Mô hình như Zalora cần thời gian từ 6-9 năm để hòa vốn. Tính đến nay, Zalora Group chỉ mới thành lập được 5 năm.

Kết hợp thương mại điện tử và truyền thống

Theo thông cáo báo chí phát đi hồi giữa tháng 5, Central Group Việt Nam đã hợp nhất Zalora thành Robins chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang và làm đẹp. Các lõi giá trị của Zalora bao gồm bộ sưu tập thời trang của hơn 700 thương hiệu trong và ngoài nước sẽ được giữ lại, kết hợp thêm 200 thương hiệu thuộc 7 ngành hàng khác nhau của Robins.

Trao đổi với NCĐT qua email, đại diện truyền thông Robins xác nhận trong thời gian tới, đơn vị này sẽ phát triển mạnh cả mảng thương mại điện tử và các cửa hàng truyền thống. Hiện thương hiệu này có mặt ở Crescent Mall (TP.HCM) và Vincom (Hà Nội) cùng kho tổng nằm ở quận 9, TP.HCM. Robins cũng xây dựng hẳn một đơn vị giao hàng riêng mang tên Robins Express để phục vụ việc giao hàng ở các thành phố. Các đối tác khác như ViettelPost sẽ đảm nhiệm việc giao hàng ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc; Kerry Express và FM Express phục vụ khu vực phía Nam. Riêng VNPost sẽ chịu trách nhiệm cho dịch vụ đổi trả ở các tỉnh xa.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho các kế hoạch sắp tới, trong đó bao gồm sự trở lại của ngành hàng dành cho trẻ em vào Ngày Quốc tế thiếu nhi diễn ra vào tháng 6 năm nay. Ngoài ra, để tiếp cận lượng khách hàng lớn và tiềm năng tại khu vực phía Đông và Đông Bắc thành phố, Robins Online sẽ ra mắt showroom mới tại TP.HCM và Hà Nội trong thời gian gần”, đại diện truyền thông của Robins cho biết thêm.

So với cách đây 5 năm, thị trường dù có nhiều cái tên tham gia hơn như Leflair, Topmot, Zanado, nhưng lợi thế là một nền tảng phục vụ chuyên cho thời trang của Robins vẫn còn nguyên giá trị. Điển hình như Leflair hay Topmot là trang kinh doanh hàng hiệu giá ưu đãi theo mô hình Flash sale (giảm giá trong thời gian ngắn và giới hạn số lượng). Zanado có mô hình giống Robins nhất, là Marketplace nhưng khác định vị khách hàng.

 

Mua Zalora, Robins mo ban da kenh

 

Mặc dù vậy, các thông tin về số địa điểm sẽ mở tại TP.HCM và Hà Nội là bao nhiêu, thời gian hoàn thành và quan trọng nhất là Robins sẽ mở chuỗi cửa hàng riêng hay đi theo chuỗi Big C, hiện có khoảng 36 siêu thị trên toàn quốc và vì sao không kinh doanh thuần trực tuyến như Zalora là các câu hỏi mà đại diện truyền thông Robins từ chối trả lời.

Nền tảng mua sắm đa kênh

Để giải đáp các khúc mắc này, hãy nhìn lại lịch sử của Zalora Group. Năm 2012, Zalora Group thành lập, có trụ sở đặt ở Singapore. Nếu như Lazada là nền tảng thương mại điện tử được xây dựng phục vụ mảng bán lẻ, thì Zalora được Rocket Internet xây dựng để phục vụ chuyên mảng thời trang, mỹ phẩm ở Đông Nam Á sau khi huy động được 200 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Các thông tin tài chính của Zalora Thái Lan và Việt Nam đều không được tiết lộ cho đến khi về tay Central Group, nhưng có điều chắc chắn là các doanh nghiệp này vẫn trong giai đoạn đầu tư. Trước khi Zalora Việt Nam đóng cửa, nhiều trang thương mại điện tử khác đã rời bỏ thị trường, như Deca, Beyeu, Lingo… Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử cùng với những khó khăn của Tập đoàn trên toàn cầu có thể là lý do khiến Rocket Internet rút lui khỏi Zalora. Sau khi đóng cửa mảng kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan, Zalora tiếp tục rút khỏi thị trường Philippines và Indonesia.

Theo chia sẻ của ông Oliver Samwer, đồng sáng lập Rocket Internet với website techcrunch.com hồi cuối năm 2015, mô hình như Zalora cần thời gian từ 6-9 năm để hòa vốn. Tính đến nay, Zalora Group chỉ mới thành lập được 5 năm.

Chính vì thế, khi về với Central Group, Robins Online mở rộng sang mảng truyền thống là hoàn toàn hợp lý. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, đây cũng là xu hướng mua hàng chung trong thời gian tới ở Việt Nam, hay còn gọi là mua sắm đa kênh (omni channel shopping). Nguyên nhân do thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển vô cùng sôi động trong những năm gần đây cùng với mức độ sở hữu các thiết bị truy cập internet (điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng) ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt.

 

 

Mua Zalora, Robins mo ban da kenh

 

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), với sự tăng trưởng lên tới 22%/năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự báo đạt quy mô 10 tỉ USD trong 5 năm tới so với con số 4 tỉ USD năm 2016. Ở Việt Nam, Thế Giới Di Động được xem là đơn vị kinh doanh đa kênh thành công nhất. Kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm của doanh nghiệp này cho thấy doanh thu đạt 11.119 tỉ đồng, riêng mảng kinh doanh trực tuyến đạt 789 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 63% và 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đạt được thành tích này, Thế Giới Di Động cũng sở hữu chuỗi cửa hàng quy mô nhất nhì Việt Nam hiện nay. Tính đến cuối tháng 11.2016, Công ty có 1.149 siêu thị kể cả Thegioididong và Điện máy Xanh trên toàn quốc.

Nhưng cần phải nhắc thêm, mô hình Robins hiện tại ở các trung tâm thương mại là mô hình shop-in-shop. Tức Central Group thuê diện tích trung tâm thương mại và cho các nhãn hàng thuê lại. Nhóm này đang định dạng phục vụ đối tượng thu nhập trung bình khá. Chính vì thế, việc mở rộng Robins Online trong thời gian tới là câu hỏi lớn.

Điều này dẫn đến hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, Robins Online sẽ tiếp tục định vị phục vụ đối tượng trung bình khá, sẽ mở các chi nhánh độc lập với Big C. Tuy nhiên, theo khảo sát của NCĐT với một số doanh nghiệp định vị thương hiệu ở phân khúc trung bình khá ở TP.HCM, các chủ doanh nghiệp cho biết họ chưa nhận được lời mời hợp tác từ Robins Online.

Thứ hai, Robins Online sẽ đi theo chuỗi siêu thị Big C. Bắt đầu từ năm 2014, Big C đã kích hoạt cuộc chiến giá rẻ bằng chương trình “cam kết giá”. Cho đến nay doanh nghiệp này luôn theo đuổi định hướng là thương hiệu có giá tốt trên thị trường. Do đó, Robins cũng phải đi theo hướng này bằng cách kêu gọi các doanh nghiệp phục vụ nhóm khách hàng bình dân tham gia.

Nhưng dù là giả thiết nào đi nữa thì so với Cdiscount của Big C, Robins vẫn may mắn hơn nhiều vì thương hiệu này đã bị Central Group dừng hoạt động do kinh doanh chưa hiệu quả.

 

NCĐT