Ngành bán lẻ Việt Nam và hướng phát triển trong thời đại CMCN 4.0

Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

1.      Thị trường bán lẻ tiềm năng.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong các thị trường bán lẻ sôi động và hấp dẫn đầu tư nhất thế giới. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như UNIDO, WB, INCENTRA, UN CONTRADE và EU-Vietnam Business Network (EVBN), thị trường trong nước hiện nay liên tục được mở rộng, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử.[1]

 

Hình ảnh: BizLIVE

Ngành bán lẻ đã phát triển mạnh mẽ và tiếp tục duy trì là ngành có tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 11,5%/năm trong thập kỷ qua), ngoại trừ năm 2021 do ảnh hưởng tiêu cực từ Đại dịch Covid 19. Tổng mức bán lẻ trong GDP tăng từ 55,24% năm 2011 lên 78,88% năm 2020 và đóng góp lớn giá trị gia tăng vào GDP (từ 8,5% năm 2011 lên 11,7% năm 2020), góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Cùng với các con số ấn tượng, ngành dịch vụ bán lẻ còn nỗ lực và đạt nhiều kết quả trong  phát triển thương hiệu sản phẩm Việt Nam với niềm “tự hào hàng Việt”,  tỷ lệ hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối – bán lẻ luôn đạt trên 80%.

Mạng lưới bán lẻ Việt Nam có sự biến chuyển theo hướng văn minh hiện đại với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tăng gần 2 lần trong 10 năm qua (từ 638 siêu thị và 116 trung tâm thương mại năm 2010 lên 1.163 siêu thị và 250 trung tâm thương mại vào năm 2020 ) và hầu như không thay đổi đối với hệ thống chợ các loại (năm 2011 là 8.550 và năm 2020 là 8.581).

Nguồn: CafeFcdn.com 21/11/2021

2.      Sự vươn mình mạnh mẽ của thương mại điện tử

Một điểm sáng nữa của thị trường bán lẻ Việt Nam là sự vươn mình mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là trong bối cảnh Đại dịch Covid 19. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt cao, 27%/năm và tăng hơn 2 lần trong 5 năm qua (từ 5 tỷ USD năm 2016 lên 11,8 tỷ USD năm 2020), chiếm xấp xỉ 7% quy mô thị trường bán lẻ trong nước, cao nhất trong nhóm các nước ASEAN (tỷ lệ này tại các quốc gia khác trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan lần lượt là: 2,9%, 2,7%, 3,2%, 2,7%).

 Nguồn: CafeFcdn.com 21/11/2021)

TMĐT đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường thu hút đầu tư của nước ngoài và có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và trong nhóm 3 quốc gia hàng đầu của ASEAN cùng với Indonesia và Philipines với hơn 50% doanh nghiệp trên thị trường tham gia TMĐT. Thương mại điện tử mặc dù đang tăng trưởng nhanh nhưng quy mô của TMĐT còn rất nhỏ so với quy mô của toàn thị trường bán lẻ (chỉ chiếm khoảng 7% toàn thị trường) và thấp hơn rất nhiều so với các nước (trung bình toàn cầu là 11-14%). Đây cũng chính là dư địa rất lớn để TMĐT Việt Nam tiếp tục bùng nổ trong tương lai.

Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng, thương mại trong nước nói chung và ngành dịch vụ bán lẻ nói riêng đang trở thành “động lực tăng trưởng mới của ngành Công Thương”[2] và nền kinh tế nước nhà.

3.      Thách thức nghiêm trọng từ Đại dịch …

Bắt đầu từ năm 2020, qua năm 2021 và bước vào năm 2022 chúng ta phải đối mặt với một sự thật rằng, mối đe dọa từ COVID-19 vẫn hiện hữu và tác động mạnh đến nền kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng. Đại dịch đã thay đổi toàn cảnh ngành bán lẻ trên thế giới cũng như ở Việt Nam theo một quy mô chưa từng có. Trước hết là những thay đổi trong việc mua sắm, tiêu dùng của người tiêu dùng Việt cũng như những yêu cầu mới của thị trường.

