Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) nhận định số lượng và giá trị các giao dịch M&A tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017 và 2018 khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Trong Sách trắng 2017 do EuroCham công bố ngày 2/3 có nhận định M&A tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017,2018

 

Nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam nhiều hơn trong 2017, 2018

 

Phân tích về sự bùng nổ của thị trường mua bán và sáp nhập tại Việt Nam (M&A) trong những năm gần đây, EuroCham cho biết M&A tại Việt Nam đang khởi sắc, các giao dịch M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách hiệu quả nhất để xâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

 

Năm 2015, có 341 thương vụ M&A với tổng giá trị đạt 5,2 tỷ USD. So với năm 2014, số thương vụ của năm 2015 đã tăng 23,1% và những thương vụ có sự tham gia cả các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 46% tổng số thương vụ M&A của năm.

 

Năm 2016, tổng giá trị các thương vụ M&A trong 7 tháng tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2015.

 

EuroCham nhận định con số này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2017 và có thể bùng nổ trong năm 2018 vì đó là thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách vào Việt Nam để có thể tận dụng được toàn bộ những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực mang lại trong những năm tới.

 

Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá Việt Nam đã có những bước tiến rất tích cực đối với doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng. Nghị định 60 năm 2015 của Chính phủ đã cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết và công ty đại chúng có trụ sở tại Việt Nam từ 49% lên 100%.

 

“Đây là tin vui cho các nhà đầu tư có ý định mua cổ phần trong các công ty đại chúng ở Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ theo dõi sát sao tác động mà thay đổi pháp lý quan trọng này mang lại khi được áp dụng thực tế”, EuroCham cho biết.

 

Những rào cản của M&A tại Việt Nam

 

Mặc dù có nhiều tín hiệu vui và khả quan nhưng việc thực hiện M&A tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều rào cản. EuroCham chỉ ra ít nhất có 3 rào cản đang hiện hữu.

 

Thứ nhất, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và những biện pháp tiếp cận thị trường khác. EuroCham cho rằng việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có động thái bổ sung thêm 12 ngành nghề mới vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gây lo ngại và bất an trong cộng đồng đầu tư nước ngoài. Theo cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều từ việc giảm tối thiểu số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm soát chặt chẽ việc bổ sung bất kỳ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới nào để có thể củng cố hình ảnh Việt Nam là điểm đến đầu tư nước ngoài hấp dẫn.

 

Thứ hai, thủ tục cấp phép còn rườm rà không cần thiết. EuroCham cho hay quy định bắt buộc phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) và chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (CNĐKDN) không những làm chậm quy trình thành lập doanh nghiệp mà còn tạo ra nhiều thủ tục phức tạp và khó lường. Quy định kép này cũng tác động tiêu cực lên thị trường M&A do các giao dịch M&A với các doanh nghiệp tư nhân phải đi kèm với việc sửa đổi giấy CNĐKĐT hoặc CNĐKDN do doanh nghiệp mục tiêu hoặc nhà đầu tư của doanh nghiệp đó đang nắm giữ.

 

“Rõ ràng đối với hoạt động thành lập doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc quy định bắt buộc một loại giấy chứng nhận sẽ hiệu quả hơn và được xem là thông lệ chuẩn mực tại hầu hết các khu vực tài phán trên thế giới”, EuroCham khẳng định.

 

Thứ ba, vấn đề chấp nhuận giao dịch M&A, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp tư nhân cần phải xin Sở Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền “chấp thuận giao dịch M&A” để làm điều kiện tiên quyết tiến hành bất kỳ giao dịch M&A nào với nhà đầu tư nước ngoài. EuroCham cho rằng đây là quy định bất thường so với các nước trên thế giới bởi giao dịch M&A chỉ cần đăng ký thay vì phải chấp thuận trước với các cơ quan hữu quan.

 

Ngoài ra, một số Sở Kế hoạch và Đầu tư còn áp dụng quy định chấp nhuận giao dịch M&A không thống nhất tạo ra sự khó hiểu cho các nhà đầu tư.

 

Để thúc đẩy tăng trưởng M&A tại Việt Nam, EuroCham kiến nghị cần giảm số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện. quy định những giới hạn rõ ràng và khắt khe về việc bổ sung những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

 

Đồng thời cần bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài phải xin cấp giấy CNĐKĐT và CNĐKDN mới được phép thành lập một pháp nhân tại Việt Nam.

 

Bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài phải xin “chấp nhuận giao dịch M&A” trước khi tiến hành các giao dịch M&A với các doanh nghiệp tư nhân.

 

Hải Minh (Theo NDH)