Brandless, ý tưởng gây chú ý thời gian qua của hai doanh nhân người Mỹ Tina Sharkey và Ido Leffler, là cửa hàng bán sản phẩm chất lượng tốt nhưng giảm được các chi phí nhãn hiệu đắt đỏ vô lý.

Dù nhãn mác, hàng hiệu, mang lại cảm giác quen thuộc, rất ít người tiêu dùng nhận ra họ phải trả thêm một số tiền để sử dụng mặt hàng của các công ty lớn.

Chính vì vậy, Brandless – nghĩa là không thương hiệu – muốn mang đến những sản phẩm cùng chất lượng với giá thành hợp lý hơn.

Tốt hơn không cần phải đắt hơn

Brandless là cửa hàng và trang mạng bán lẻ các mặt hàng không có nhãn mác, chủ yếu bán nhu yếu phẩm như thức ăn đóng gói, bộ dao bếp và sản phẩm làm đẹp.

Các mặt hàng được đóng gói sử dụng bao bì đơn giản chỉ chứa một nhãn màu trắng có thông tin sản phẩm. Mỗi món giá chỉ 3 USD.

Theo cô Sharkey, mọi người tiêu dùng xứng đáng có được thứ tốt hơn nhưng tốn ít tiền hơn và hàng được cô bán ra với giá rẻ do tiết kiệm được số tiền lớn từ bao bì và quảng cáo.

Bằng việc mua các sản phẩm không phải hàng hiệu, người tiêu dùng có thể tiết kiệm 40% chi phí cho những sản phẩm cùng chất lượng.

Để tiết kiệm chi phí, các sản phẩm được đặt hàng tại các nhà máy độc lập, rồi chuyển thẳng đến các trung tâm phân phối.

Tiêu chí chất lượng cũng rất nghiêm ngặt khi tất cả các sản phẩm là phải hữu cơ tự nhiên, không sử dụng công nghệ biến đổi gen, không chứa hàm lượng đường cao, thân thiện với môi trường và có thể ăn chay.

Trong khi các nhãn hiệu lớn hay “dụ” khách bằng cụm từ “ít béo”, “ít đường”, “giàu canxi” hay “thân thiện với môi trường”, Brandless cho phép người dùng tự chọn cho mình giá trị nào đối với họ là quan trọng nhất bằng việc viết tất cả các thông tin về sản phẩm lên bao bì để người dùng có thể tự quyết định.

“Chúng tôi không chống lại các thương hiệu lớn, chúng tôi chỉ đang cho mọi người thấy một nhãn hàng thật sự nên là như thế nào”, cô Sharkey khẳng định trên CNN.

Cô mong muốn sẽ quảng bá được cách sống “không nhãn mác”, hy vọng người dùng sẽ tạo cho mình thói quen không quan tâm đến nhãn mác khi sắm sửa đồ đạc.

Ý tưởng của cô Sharkey và ông Leffler được không ít người hưởng ứng. Công ty đã gọi vốn được 50 triệu USD từ các nhà đầu tư trước ngày trang web của công ty được đưa vào hoạt động vào tháng 7-2017.

Chỉ trong tuần đầu tiên, Brandless đã có đơn đặt hàng tại 48 bang của Mỹ.

“Hãng” Brandless

Trang tin Quartz khẳng định Brandless là “Procter and Gamble của thế hệ trẻ”, và “không thương hiệu” lại chính là một thương hiệu khác.

Brandless không phải công ty đầu tiên bán sản phẩm không có thương hiệu. Ý tưởng ban đầu là của chuỗi cửa hàng bán lẻ MUJI, Nhật Bản, bán sản phẩm theo tiêu chí “không có nhãn mác, sản phẩm có chất lượng”.

Hàng hóa “không nhãn mác” đã giúp MUJI đã trở thành một trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ được nhiều người chuộng sử dụng. MUJI hiện đã có chi nhánh ở Việt Nam.

“Tôi đợi bốn ngày để đơn đặt hàng của tôi được giao. Cả thùng lẫn băng keo đều được in logo của ‘Brandless’. Bên trong có một thư chào mừng khách hàng đến với Brandless”, một khách hàng khác chia sẻ về trải nghiệm của mình với Brandless trên Business Insider.

Mặc dù cửa hàng bán lẻ không nhãn mác đã kêu gọi được nhiều sự ủng hộ, vẫn còn nhiều khách hàng không đồng tình cho rằng phí vận chuyển quá cao, đến 9 USD, và không phải sản phẩm nào cũng rẻ. Chất lượng các sản phẩm không nổi bật và cũng chỉ tương xứng với giá.

Một người khác nhận định: “3 USD là giá khá cao cho một phần bánh quy. Tôi có thể mua hộp bánh hiệu Oreo 400gr rất ngon ở Target với giá 3USD.”

My Hà (Theo Tuổi Trẻ)