Tại Hội thảo “Kết nối giao thương Việt Nam – Úc”, diễn ra ngày 4/6 tại TP. HCM, các chuyên gia cho biết trong thời gian tới việc mở rộng đầu tư kinh doanh của DN Việt Nam sang thị trường Úc sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì các hiệp định thương mại tự do với Úc đã ký kết và bắt đầu có hiệu lực.

 

Dệt may là một trong những mặt hàng XK chính của Việt Nam tại thị trường Úc. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo ông Gary Dawes, Cố vấn cấp cao về xúc tiến thương mại, đại diện cho Hiệp hội DN Úc, mối quan hệ hợp tác giao thương Việt – Úc trong tương lai rất thuận lơi bởi Chính phủ hai nước đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước vào tháng 3/2018.

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào Úc, gần đây Chính phủ Úc cam kết thúc đẩy tinh thần kinh doanh- đổi mới và đã cam kết thử nghiệm sáng kiến visa mới ở Nam Úc. Theo sáng kiến này, các doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài với một ý tưởng sáng tạo và một kế hoạch kinh doanh hỗ trợ sẽ có thể nộp đơn xin visa tạm thời để tiến hành liên doanh tại Úc.

Theo gợi ý của các chuyên gia Úc, trong đầu tư, DN Việt có thể nhắm tới kinh doanh F&B (nhà hàng, ẩm thực0

Liên quan đến vấn đề đầu tư tại Úc, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Tiến Thịnh International Migration & Investment- cho biết “ Chúng tôi đã làm việc và tư vấn xúc tiến thương mại cho nhiều DN Việt Nam khi đầu tư qua Úc. Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi nhận thấy những lĩnh vực người Việt đang có thế mạnh ở thị trường này có thể kể tới như nhà hàng, cà phê, bán lẻ và xuất khẩu hàng nông thủy sản. Chẳng hạn, Công ty Nam Châu Sơn (chuyên về thực phẩm) – thông qua tư vấn, hỗ trợ thông tin của Tiến Thịnh đã mở chi nhánh tại Úc nhằm cung cấp thịt bò Úc cho các chủ nhà hàng tại đây, đồng thời xuất khẩu mặt hàng này về thị trường Việt Nam khá thành công.

Bên cạnh hoạt động đầu tư, các chuyên gia tại hội thảo cho biết, dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Úc còn rất lớn, tập trung vào các mặt hàng thủy sản, nông sản, đồ gỗ, túi xách, vali, dệt may, máy móc thiết bị…Bên cạnh đó, các  DN cũng có thể trong xuất khẩu các DN Việt có thể tập trung vào các ngành nghề như sản phẩm xây dựng, đồ ăn- đồ uống, máy móc loại nhẹ – chế tạo nâng cao, máy móc công nghiệp, giáo dục…

Đánh giá về tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Úc, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết. Hiện Úc là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu thứ 12 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là bạn hàng thứ 14 của Úc về nhập khẩu lẫn xuất khẩu.

Với những cam kết hội nhập trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA) được ký kết năm 2009, từ năm 2018 này Úc sẽ cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN và 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0% từ năm 2020. Đây là cơ hội tốt để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc. Bên cạnh đó, ngày 8/3/2018 vừa qua 11 nước ký Hiệp định CPTPP, hiệp định này cũng được kỳ vọng tạo cơ hội lớn cho quan hệ hai nước Việt – Úc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Về đầu tư, Úc hiện có gần 400 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn khoảng 1,8 tỷ USD, xếp hạng thứ 19/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, với chính sách khuyến khích DN đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ Úc, dự báo trong thời gian tới vốn đầu tư của nước này vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Ngược lại, về phía Việt Nam, cũng đã có rất nhiều DN đầu tư thành công sang thị trường Úc, tập trung vào một số lĩnh vực ăn uống, du lịch, bất động sản…

Tuy nhiên, để có thể mở rộng đầu tư kinh doanh và xuất khẩu vào Úc, các chuyên gia cho biết, DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ văn hóa của người Úc, khảo sát trước nhu cầu tiêu dùng của thị trường cũng như đảm bảo chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

 

Nguyễn Huế (Theo Báo Hải Quan)