Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang cần hỗ trợ để lớn mạnh hơn nữa (Ảnh minh họa: KT)

 

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (12/6). Đây được cho đạo luật được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi, tạo sân chơi bình đẳng và là tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Kích thích chuyển đổi mô hình

Luật hỗ trợ DNNVV được xây dựng theo quan điểm hỗ trợ theo quy mô, hỗ trợ có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế.

Một trong những điểm nổi bật của Luật là hỗ trợ DNNVV thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ DNNVV cho thấy có ý kiến cho rằng, quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì cần cân nhắc tính hợp lý, vì nếu miễn thuế có thời hạn cho các đối tượng này có thể dẫn đến không bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, hiện nay số lượng các hộ kinh doanh cũng không nhỏ, nếu tỷ lệ hộ kinh doanh chuyển đổi lớn có thể phần nào ảnh hưởng đến số thu thuế hiện nay.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc cho biết, một lý do quan trọng khiến các hộ kinh doanh không có động lực chuyển đổi thành doanh nghiệp vì đang được thực hiện cơ chế thuế khoán đơn giản, dễ dàng hơn so với thủ tục đóng thuế khi trở thành doanh nghiệp; không phải đóng bảo hiểm cho người lao động, không phải thực hiện các quy định như phải có kế toán trưởng, phải thực hiện nhiều biểu mẫu kế toán, kê khai thuế, mất nhiều thời gian kê khai…
Quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV chỉ miễn thuế có thời hạn, cùng với hỗ trợ khác như miễn lệ phí môn bài, miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện… để tạo khuyến khích đủ mạnh các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Khơi thông nguồn vốn

Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ DNNVV vừa được thông qua cung cấp kênh tiếp cận vốn đa chiều cho doanh nghiệp, với 3 loại quỹ: Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

 

Về vấn đề hỗ trợ vốn, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu thực tế: Các doanh nghiệp lớn thường lấn át các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước. Đây cũng chính là câu trả lời thực tiễn mà nhiều năm qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam

 

Để đảm bảo cho doanh nghiệp DNNVV được tiếp cận bình đẳng với nguồn lực hỗ trợ, theo ông Thân, không nên đặt vấn đề tổ chức này có nhiều quyền hơn tổ chức khác.

Các chính sách hỗ trợ DNNVV nếu được triển khai xuống cơ sở thông qua cầu nối là Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ được kịp thời nhất quán, đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu ý kiến.

Đối với Quỹ phát triển DNNVV, Luật quy định rõ: đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập để cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Luật cũng nêu rõ về Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật cũng quy định, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo thống kê, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tới 95% trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động, chiếm 17,26% tổng nộp ngân sách Nhà nước.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gồm 4 chương, 35 điều, với nội dung chính là hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa như: hỗ trợ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, miễn giảm thuế, hỗ trợ mở rộng thị trường, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý…

Trần Ngọc (Theo VOV)