Bước đầu, chúng ta có thể thấy một số tác động cụ thể như sự thay đổi trong tiêu thụ các mặt hàng để phòng chống dịch. Một số mặt hàng bình thường nay trở thành “nóng” trong sử dụng cũng như xu hướng mua dự trữ tại các đô thị. Nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị đặc biệt, thực phẩm lành mạnh như: trái cây, nước ép trái cây, rau củ giúp tăng khả năng miễn dịch có chiều hướng tăng mạnh. NTD cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền tại nhà, đặc biệt là ở những khu vực có trường hợp nhiễm bệnh hay cách ly. Các mặt hàng như các loại đồ uống không cồn và có cồn giảm; bia và các loại đồ uống ghi nhận các mức tiêu thụ giảm sâu. Mặt khác, NTD có sự e dè với những ngành hàng như thịt tươi, rau tươi và hải sản trong suốt thời kỳ dịch bệnh này.[3]

Thách thức lớn đối với các nhà bán lẻ trong việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường bán lẻ trong suốt mùa dịch và khi Đại dịch Covid-19 kết thúc. Từ việc chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu sẵn sàng để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đủ nguồn cung cho thị trường bán lẻ, đặc biệt là hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho đến chuẩn bị các hàng hóa cho mùa sau dịch. Cùng với đó là sự phối hợp, liên kết nhà bán lẻ – nhà sản xuất, cung ứng – dịch vụ Logistics.

Cùng với đó, hiện tượng nhiều cửa hàng thực tế (offline) đã và đang phải đóng cửa do dịch bệnh đồng nghĩa với các chủ cửa hàng phải rời bỏ thị trường đã xảy ra vài năm nay và sẽ còn xảy ra ngay trong 2022. Ngay cả khi chúng ta trở lại bình thường với New Normal, tỷ lệ cửa hàng bị đóng cửa có thể chậm lại, nhưng vẫn còn nhiều cửa hàng chịu kết cục đáng buồn này.

Tuy nhiên, với việc rất nhiều người yêu thích trải nghiệm cửa hàng và thích tương tác với sản phẩm trước khi họ quyết định chi tiêu, các cửa hàng thực tế vẫn có sức hút lâu bền và chính vì vậy, các nhà bán lẻ tìm mọi cách để giữ cho khách hàng được an toàn. Một số cách đơn giản như thêm màn hình bảo vệ khi thanh toán hoặc đánh dấu vạch cho khách hàng chờ đợi …; hoặc phức tạp hơn như thay đổi bố cục trong cửa hàng, thêm lối vào và lối ra riêng biệt để phân chia lưu lượng người ra vào cửa hàng, v.v.) nên được phổ biến rộng rãi.

Không là động lực chính nhưng đại dịch cũng là một trong các yếu tố thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Trong bối cảnh Mua sắm trực tuyến đang nở rộ khắp nơi, năm 2022 được dự báo là thời kỳ mà “Bán hàng trực tuyến là không thể đảo ngược, bất kể bạn bán gì[4]. Thực tế, mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến không phải là điều gì quá mới, nhưng đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ của nó và làm cho mua sắm trực tuyến quan trọng hơn bao giờ hết, đúng như Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi nhận xét: “Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch, hướng tới một thế giới kỹ thuật số hơn”. Bên cạnh đó, bán hàng đa kênh (omnichannel) bao gồm các kênh online (website, facebook, zalo…) và các kênh offline (trực tiếp tại của hàng, đại lý, siêu thị…)  đang tạo ra nhiều trải nghiệm mua sắm có ý nghĩa hơn. Mô hình này không chỉ giúp tương tác với người tiêu dùng mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị công nghệ và nền tảng mà còn kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

4.      Xu hướng phát triển mới của ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam

Hình : Bức tranh thị trường bán lẻ 2020. Nguồn MBA Andrews, IVIO Team

Hình trên cho thấy một số thông tin thú vị về bước phát triển qua hai năm 2019 – 2020 của ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam. Dưới đây là các xu hướng mới được dự báo cho tương lai:

a)      Bán hàng trực tuyến là không thể đảo ngược.

