Ông Phạm Đình Đoàn – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái cho rằng thương mại Việt Nam đang giằng xé để lấy thị phần. Lúc này các doanh nghiệp lao đầu vào làm, cứ vì tự hào dân tộc mà làm chưa chắc đã thông minh.

Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam vẫn đang thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững. Do đó, Bộ Công Thương đã được giao chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Trong dự thảo, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu từ 2021-2025, thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5%. Đến năm 2025, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 88% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm khoảng 12%; cơ cấu này thay đổi mức 80%-20% đến năm 2030.

Góp ý tại hội nghị, ông Phạm Đình Đoàn – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái cho rằng chiến lược đến năm 2035 là rất khó vì thị trường biến đổi từng ngày.

“Thương mại giờ phát triển nhanh chóng. Một vài năm nữa sẽ tiếp tục thay đổi khi dòng vốn đầu tư tăng lên, hàng hoá nhập khẩu đi vào Việt Nam nhanh hơn, hàng hoá Việt Nam phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay đất nước mình”, ông Đoàn nói.

Do vậỵ, ông Đoàn cho rằng, chỉ nên xây dựng chiến lược với thời gian 5 năm, cùng với đó có sự tham gia góp ý nhiều hơn từ phía doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Phạm Đình Đoàn cũng nêu một thực tế đáng bàn đó là đa số các hệ thống phân phối đều lỗ. “Tất cả các siêu thị đều lỗ, các cửa hàng tiện ích càng lỗ, thương mại điện tử lỗ, doanh nghiệp lớn vài nghìn tỷ lỗ mà doanh nghiệp nhỏ cũng lỗ”, ông Đoàn nói.

Ông Đoàn cho rằng, thương mại Việt Nam đang giằng xé để lấy thị phần. “Lúc này các doanh nghiệp lao đầu vào làm, cứ vì tự hào dân tộc mà làm chưa chắc đã thông minh. Thực tế có doanh nghiệp nội làm thương mại điện tử lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng thì lấy tiền đâu ra”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Một vấn đề khác cũng được Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái nhắc tới đó là lo ngại hàng ngoại tràn vào Việt Nam. Ông Đoàn cho biết, nhiều khi chúng ta cứ lập luận “hàng nước này, nước khác tràn vào tác động đến sản xuất”. Tuy nhiên có một thực tế đặt ra đó là nếu sản xuất hàng không tốt làm sao có thể đưa vào hệ thống siêu thị được.

“Quan trọng là doanh nghiệp trong nước có dám đầu tư công nghệ đi tắt đón đầu để tạo ra những sản phẩm tốt hay không”, ông Đoàn nói. Theo vị này, người ta chỉ bán những hàng gì mà người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận về chất lượng, giá cả, mẫu mã…

Góp ý đối với dự thảo, ông Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh đến câu chuyện chính sách chung để có thể điều tiết các doanh nghiệp trên thị trường, không phân biệt doanh nghiệp nội, liên doanh hay nước ngoài. Đồng thời muốn chiến lược này đáp ứng được nhu cầu thị trường và thực sự đi vào cuộc sống cần phải có buổi làm việc riêng với cộng đồng doanh nghiệp – những người nắm rõ nhịp thở cuộc sống.

 

dantri