Theo các chuyên gia kinh tế, nỗi lo về nguyên liệu và thị trường đang là hai lực cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng cơ hội, tự tìm hướng đi bài bản để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguyên liệu sản xuất đang là vấn đề làm đau đầu các chủ doanh nghiệp. Ảnh: Q.N

Chủ động kịch bản ứng phó

 

Theo ông Nguyễn Đình Sinh – Giám đốc Công ty May Minh Anh – Kim Liên (Vinh – Nghệ An), hiện nay, doanh nghiệp đã lên sẵn kịch bản sản xuất đến hết tháng 9.2020, bởi DN đã chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu đầu tư trước. Tuy nhiên, do nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cần đưa ra nhiều giải pháp để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất.

 

“Chúng tôi đang xây dựng kịch bản tiếp theo là tìm mối hàng ở các nước khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Châu Âu… để không phải gặp cảnh bị động” – ông Nguyễn Đình Sinh chia sẻ.

 

Còn bà Vũ Thị Hải Yến – Phó Tổng Giám đốc – đồng thời là cổ đông của Công ty TNHH GFS Việt Nam (GFS Việt Nam) – cho biết:  Dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể là nguồn cung do GFS Việt Nam nhập ván, vải, giả da… từ Trung Quốc nên hiện tại có rất nhiều đơn hàng cũng chưa xuất được.

 

Hiện tại, GFS Việt Nam cũng đã mua từ các nguồn khác nhưng cũng đang thiếu vốn do vốn đã dùng để đặt cọc cho nhà cung cấp bên Trung Quốc. Ngân hàng nhà nước thông báo miễn giảm nợ, cơ cấu lại nợ là một việc làm rất tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu như Công ty của tôi. Do đó, tôi mong được hỗ trợ được vay thêm để có vốn mua nguyên vật liệu đầu vào ổn định sản xuất và tăng doanh thu trong năm 2020. Mặt khác, nếu được, xin Chính Phủ khoanh nợ bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp để doanh nghiệp không phải trả lãi cho khoản nợ bảo hiểm mà chỉ trả gốc từ từ”- bà Yến nhấn mạnh.

 

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Quân – chủ một doanh nghiệp may mặc trên địa bàn Hà Nội, cái chính là DN phải tìm được giải pháp để khắc phục những tác động do dịch COVID-19 mang lại. “Chúng tôi không là ngoại lệ, nên ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở các nước, giải pháp của chúng tôi là sử dụng nguồn nhân lực “tinh” và chấp nhận trả mức lương cao. Lương cao, nhưng số lượng nhân lực thấp lúc này là cách làm khá hiệu quả, vừa nâng được năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa ít nhân sự để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh” – ông Nguyễn Hoàng Quân nói.

 

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Quân, để vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, các DN cần liên kết, hỗ trợ nhau, chia sẻ nguồn nguyên liệu để tăng sức mạnh.

 

“Điều quan trọng là hơn bao giờ hết, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về thuế, phí, chính sách thuê đất đai, mặt bằng… để ra đời những DN sản xuất nguyên liệu phụ trợ trong nước. Với sự liên kết giữa DN sản xuất nguyên liệu phụ trợ và DN gia công, bài toán nan giải về nguyên liệu sẽ được giải quyết” – ông Quân khẳng định.

 

Ông Trần Trung Thuyết – Chủ tịch HTX Nông dân trồng cam sạch (đội 2, thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phúc, Bắc Quang, Hà Giang) – chia sẻ: Dịch bệnh COVID-19 cũng như những hiện tượng thời tiết xấu đang tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh tế của chúng tôi. Cụ thể năm nay, vào mùng 1 Tết âm lịch đã bị lốc tố, mưa đá khiến bà con thiệt hại nặng nề. Còn sót lại một phần sản lượng thì thị trường xuất khẩu thu hẹp. Không chỉ có cam, các loại nông sản khác như thanh long dưa hấu… đi các nước đều bị hạn chế do dịch bệnh COVID-19.

 

Cần thêm chính sách

 

Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI – năm nay Việt Nam đối phó với dịch bệnh, cũng là năm triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là năm chúng ta chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII. Vì thế, chúng tôi kiến nghị tiếp tục phát động một đợt sóng cải cách mới trong thể chế kinh tế mang tên “Chương trình nghị sự 25-20” cho năm 2020 với nội dung trọng tâm là tập trung xử lý dứt điểm 25 điểm chồng chéo trong pháp luật kinh doanh và đầu tư, tiếp tục cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành.

 

Việc hoàn thiện hệ thống thể chế tích hợp với thực hiện Chính phủ điện tử và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển bền vững để không “ăn sổi ở thì” chắc chắn sẽ khơi nguồn cho những động lực mới trong nền kinh tế.

 

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) – cho rằng, trong giai đoạn này việc nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn sản xuất toàn cầu tại Việt Nam là cơ hội lớn, biến vị thế từ chỗ đi mua linh kiện, nguyên liệu thành nơi cung cấp linh kiện, nguyên liệu cho thế giới.

 

Cũng theo ông Thịnh, chúng ta phải giúp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu ở các nguồn khác…

 

Khánh Vũ – Phan Anh (Theo Lao động)