Mua sắm trực tuyến là điều thiết yếu cho người tiêu dùng và là cơ hội lớn cho nhà bán lẻ. Ngày nay, người mua sắm thực hiện 37% giao dịch mua sắm hàng tháng của họ trực tuyến và các nhà bán lẻ nỗ lực đáp ứng một cách nhanh chóng những nhu cầu đó. Với bán hàng trực tuyến, nhà bán lẻ độc lập không chỉ kết nối với khách hàng tại địa phương mà còn có thể mở rộng phạm vi tiếp cận của mình đến các địa phương khác trong một quốc gia và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Trên thực tế, trong số các nhà bán lẻ có kênh Online, 51% doanh thu của họ hiện nay đến từ bán hàng trực tuyến[5]. Để bán hàng Online thật hiệu quả, David Rusenko, Giám đốc Thương mại điện tử tại Square for Retail cho biết: “… bạn thực sự cần vận hành các hoạt động kinh doanh của mình một cách kỹ thuật số/với sự trợ giúp của các công cụ số” (using digital tools).

Không còn nghi ngờ gì nữa, bán hàng trực tuyến thực sự là xu hướng “vàng” đang lên, đặc biệt trong bối cảnh phòng chống đại dịch Covid19 hết sức cam go và phức tạp.

b)     Các công cụ đa kênh đang tạo ra nhiều trải nghiệm mua sắm có ý nghĩa hơn

Mặc dù có sự chuyển dịch khá rầm rộ sang Thương mại điện tử nhưng trên thị trường bán lẻ không chỉ đơn độc kênh bán hàng Online mà tầm quan trọng của chiến lược đa kênh đã được khẳng định vài năm gần đây và đa kênh tiếp tục là một trong những xu hướng của năm 2022 và tương lai.

Xu hướng bán hàng đa kênh phát triển vài năm gần đây, đặc biệt ngày càng rõ nét hơn trong năm 2018. Có tới 90% cửa hàng được khảo sát cho biết họ đang bán hàng trên 2 kênh trở lên, trong đó có tới 54% cửa hàng có bán tối thiểu trên 5 kênh khác nhau.

Xét về mức độ được sử dụng, Top 5 kênh bán hàng được sử dụng phổ biến nhất của các cửa hàng lần lượt là Facebook (87%), website (82%), cửa hàng/showroom (80%), đại lý/cộng tác viên (60%) và các sàn giao dịch TMĐT (58%).

Top 5 kênh tiếp thị được các cửa hàng sử dụng phổ biến nhất bao gồm tiếp thị, quảng cáo trên Facebook (80,5% có sử dụng), tổ chức chương trình tiếp thị tại cửa hàng (59,8%), SEO website (51,1%), đăng bài trên các diễn đàn, trang rao vặt (51,1%) và chạy quảng cáo Google (50,6%).

Năm 2018, Zalo trở thành một kênh để chat, tư vấn trực tiếp cho khách hàng được khá nhiều shop sử dụng. Xét về các kênh tiếp thị được những cửa hàng có sử dụng đánh giá hiệu quả tốt đứng đầu là tiếp thị quảng cáo trên Zalo với 55,1% cửa hàng có sử dụng đánh giá mang lại hiệu quả tốt, sau đó là đăng bài trên các diễn đàn rao vặt (53,9%) và phát tờ rơi/poster (51,5%).[6]

Có thể nhấn mạnh rằng, NTD ngày càng đánh giá cao và sử dụng trải nghiệm đa kênh linh hoạt như mua hàng trực tuyến và nhận hoặc trả lại tại cửa hàng. Thói quen mua sắm đang phát triển và một giải pháp tích hợp kết nối nhiều kênh với nhau, hợp lý hóa các hoạt động trước và sau bán hàng được coi là có thể giúp các nhà bán lẻ tìm thấy thành công.

c)      Thương mại xã hội (Social Commerce) là một trong những xu hướng kỹ thuật số lớn nhất trong ngành bán lẻ và sẽ bùng nổ trong tương lai.

