Sau 3 ngày 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, theo khảo sát hiện giá thịt lợn trên thị trường vẫn giữ ở mức cao gây không ít thắc mắc với người tiêu dùng.

Để lý giải rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).

Chú thích ảnh
Giá thịt lợn được niêm yết tại siêu thị BigC. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Ông có thể chia sẻ cho dư luận hiểu rõ hơn nguyên nhân vì sao đến nay giá thịt lợn vẫn ở mức cao?

Qua theo dõi thường xuyên giá thị trường lương thực, thực phẩm thiết yếu thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước nhận thấy giá lợn hơi và thịt lợn ở mức cao hơn so với mọi năm.

Một trong những nguyên nhân quan trọng cơ bản nhất là do nguồn cung thịt lợn sản xuất trong nước giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến. Hơn nữa, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên việc tái đàn còn chậm, tổng sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường trong quý I năm 2020 đạt 811 nghìn tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Không những thế, việc nhập khẩu để bổ sung cho nguồn cung thiếu hụt của sản xuất trong nước chưa bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Chính phủ căn cứ trên cơ sở nguồn cung và nhu cầu sản xuất trong nước đã có chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn trong quý I. Tuy nhiên, tính đến 27/3 mới chỉ thực hiện nhập khẩu được hơn 39 nghìn tấn.

Không những thế, đến nay vẫn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tại cuộc họp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 30/3 đã có 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg dù các doanh nghiệp này chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước.

Như vậy, có khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá; trong đó, có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước. Mặt khác, thị trường tiêu dùng bị tác động lớn bởi dịch bệnh và yếu tố tâm lý.

Cụ thể, do dịch COVID-19, số lượng người bán hàng giảm, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn hơn; đồng thời với việc thực hiện giãn cách xã hội, một bộ phận người tiêu dùng đã mua tích trữ thực phẩm; trong đó có thịt lợn để hạn chế số lần đi chợ hoặc đề phòng trường hợp bị cách ly.

Chính bởi các nguyên nhân này đã khiến giá thịt lợn đã tăng cục bộ tại một số nơi nhưng tổng thể thị trường đa phần giá thịt lợn ổn định hoặc giảm nhẹ tại một số nơi như tại Hà Nam giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg thịt lợn.

Một trong những nguyên nhân nữa góp phần đẩy giá thịt lợn lên cao hơn là do tất các các nhà hàng, quán ăn uống đều đóng cửa nên hầu như các phụ phẩm thịt lợn sau giết mổ đều không bán được.

Hơn nữa, một số thương nhân mua lợn thịt cũng phản ánh rằng bên cạnh giá mua lợn hơi, người mua phải trả thêm chi phí ngoài hóa đơn khoảng 10% (từ 7.000-8.000 đồng/kg). Phần chi phí chênh này cũng khiến giá lợn hơi trên thị trường ở mức cao.

Ông lý giải thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng khâu trung gian cố tình giữ giá thịt lợn ở mức cao để tăng lợi nhuận?

Phải khẳng định rằng từ sản xuất đến tiêu dùng tại hệ thống phân phối; trong đó, có mặt hàng thịt lợn đều tồn tại khâu trung gian là tất yếu để bảo đảm đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, với mặt hàng thịt lợn, khâu trung gian có phần phức tạp hơn bởi phải qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù trước khi đến tay người tiêu dùng.

Không những thế, còn do thói quen tiêu dùng thịt lợn nóng của người dân và việc tồn tại hệ thống lò giết mổ nhỏ lẻ, phân tán để cung cấp lợn thịt cho các chợ dân sinh. Vì vậy, giá thịt lợn tăng dần theo hai đường chính tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ.

Chuỗi cung ứng thịt lợn bắt nguồn từ cơ sở chăn nuôi hoặc doanh nghiệp chăn nuôi nơi có giá bán ra 70.000 đồng/kg. Sau đó qua đại lý cấp 1 mỗi công đoạn tăng thêm từ 8-10%, đại lý cấp 2, lò mổ, bán buôn, bán lẻ và cuối cùng mới tới tay người tiêu dùng.

Như vậy, qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo) do mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương.

Theo đó, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá lợn hơi từ 70.000 đồng/kg sẽ tăng lên khoảng từ 90.000-100.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá trị thịt lợn thành phẩm các loại thay đổi qua các giai đoạn giết mổ, pha lóc. Chẳng hạn như khối lượng sống 100 kg, loại bỏ hết các chất chứa trong đường tiêu hoá khoảng 5kg, khối lượng cơ thể đói còn 95kg.

Tiếp theo trừ tiếp lông, máu, nội tạng khoảng 22 kg; trong đó, nội tạng ăn được là 18 kg và nội tạng bỏ đi 4 kg còn lại khối lượng móc hàm là 73 kg, đầu và đuôi, chân cũng nặng 8 kg.

Vì vậy, thịt xẻ ra chỉ còn 65 kg bao gồm 55 kg thịt ăn được; trong đó, là 28 kg mô mỡ và 34 kg mô nạc, 7 kg xương, 3 kg da. Do đó, con lợn nặng 100 kg chỉ có 55 kg thịt (gồm cả nạc và mỡ). Từ giá thành 70.000 đồng/kg lợn hơi, sau khi giết mổ thì chi phí 1 kg thịt lợn thành phẩm (cả nạc và mỡ) sẽ thành 127.000 đồng/kg không bao gồm chi phí tại các khâu trong chuỗi cung ứng.

Qua đây có thể thấy giá thịt lợn qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng đúng theo cơ chế thị trường và không phải do khâu trung gian đẩy giá lên cao.

Theo ông, thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể nào để đưa giá thịt xuống mức thấp hơn?

Bản chất thị trường hiện nay vẫn là yếu tố cung cầu quyết định giá cả. Vì vậy, trước tiên phải đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu.

Tuy nhiên, để làm được điều này cần thực hiện song song việc tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học. Bên cạnh đó, nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.

Đặc biệt, các doanh nghiệp chăn nuôi tiếp tục giảm giá bán lợn hơi và tăng số lượng bán ra thị trường vì với mức giá thành sản xuất như hiện nay thì giá bán lợn hơi 70.000 đồng/kg là quá cao. Không những thế, các doanh nghiệp chăn nuôi phải thực hiện việc giảm giá bán đúng như cam kết với Chính phủ.

Hơn nữa, nhằm giảm tối đa khâu trung gian cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi và lò mổ nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt lợn cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc; hạn chế tối đa việc thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép qua biên giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Uyên Hương (TTXVN)