu cần sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc vào tháng 2 và tháng 3 chính những bài học vô giá đối với kế hoạch kinh doanh trong tương lai,” ông Stephen Wyatt, tổng giám đốc JLL Việt Nam, nhận định.

Các nền tảng thương mại điện tử đang chạy đua để nắm bắt những cơ hội vàng trong thời gian độc đáo này. Grab, thường được coi là siêu ứng dụng Đông Nam Á, bắt đầu thử nghiệm dịch vụ mới nhất GrabMart cho người dùng tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3, còn vào giờ cao điểm, Tiki Việt Nam báo cáo nhận được 4.000-5.000 đơn hàng mỗi phút.

“Trong bối cảnh đại dịch đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng, việc đánh giá hiệu quả của hậu cần thương mại điện tử và chuỗi cung ứng là rất quan trọng. Các nhà phát triển, chủ nhà và khách thuê phải gấp rút đánh giá lại mô hình hoạt động của họ và tìm kiếm giải pháp tốt nhất để chuẩn bị cho các tình huống trong trường hợp xảy ra một kịch bản lây nhiễm khác,” ông Stephen chia sẻ.

Trước đây, ngành hậu cần phục vụ cho thương mại điện tử cần rất nhiều người lao động. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học máy tính (machine learning) và Internet vạn vật (IoT) đã cho phép tự động hóa mọi quá trình làm việc, tăng năng suất, sử dụng không gian hiệu quả hơn, giảm tương tác vật lý của con người và quan trọng hơn hết đây là một động lực để giảm lây truyền virus.

Nhiều hệ thống kho chứa hàng gần đây đã vận dụng robot vào trong việc xử lý, lựa chọn và đóng gói hàng hóa. Robot có khả năng làm việc một cách độc lập và hiệu quả cho những công việc đòi hỏi sự liên tục hoặc có khối lượng lớn. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa con người và robot (hay còn gọi là cobot) vẫn tiếp tục được vận dụng một cách nhịp nhàng, nhằm giảm bớt công việc di chuyển và tương tác của con người.

Ngoài ra, robot có khả năng dự đoán được lượng hàng tồn trong kho, qua đó có thể ưu tiên sắp xếp hàng hóa trước hoặc sau. Bên cạnh các cải tiến về quy trình, robot có thể được sử dụng để cảnh báo nhiệt độ, vệ sinh các khu vực và thậm chí giám sát khoảng cách giữa con người với con người.

Gã khổng lồ Alibaba tại Trung Quốc đã ra mắt hệ thống Hema, chuỗi cửa hàng thông minh đa kênh phục vụ cả đơn hàng trực tuyến và ngoại tuyến một cách dễ dàng. Trong khi đó, kho hàng tự động của JD.com nằm bên ngoài Thượng Hải có thể xử lý 200.000 đơn hàng mỗi ngày chỉ với bốn người mà công việc chính của con người là phục vụ các robot.

Khi dịch bùng nổ tại Trung Quốc, chuỗi cung ứng đã phải đối mặt với sự gián đoạn lớn khi các nhà máy đóng cửa, sau đó đã ảnh hưởng đến việc giao hàng. Tự động hóa giao hàng thông qua công nghệ như robot tự lái và máy bay không người lái có thể cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng đầu cuối hiệu quả, với các lợi ích như tăng khối lượng bưu kiện và giao hàng nhanh.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của JLL, nhiều cơ sở kho bãi tại Việt Nam hiện nay vẫn còn khá lạc hậu so với tốc độ tăng trưởng của công nghệ.

JLL nhấn mạnh “đã đến lúc các bên liên quan cần tiến hành tái phát triển và nâng cấp kho bãi công nghệ thông minh và tự động hóa cao, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn”.

Đối với các dự án nhà xưởng trong tương lai, JLL cho rằng chủ đầu tư cần cân đối giữa nhu cầu không gian và các thông số kỹ thuật nhằm thuận tiện cho việc áp dụng công nghệ, hoặc sửa đổi trong tương lai cùng với môi trường làm việc lành mạnh tuân thủ các chính sách giãn cách xã hội và giảm di chuyển. Do đó, chủ đầu tư cần phải có đủ kỹ năng linh hoạt trong thiết kế tòa nhà.

Với áp lực gia tăng về tốc độ giao hàng, JLL khuyến cáo các nhà phát triển nên tìm đến các địa điểm chiến lược gần với khu dân cư (hậu cần đô thị), có liên kết giao thông hiệu quả và cơ sở hạ tầng tiên tiến. Vị trí kho bãi sẽ phần nào giảm thiểu sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.

“Tốc độ tăng trưởng về nhu cầu thương mại điện tử có thể sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian dài. Người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều do không thể tiếp cận được với cửa hàng bán lẻ trong thời gian dài. Ngay cả trước COVID-19, nhóm khách hàng thuộc thế hệ millennials là nhóm tiêu dùng chính của thương mại điện tử, nhưng hiện nay, các nhóm nhân khẩu học mua sắm trực tuyến đã mở rộng ra rất nhiều,” bà Phạm Xuân, Giám đốc bộ phận marketing tại JLL chia sẻ, “Nền tảng thương mại có khả năng giao hàng nhanh trong ngày sẽ thu hút được nhiều đơn hàng hơn cả.”

Việc đầu tư vào tự động hóa sẽ có ý nghĩa trong dài hạn vì chi phí để áp dụng công nghệ vào kho bãi khá đắt đỏ​​. Trong trường hợp có một kịch bản lây nhiễm khác trong tương lai, những nhà máy được đầu tư công nghệ cao và hiện đại chắc chắn sẽ vượt qua thử thách một cách thuận lợi hơn, chuyên gia JLL kết luận.

 

Lê Nguyễn (Theo VNF)