Từ việc bán hàng trên Instagram đến việc tung ra một cửa hàng trực tuyến, các nhà bán lẻ đang thử nghiệm nhiều cách để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Bối cảnh đa kênh mới này rất thú vị, với 75% nhà bán lẻ được khảo sát hiện đang bán hàng trên mạng xã hội.[7]

Cũng theo Square for Retail, 43% nhà bán lẻ bán hàng trên các nền tảng xã hội cho biết một nửa hoặc nhiều hơn doanh thu của họ đến từ việc bán hàng trên mạng xã hội. Facebook, Instagram, Twitter và TikTok … được coi là mang về cho các nhà bán lẻ nhiều doanh thu nhất. Vì vậy, không có gì lạ khi các chuyên gia cho rằng, Social Commerce  đã trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc tạo ra ROI (Return On Investment), tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư. Đây chính là kết quả kinh doanh về hiệu suất của DN.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội trên thế giới, Việt Nam đã ra mắt nhiều mạng xã hội cạnh tranh với các ông lớn như Facebook, Instagram,… tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, không nhiều người dùng Việt Nam biết tới những trang mạng xã hội thuần Việt như: Zing Me, Zalo, Lotus, Gapo, Biztime, Vietnamta, vv … và khách hàng sử dụng các mạng này chủ yếu ở góc độ giải trí hơn là mua sắm hàng hóa trực tuyến.

d)     Ngành bán lẻ và nền kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững trên thế giới, đây là xu hướng của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từ góc độ của cộng đồng DN bán lẻ, chúng tôi cho rằng ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ muốn phát triển bền vững phải chú trọng đến KTTH. Một nghiên cứu sơ bộ của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam gần đây về thị trường bán lẻ của một số nước trên thế giới đã cho thấy mối liên hệ gắn bó giữa nền KTTH với các hoạt động bán lẻ muôn màu sắc và vai trò của các nhà bán lẻ trong việc định hình, khuyến khích và phát triển nền KTTH, mang lại những cơ hội lớn cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Kinh tế Tuần hoàn bước đầu đang được thực hiện khá linh hoạt trong các lĩnh vực bán lẻ khác nhau như thời trang (Thời trang Tuần hoàn “Circular Fashion” thay thế cho Thời trang nhanh); bán lẻ sản phẩm điện và điện tử; bán lẻ đồ nội thất; Mua bán đồ cũ; lĩnh vực nhà hàng và quán ăn; vv …

Nói cách khác, các Nhà bán lẻ cần quan tâm đến KTTH nói riêng và Chiến lược Bền vững nói chung trong mọi hoạt động kinh doanh của mình.

e)      Các vấn đề Logistics trong bán lẻ và giao hàng nhanh ngày càng được coi trọng

 

Hình: Ưu tiên hàng đầu của khách hàng là được giao hàng nhanh. Nguồn Stuart Logistics

 

Theo Stuart Logistics, 72% khách hàng cho biết họ sẽ mua nhiều lần và chi tiêu nhiều hơn nếu được giao hàng trong ngày. Tuy nhiên, không phải nhà bán lẻ nào cũng đáp ứng được yêu cầu này do các bất cập và khó khăn về Logistics và chuỗi cung ứng, nhất là trong thời buổi đại dịch Covid 19.

Tại Việt Nam, các sàn TMĐT hàng đầu và các nhà bán lẻ nói chung cũng rất nỗ lực để đáp ứng nhu cầu này. Tiki đi tiên phong với dịch vụ TikiNOW, giao hàng trong vòng 2 giờ chỉ giá dịch vụ chỉ 29.000 đồng; Lazada cũng triển khai giao hàng hỏa tốc trong ngày; Shopee trong vòng 4g, Sendo 3g ,… Các dịch vụ giao hàng trong ngày hầu hết đều có mức phí khá ưu đãi hoặc miễn phí trong một số trường hợp.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, ngoài chất lượng bản thân sản phẩm và giao hàng nhanh, việc vận chuyển/giao hàng thân thiện với môi trường và đóng gói bền vững đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà bán lẻ trực tuyến.

