Snack và bia được coi là hai mặt hàng không thiết yếu, vậy nhưng, ở những nước đang phát triển như Việt Nam, Bờ Biển Ngà hay Argentina, hai mặt hàng này đang được mua rất nhiều, tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Ở Việt Nam, tiêu thụ bia đã vượt 4 tỉ lít/năm.

 

 

Báo cáo “Điều gì tiếp theo cho các thị trường đang phát triển” vừa được Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố hôm nay, 13-3 đã chia sẻ những thông tin về hai mặt hàng bia và snack. Báo cáo được thực hiện với người tiêu dùng tại Brazil, Việt Nam, Argentina, Ghana và Bờ Biển Ngà.

 

Ông Regan Leggett, Giám đốc điều hành, Bộ phận Thought Leadership, Nielsen nhận xét, bia và snack không còn là thực phẩm để giải trí. Những chỉ số ở hai ngành hàng này đang chứng minh rằng chúng được người tiêu dùng lựa chọn ngay cả khi họ không có nhu cầu thiết yếu.

 

Theo Nielsen, snack là sản phẩm đang được người tiêu dùng trên toàn cầu ưa chuộng. Trong năm 2017, doanh thu ở sản phẩm này đã tăng gần 3,4 tỉ đô la Mỹ trên toàn thế giới. Sự tăng trưởng này có một phần nguyên nhân từ việc các nhà sản xuất nội địa cung cấp sản phẩm với mức giá vừa phải để thu hút người tiêu dùng.

 

Trong khi đó, ở mặt hàng bia, ngoài các loại truyền thống sản xuất từ lúa mạch thì người tiêu dùng hiện đang yêu thích các loại bia khác như bia cao cấp, bia thủ công, bia vị trái cây, bia theo mùi vị. Các dòng sản phẩm này tại các thị trường đang phát triển tăng trưởng mạnh mẽ.

 

Trong một diễn biến khác, theo chia sẻ từ đại diện Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát (VBA) được báo chí trong nước dẫn lời thì năm 2017, sản lượng bia tiêu thụ trong năm 2017 tại Việt Nam đã vượt 4 tỉ lít, tăng 6% so với năm 2016. Từ năm 2016, Việt Nam đã “lọt” vào top 10 các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới.

 

Mức tiêu thụ này đã gần bằng mục tiêu 4,1 tỉ lít vào năm 2020 mà ngành này đề ra trong quy hoạch.

 

Tính bình quân, mỗi người Việt Nam đã uống gần 45 lít bia/năm, tăng gấp rưỡi so với con số cách đây 2 năm.

 

Mức tiêu thụ bia này của người Việt đã khiến cho thị trường bia trở nên rất hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại. Một trong những bằng chứng của điều này là việc nhà đầu tư Thái Lan đã chi hơn 4 tỉ đô la Mỹ để nắm giữ trên 53% cổ phần ở Sabeco, doanh nghiệp đang nắm giữ thị phần lớn trên thị trường bia. Ngoài ra, việc bán cổ phần nhà nước tại Habeco, doanh nghiệp bia nội xếp thứ ba về sản lượng trên thị trường, cũng đang là cuộc đua của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

 

Điểm dừng chân mới của các nhà bán lẻ

 

Theo Nielsen, các nhà sản xuất, bán lẻ nội địa cũng như khu vực nông thôn đang là những nhân tố tạo sức nóng cho thị trường Việt Nam. Các nhà bán lẻ địa phương đang dần định hình lại toàn cảnh của thị trường bán lẻ.

 

Theo số liệu Đo lường bán lẻ từ Nielsen, trong 10 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 600 cửa hàng thương mại hiện đại được mở ra. Trong số các cửa hàng đó, ba thương hiệu nội địa đã mở được 275 cửa hàng.

 

Điểm dừng mới của các nhà bán lẻ trong việc mở điểm là vùng nông thôn và các thành phố với mật độ dân cư trung bình. Khi cơ sở hạ tầng và các cơ hội việc làm được cải thiện ở những khu vực đang phát triển này, các trung tâm thương mại mới cũng sẽ đồng thời được thiết lập.

 

Khu vực nông thôn Việt Nam sẽ vẫn là một nguồn tăng trưởng tiềm năng cho các công ty hàng tiêu dùng nhanh. Năm ngoái, doanh số bán hàng tại khu vực nông thôn tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tại các khu vực đô thị, 7,7% so với 5%. Tuy nhiên, tăng trưởng không đều.

 

Theo TBKTSG