Suốt một thời gian dài trên thị trường chứng khoán, FPT được gọi là công ty về phân phối, bán lẻ, thay vì công ty công nghệ như mong muốn của lãnh đạo tập đoàn.

Mảng bán lẻ sản phẩm công nghệ đã chững lại và không còn nhiều dư địa tăng trưởng, trong khi lĩnh vực phân phối hàng công nghệ cũng gặp nhiều khó khăn.

Bởi vậy, việc tập đoàn FPT hoàn thành bán tỷ lệ lớn cổ phần tại Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading) và Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), lại đang được xem là… may mắn.

Từ 2018 sẽ “thuần” công nghệ, dịch vụ

Kế hoạch thoái vốn khỏi FPT Trading và FPT Retail của FPT được khởi động từ năm 2015. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khi đó cho rằng, việc thoái vốn và giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT Retail và FPT Trading là để FPT tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin và viễn thông.

Nhưng mãi đến tháng 8 và tháng 9 năm nay, FPT mới thực hiện được kế hoạch thoái vốn tại hai công ty trên. Lý do của sự chậm trễ này được lãnh đạo FPT giải thích rằng do tỷ lệ cổ phần bán ra. Theo một số nguồn tin không chính thức, đối tác muốn mua tỷ lệ cổ phần đủ để nắm quyền chi phối, tuy nhiên FPT chỉ muốn bán một lượng cổ phiếu nhất định để mình vẫn là người làm chủ.

Lý do FPT đưa ra, theo lãnh đạo một hệ thống bán lẻ hàng công nghệ, có thể chỉ đúng một phần. Bởi theo vị này, giới kinh doanh đã nhìn nhận, cơ hội đối với hai mảng kinh doanh này không còn quá nhiều tiềm năng và vì thế, kế hoạch tìm nhà đầu tư của FPT để thoái vốn cũng đã khó khăn hơn.

Theo ông, điều này có thể giải thích cho việc ban đầu FPT Retail mong muốn bán cổ phần cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm bán lẻ và thương mại điện tử, nhưng cuối cùng của thương vụ lại là hai quỹ đầu tư tài chính. “Không được chi phối, lại không quá nhiều tiềm năng, các nhà đầu tư trong ngành vì đó có thể cũng không mặn mà”, ông nói.

Sau khi hoàn tất việc bán 30% cổ phần tại FPT Retail trong tháng 8 cho hai quỹ Dragon Capital và VinaCapital, FPT dự kiến tiếp tục chào bán 10% cổ phần FPT Retail cho các nhà đầu tư cá nhân. Với kế hoạch này, FPT chỉ còn sở hữu dưới 50% cổ phần tại FPT Retail.

Trong khi đó, đối với FPT Trading, trong tháng 9/2017, FPT đã ký kết bán 47% cổ phần công ty phân phối này cho tập đoàn Synnex Technology International Corporation (trụ sở tại Mỹ) để thu về hơn 930 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ sở hữu của FPT tại FPT Trading còn khoảng 48%.

Sau khi hoàn thành thoái vốn tại hai công ty phân phối và bán lẻ, một lãnh đạo cao cấp của FPT cho VnEconomy biết, 2017 là năm cuối cùng mà doanh thu tại FPT Retail và FPT Trading còn được tính vào doanh thu chung của FPT.

Từ năm sau, theo quy định về nắm giữ tỷ lệ cổ phần, nên doanh thu từ phân phối và bán lẻ – vốn chiếm tới 2/3 doanh thu của FPT – sẽ không còn được cộng gộp vào doanh thu chung của tập đoàn nữa.

“Khi đó, FPT sẽ trở thành công ty tỷ USD thuần túy về công nghệ và dịch vụ”, vị lãnh đạo FPT nói.

Với lộ trình thoái vốn trên, FPT có lẽ sẽ không còn bị “mang tiếng” là công ty phân phối, bán lẻ bởi phần lớn doanh thu đến từ lĩnh vực phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ.

Trước đó, suốt một thời gian dài trên thị trường chứng khoán, FPT được gọi là công ty về phân phối, bán lẻ, thay vì công ty công nghệ như mong muốn của lãnh đạo tập đoàn.

Bán được là… may?

Giả thiết đặt ra, nếu thời điểm hiện nay FPT mới tính đến việc bán FPT Retail và FPT Trading, hoặc không có ý định bán thì FPT có thể sẽ còn gặp khó hơn.

Từ giữa năm 2016, nhu cầu mở rộng điểm bán của các hệ thống bán lẻ điện thoại tại Việt Nam đã bắt đầu chững lại.

Công ty nghiên cứu thị trường GFK dự đoán, trong năm 2017, số lượng smartphone bán ra tại Việt Nam đạt khoảng 23,6 triệu chiếc, tăng trưởng khoảng 19% so với năm 2016. Mặc dù doanh số tăng 19%, nhưng doanh thu thị trường dự báo lại chỉ tăng khoảng 7%, từ mức 73,3 nghìn tỉ lên mức 78,6 nghìn tỉ đồng trong năm 2017.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu này thấp hơn khá nhiều so với những năm trước đây, nhất là từ năm 2015 đổ về trước.

Ông Nguyễn Lạc Huy, quản lý hệ thống bán lẻ CellphoneS, cho biết, từ gần cuối năm 2016 đến nay, CellphoneS đã không còn mở các điểm bán mới vì thị trường đã bước vào giai đoạn bão hòa và cơ hội tăng trưởng doanh thu trên mỗi điểm bán cũng không nhiều. Công ty phải chuyển hướng gia tăng doanh thu trên các giá trị dịch vụ khác.

Một “ông lớn” trong ngành là Thế Giới Di Động năm 2017 cơ bản cũng không còn mở các điểm bán mới thuộc chuỗi hệ thống bán lẻ điện thoại di động, và chiến lược của công ty chỉ là tối ưu và gia tăng doanh thu từ các giá trị dịch vụ.

Trong khi, bản thân lãnh đạo FPT Retail cũng cho rằng, nhu cầu phát triển điểm bán mới sẽ ngày càng chậm lại và chuỗi FPT Shop có thể ngừng mở mới một hai năm tới, và muốn tiếp tục tăng trưởng thì chỉ còn cách mở thêm mảng kinh doanh mới.

 

Mai An

http://vneconomy.vn