f)       Máy bán hàng tự động: Mới mà cũ, cũ mà mới

Máy bán hàng đầu tiên trên thế giới ra đời vào thế kỷ thứ nhất và được chế tạo bởi Hero thành Alexandria, dùng để phân phối nước thánh. Chiếc máy sau đó được phát triển, cải tiến dần dần và đến đầu thập niên 1880 thì người dân có thể sử dụng đồng tiền hiện đại để mua bưu ảnh và sau đó, ngành công nghiệp chế tạo máy bán hàng tự động ra đời dẫn đến sự phổ biến trên khắp thế giới, thay đổi được cách mua hàng truyền thống tốn nhiều chi phí cố định[8].

Tại Việt Nam, máy bán hàng tự động trải qua một lịch sử khá thăng trầm, việc sử dụng rộ lên vào khoảng giữa năm 2016 và được khá đông người dân ủng hộ (theo số liệu sơ bộ thì năm 2018 đã có khoảng 3.000 máy bán hàng tự động). Với nhiều tiện ích cho cả người dùng và nhà đầu tư/nhà bán lẻ khởi nghiệp như có thể bán nhiều sản phẩm khác nhau và tối ưu hóa diện tích trưng bày sản phẩm, kích thước nhỏ gọn và không kén chọn vị trí đặt máy, giúp việc mua bán hàng hóa trở nên đơn giản và thuận tiện hơn, sản phẩm bên trong máy luôn được bảo quản ở điều kiện tốt nhất và thường xuyên được bổ sung lượng hàng mới, giá ổn định, phục vụ 24/7, vv … hệ thống máy bán hàng tự động được kỳ vọng là phù hợp với quốc gia có lượng khách du lịch nước ngoài nhiều như Việt Nam, tạo được hình ảnh đẹp và thân thiện trong mắt những du khách, và hơn thế nữa, thay thế hàng rong vỉa hè. Nhưng, đáng tiếc thực tế lại không được như kỳ vọng, đến nỗi có cả những tiêu đề như “ Máy bán hàng tự động “ế ẩm” tại Việt Nam” hay “Máy bán nước tự động: Tiện mà không tiện” trên chương trình VTV24 (tháng 10/2018).

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và công nghệ, máy bán hàng tự động ngày nay đã có phiên bản máy bán hàng thông minh thế hệ mới. Bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đa dạng hình thức thanh toán và tiện ích khi mua sản phẩm chính là những điểm mới của máy bán hàng tự động thông minh, dự báo sẽ “lên ngôi” và giữ vững vị trí trong xu hướng ngành bán lẻ năm 2022 và tương lai.

g)     Một số phong cách/định dạng bán hàng-mua sắm nổi bật năm 2022 và theo chúng tôi, sẽ còn tiếp tục trong tương lai:

Livestream
Ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR):
Sự lên ngôi của reCommerce – Kinh doanh hàng hóa đã qua sử dụng.
Định dạng cửa hàng trong cửa hàng (SWAS- store-within-a-store formats).

5.      Công nghệ tiếp tục thay đổi ngành bán lẻ

Không còn nghi ngờ gì nữa, sự chuyển mình của các xu hướng bán lẻ trong thời đại mới và sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong hiện tại cùng các dự báo cho tương lai đang đòi hỏi ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam vừa cần nhanh chóng tận dụng thời cơ, vận hội, vừa có sự chuẩn bị cho các đối sách trước những thách thức mới, đặc biệt là trong bối cảnh phòng chống đại dịch Covid 19 và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với tác động lớn đến mọi lĩnh vực đã và đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế – xã hội trên toàn thế giới. Việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nếu muốn phát triển nhanh và bền vững.

Sự xuất hiện của Công nghiệp 4.0 đã dẫn đến một sự thay đổi mạnh mẽ đối với việc áp dụng số hóa. Các công nghệ tiên tiến đã cách mạng hóa ngành bán lẻ và Bán lẻ 4.0 (Retail 4.0) chính là tương lai của ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng này. Các chuyên gia từng nhận định rằng sự phát triển của số hóa và công nghệ hiện đại dẫn đến sự ra đời của bán lẻ 4.0 và khả năng của bán lẻ 4.0 là vô tận. Với sự trợ giúp của bán lẻ 4.0, ngành bán lẻ đang chứng kiến sự thay đổi trong văn hóa làm việc, tạo ra các mô hình kinh doanh sáng tạo, đồng thời việc áp dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu số hóa đã tạo ra các chiến lược lấy người tiêu dùng làm trung tâm và trải nghiệm khi mua sắm của khách hàng lên cao nhất.

