Hà Nội, Việt Nam, ngày 16/05/2017 — Hơn 400 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, công nghệ, thương mại điện tử, ngân hàng, bảo hiểm được tiếp cận về việc gắn kết vấn đề bảo tồn thiên nhiên hoang dã trong chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Hội thảo xuất nhập khẩu trực tuyến 2017.

Hội thảo, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh Xuất khẩu Hỗ trợ trực tuyến (VESA), phối hợp tổ chức là cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giao lưu, kết nối, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ như thương mại điện tử, ngân hàng, bảo hiểm, logistics.

Thông qua Hội thảo, Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã – Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cung cấp thông tin và nhận thức cho doanh nghiệp về những nguy cơ, rủi ro của việc liên quan đến các hành vi buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã cũng như tầm quan trọng của việc hoạt động có trách nhiệm đối với các vấn đề về môi trường và xã hội.

TRAFFIC

Theo Bà Madelon Willemsen, Trưởng Đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam: “Buôn bán trực tuyến, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng và các trang web thương mại điện tử là xu hướng đang phát triển tại Việt Nam. Dự kiến đến năm 2019, thị trường thương mại điện tử sẽ đạt doanh thu lên đến 7,5 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong số đó nhiều hàng hóa/sản phẩm được buôn bán trái phép qua mạng điện tử bao gồm động, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã”.

“Chúng tôi cho rằng Hội thảo là cơ hội để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đấu tranh chống lại các hành vi buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã cũng như tác động nhằm thay đổi hành vi tiêu thụ các sản phẩm trên đối với nhóm đối tượng tiêu thụ chính sừng tê giác là các doanh nhân thành đạt. Để ngăn chặn hành vi buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, chúng ta cần tăng cường việc rà soát, kiểm tra các kênh buôn bán đồng thời giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng của nhóm đối tượng người sử dụng.”

Năm 2016, Tổ chức TRAFFIC đã thực hiện một khảo sát nhanh tại 8 trang web thương mại điện tử tại Việt Nam trong vòng 23 ngày nhằm đánh giá thực trạng buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã qua mạng. Thống kê cho thấy, trong vòng 30 phút tìm kiếm/ngày, có thể tìm thấy nhiều tin rao bán sản phẩm động, thực vật hoang dã từ các cá thể sống đến các sản phẩm như sừng tê giác hay ngà voi. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, có tất cả 180 tin quảng cáo rao bán động, thực vật hoang dã—64% các tin quảng cáo này rao bán trái phép các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã (Xem chi tiết tại: http://bit.ly/2plfkb5).

Trong khuôn khổ Hội thảo, Tổ chức TRAFFIC đã trình bày một bài tham luận về việc áp dụng chính sách trách nhiệm xã hội đối với bảo tồn thiên nhiên hoang dã và chia sẻ những định hướng về việc khuyến khích cộng đồng thương mại điện tử đồng hành ngăn chặn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Tổ chức TRAFFIC cũng tham gia trưng bày các hình ảnh và thông điệp thay đổi hành vi tại Hội thảo nhằm khuyến khích doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức và khách mời tham gia Hội thảo đấu tranh chống lại buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã.

Tổ chức TRAFFIC đang hợp tác với nhiều tổ chức xã hội dân sự như Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nhằm khuyến khích cộng đồng thương mại điện tử tham gia giám sát và ngăn chặn các hành vi buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng.

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử hoạt động có trách nhiệm đối với các vấn đề về xã hội và môi trường. Năm ngoái, VECOM đã lần đầu tiên tổ chức thành công cuộc thi tối ưu hóa công cụ tìm kiếm với từ khóa chính là sừng tê giác nhằm tạo ra nhiều trang web chứa đựng những thông tin chính xác về việc sử dụng sừng tê giác. Đây cũng là hoạt động nằm trong Sáng kiến Chí, [xem chi tiết tại: http://bit.ly/29qFqoI] – là sáng kiến tiếp thị xã hội nhằm thay đổi hành vi người sử dụng trái phép động, thực vật hoang dã trong đó có sừng tê giác tại Việt Nam.

Theo Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam: “Khảo sát của Tổ chức TRAFFIC đã cho thấy nhiều cá nhân đang lợi dụng các kênh trao đổi, buôn bán trực tuyến hợp pháp như các trang web thương mại điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm phạm luật về bảo tồn thiên nhiên hoang dã. VECOM mong muốn thông qua Hội thảo này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ được trang bị thêm thông tin và kiến thức nhằm bảo vệ uy tín doanh nghiệp khỏi những rủi ro liên quan đến hành vi buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã thông qua việc xây dựng một chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp không khoan nhượng với buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã hướng đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp cũng đang là một xu thế hiệu quả giúp doanh nghiệp thu hút nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư nước ngoài”.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Chị Bùi Thúy Nga, Cán bộ Chương trình, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam

Email: [email protected]

Về TRAFFIC

TRAFFIC – Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã, là tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm đảm bảo việc buôn bán động, thực vật hoang dã không phải là mối đe dọa đến bảo tồn thiên nhiên. TRAFFIC là liên minh chiến lược của IUCN và WWF. Để biết thêm thông tin, xin vui lòng truy cập: www.traffic.org

Về Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM)

Được thành lập từ năm 2007, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) là một tổ chức phi chính phủ với hội viên là các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trực tiếp kinh doanh bằng thương mại điện tử; hoặc ứng dụng thương mại điện tử phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoặc nghiên cứu hay cung cấp các dịch vụ về thương mại điện tử. Hiệp hội hoạt động nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ, bảo vệ các hội viên để phát triển lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam. Để biết thêm thông tin, xin vui lòng truy cập: www.vecom.vn