Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 đạt 326.600 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% (cao hơn mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm 2016).

 

Có thể thấy thị trường bán lẻ trong nước đang rất tiềm năng. Với quy mô đầu tư 110 tỷ USD năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại hiện mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều.

 

Theo dự báo, thị trường bán lẻ hàng thực phẩm sẽ phát triển mạnh đến năm 2020 với sức tiêu thụ tăng bình quân 5%/năm. Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2016. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

 

Chính sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ trong nước đã thu hút rất nhiều các tập đoàn, nhà bán lẻ lớn của nước ngoài đến đầu tư trong những năm gần đây. Đặc biệt, việc Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều chính sách ưu đãi như chính sách miễn thuế, nhiều mặt hàng giảm thuế về 0%… đã biến thị trường này trở thành mảnh đất màu mỡ của rất nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

 

Đến nay đã có nhiều tập đoàn, nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng thị trường tại Việt Nam. Có thể kể đến như Central Group (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc)…

 

Cùng với đó, việc các nhà bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều đang tạo ra những cơ hội, thách thức lớn đối với DN trong nước. Để trụ vững và phát triển, các DN, nhà bán lẻ trong nước cũng đang nỗ lực để chiếm lĩnh và giữ vững thị trường. Trên thực tế, phần lớn những DN, nhà bán lẻ trong nước giữ vững được vị thế đều đã chủ động tìm ra hướng đi riêng bằng cách đẩy mạnh mở rộng và phát triển hệ thống, đổi mới công nghệ, thay đổi phương thức bán hàng, tập trung vào thương mại điện tử…

 

Có thể kể đến như Liên hiệp HTX Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (SaiGon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Thế giới Di động, FPT… Theo đại diện SaiGon Co.op, hiện nay hệ thống Co.opmart đang chạy thử một số hạng mục dựa trên nền tảng công nghệ như thanh toán tự động ở phân khúc cao, phát triển phục vụ đa kênh.

 

Ngoài bán lẻ theo phương thức truyền thống, Co.opmart đang trong giai đoạn hoàn chỉnh kênh bán hàng online. Đây sẽ là phương thức bán hàng trong tương lai bởi nhu cầu người tiêu dùng mua sắm thông qua thương mại điện tử đang phát triển mạnh.

 

Mới đây, trong danh sách Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 do Tạp chí bán lẻ châu Á (Retail Asia Publishing) và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor Intenational vừa công bố, có đến 9 nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam. Đây là tín hiệu vui khi mà các nhà bán lẻ Việt Nam đã có những bước tiến vươn lên mạnh mẽ cạnh tranh cùng các đồng nghiệp trên thế giới.

 

Theo bảng xếp hạng, Thế giới Di động (gồm cả Điện máy Xanh) là nhà bán lẻ có doanh thu cao nhất tại Việt Nam, đạt hơn 1,4 tỷ USD. Xếp ngay sau là Saigon Coop với hơn 1,2 tỷ USD, hệ thống của Big C xếp kế tiếp với hơn 700 triệu USD.

 

Theo đại diện Thế giới Di động, đến nay công ty đã mở mới 272 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng doanh thu của siêu thị lên con số 1.527 tỷ đồng. Số lượng mở mới chủ yếu là Điện máy Xanh với 148 siêu thị, 2 chuỗi còn lại mỗi chuỗi mở mới 62 cửa hàng. Trong nửa đầu năm 2017, Thế giới Di động đạt doanh thu hợp nhất 31.243 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.070 tỷ đồng, tăng trưởng 28%.

 

Có thể thấy, trước sức ép cạnh tranh từ các nhà bán lẻ nước ngoài, các DN trong nước đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương thức kinh doanh để bắt kịp xu thế. Đặc biệt, bên cạnh việc đẩy mạnh mở rộng các cửa hàng, chuỗi siêu thị thì việc đầu tư công nghệ để hướng tới kinh doanh qua mạng đang được các DN quan tâm.

 

Nguyễn Minh (Theo Thời báo Ngân hàng)