Thời đại số và Bán lẻ 4.0 ghi nhận nhiều xu hướng phát triển trong ngành dịch vụ bán lẻ thế giới như áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hay IoT để tăng kết nối giữa nhà bán lẻ và khách hàng, tăng hiệu quả với đám mây; đổi mới công nghệ, định hình lại tương lai của các cửa hàng thông minh; sử dụng robot nhiều hơn hay các hình thức mua sắm qua đàm thoại, qua trợ lý ảo phát triển, phát triển các hình thức thanh toán điện tử và thanh toán kỹ thuật số, ứng dụng logistics thông minh hay công nghệ Blockchain để cải thiện tính minh bạch của chuỗi cung ứng, vv …

Trong một thế giới phát triển nhanh chóng với ảnh hưởng mạnh mẽ của những tiến bộ công nghệ, gia tăng cạnh tranh và bùng nổ dữ liệu, các nhà bán lẻ cần tận dụng các công nghệ mới nổi như trình bày ở phần trên để đáp ứng khách hàng/người tiêu dùng  đã trở nên thông thái hơn và luôn tìm kiếm trải nghiệm cá nhân, tận dụng sự tiện lợi của việc mua sắm ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào…  Cách duy nhất để các nhà bán lẻ cạnh tranh và tiến lên phía trước, không chỉ trong năm 2022, là liên tục thích ứng với ngành công nghiệp bán lẻ thay đổi, biến động không ngừng với các công nghệ mới nhất.

Tuy nhiên, việc lựa chọn áp dụng công nghệ nào cho DN của mình, cửa hàng của mình thì cần một cách làm/một lộ trình, và cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia có kinh nghiệm. Tùy từng trường hợp cụ thể, chuyên gia sẽ giúp hoạch định chiến lược, cập nhật và phân tích, lựa chọn những công nghệ mới phù hợp đề ứng dụng vào điều kiện của DN, phân bổ ngân sách,  đào tạo nhân viên về mọi công nghệ đang được triển khai và ảnh hưởng của các công nghệ đó đến văn hóa làm việc.

Nói tóm lại, công nghệ và sáng tạo là hai yếu tố sống còn , giúp tăng năng lực cạnh tranh , là yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi của ngành bán lẻ. Công nghệ mang lại  một lợi thế cạnh tranh tuyệt đối dành cho các nhà bán lẻ, giúp chuyển đổi toàn diện ngành bán lẻ.

Nhìn vào bức tranh tổng quát về thị trường bán lẻ Việt Nam qua 5 vấn đề được giới thiệu ở trên, chúng ta có thể thấy rõ ngành dịch vụ bán lẻ cần đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, có hướng đi phù hợp xu hướng phát triển chung và đặc biệt là yêu cầu về công nghệ nói chung và công nghệ 4.0 nói riêng để nâng cao năng lực cạnh tranh lên một tầm cao mới./.

 

[1] Bộ Công Thương, Báo cáo “Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030”

[2] Bộ Công Thương, Báo cáo “Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030”

[3] Khảo sát của Nielsen Việt Nam và của Kantar International tháng 3/2020

[4] TS Đinh Thị Mỹ Loan, “Ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam trước cơ hội và thách thức mới”, Tạp chí Thương Trường, số tháng 1/2022, tr. 5-8.

[5] The Top Retail Trends in 2022 By Kira Deutch,  12.08.2021

[6] Khảo sát Toàn cảnh kinh doanh 2018 và “bí kíp” tăng trưởng doanh thu của Sapo.

[7] Khảo sát “Tương lai của Bán lẻ năm 2022” của Square for Retail.

[8] Nguồn: http://banhangtudong.vn