Chuỗi GS25 đứng thứ nhất tại Hàn Quốc với hơn 12.000 cửa hàng.  Người đứng đầu chuỗi này tự tin không chỉ là đứng vững mà sẽ trở thành số một tại Việt Nam trong ba năm tới.

 

Sự có mặt của các DN nước ngoài tạo áp lực cho DN bán lẻ Việt phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức.

 

Thị trường bán lẻ Việt Nam ở phân khúc cửa hàng tiện ích mới đây xuất hiện thêm chuỗi cửa hàng tiện ích GS25-là liên doanh giữa Sonkim Land (Việt Nam) và tập đoàn GS Retail (Hàn Quốc).

 

Điều khá bất ngờ hơn khi thương hiệu này mở cửa hàng đầu tiên ngày 9-1 đã liên tiếp mở thêm ba cửa hàng nữa ngay tại trung tâm quận 1, TPHCM. GS25 từ Hàn Quốc có là đối thủ đáng lo đối với các thương hiệu ngoại khác cũng như Việt Nam?

 

Tươi ngon có còn là lợi thế của doanh nghiệp nội

 

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã xuất hiện tên tuổi của các thương hiệu bán lẻ ngoại như 7 Eleven (Nhật Bản), B’s Mart (Thái Lan)…. Doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước có Vinmart+ của tập đoàn Vingroup, SatraFoods của Tổng công ty thương mại Satra, Co.op Foods của Saigon Co.op…

 

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi đều có những tiêu chí phục vụ cho đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Đơn cử như Co.op Food với tiêu chí cung cấp thực phẩm an toàn tiện lợi, tươi ngon phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày của người nội trợ bận rộn. Đồng thời gia tăng các tiện ích như nhận đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà, thanh toán trực tiếp qua thẻ ngân hàng…

Vì vậy, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 quyết định tiến vào thị trường Việt Nam có những gì để DN nội phải nhìn lại mình không?

 

Ông Yun Ju Young, Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam cho biết, GS25 với tiêu chí “Fresh-Friendly-Fun” cam kết mang đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cho người tiêu dùng Việt với các dòng sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc và các sản phẩm được sản xuất khép kín tại Việt Nam.

 

Ngoài ra, GS Retail đã đầu tư một nhà máy sản xuất thực phẩm đặt tại Long An. Đây sẽ là nơi cung cấp thực phẩm tươi ngon cho chuỗi cửa hàng. GS25 cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư của Hàn Quốc vào đầu tư tại Việt Nam để hoàn thiện chuỗi cung ứng.

 

GS25 hướng đến nhóm khách hàng trẻ, những người bận rộn với công việc và cần những dịch vụ nhanh gọn, chuẩn mực và tiện lợi. “Cửa hàng tiện lợi không chỉ là nơi để bán sản phẩm tươi ngon và an toàn, mà còn được xem là nơi có thể dẫn dắt xu hướng ẩm thực và quảng bá nhiều hình ảnh văn hoá”, ông Yun Ju Young chia sẻ.

 

GS25 từ Hàn Quốc có là đối thủ đáng lo đối với các thương hiệu ngoại khác cũng như Việt Nam?

 

Vì sao GS25 không ồn ào “tạo sóng”

 

Ông Fabrice Carrasco, Giám đốc  Kantar Worldpanel khu vực Việt Nam, Indonesia, Philippines nhìn nhận xu hướng các kênh mua sắm thuận tiện đang bùng nổ ở Việt Nam. Các yếu tố về sự thuận tiện và gần nhà, tiết kiệm rất nhiều thời gian khi đi mua sắm  được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu, cao hơn so với các yếu tố khác như chất lượng sản phẩm, nhân viên thân thiện hay chương trình khuyến mãi.

 

Do đó, có thể hiểu vì sao siêu thị nhỏ hay cửa hàng tiện lợi ngày càng phổ biến hơn so với những kênh bán lẻ hiện đại quy mô lớn hơn.

 

Theo T.S Đào Xuân Khương, Chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, thực tế ở Việt Nam các cửa hàng ẩm thực Hàn Quốc, người Hàn Quốc rất nhiều. Tại Hà Nội  có hẳn khu Hàn Quốc và Sài Gòn cũng tương tự.

 

“Theo quan điểm của tôi giai đoạn đầu GS25 vào Việt Nam cũng sẽ nhắm tới cộng đồng Hàn Quốc sinh sống. Giống như các cửa hàng ẩm thực Hàn Quốc giai đoạn đầu vào thị trường Việt Nam. Họ vào rất nhẹ nhàng, dần dần tạo trào lưu  với giới trẻ. Và hiện nay , các cửa hàng Hàn Quốc khắp các tỉnh chứ không riêng gì Hà Nội

 

“Với cửa hàng tiện lợi cách làm này hiệu quả vì họ nhắm tới các cộng đồng dân cư nhỏ, phục vụ một nhóm khách hàng cụ thể nên không cần thiết phải làm truyền thông tạo sóng. Trong khi Thái Lan, đã mua hai chuỗi siêu thị lớn là Big C và Metro  hay Nhật Bản, họ đầu tư hệ thông lớn như Aeon Mall họ truyền thông cũng dễ hiểu chứ không phải Hàn Quốc không là đối thủ “nhẹ kí”, ông Khương cho hay.

Còn ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thị trường bán lẻ Việt Nam có tính cạnh tranh rất cao bất kể DN bán lẻ từ Châu Âu, Mỹ hay từ các nước trong khu vực Châu Á đều phải có chiến lược và sách lược thâm nhập bài bản và chủ động mới có thể thâm nhập thành công thị trường bán lẻ Việt Nam. GS25 cần phải mở ít nhất 100 stores mới có thể nhận định được là thành công hay không tại thị trường Việt Nam.

 

Nhìn nhận ở góc độ khác, Sở công thương TP.HCM cho rằng sự có mặt của các DN nước ngoài tạo áp lực cho DN bán lẻ Việt phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức.

 

Do năng lực tài chính giới hạn, thiếu tính chuyên nghiệp, cạnh tranh quyết liệt trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao….Nhưng cũng thúc đẩy các DN bán lẻ Việt Nam năng động để cạnh tranh tồn tại và phát triển. Hệ thống phân phối nước ngoài cũng tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào các hệ thống phân phối của họ ở các nước khác.

 

Tú Uyên (Theo PLO)