Suốt một thời gian dài, công suất cho thuê mặt bằng bán lẻ không như kỳ vọng. Phải tới quý III, công suất cho thuê bình quân mới đạt tới 95% – mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; tăng 6% theo quý và 11% theo năm. Cùng đó, giá thuê cũng được cải thiện khi tăng bình quân khoảng 7 USD/m2 sàn.

 

Xu thế thanh toán không dùng tiền mặt đã hiện hữu.

 

Cụ thể, kể từ năm 2012 đến nay, công suất thuê mặt bằng bán lẻ đạt mức cao với cả trung tâm thương mại lẫn khối đế bán lẻ,  trong đó, khối đế bán lẻ đạt đến 98% và trung tâm mua sắm gần như không còn diện tích trống để cho thuê thời gian gần đây.

 

Bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội chia sẻ, điều đặc biệt là hầu hết các khối đế bán lẻ khu vực trung tâm thành phố như quận Hoàn Kiếm gần như đạt tỷ lệ cho thuê kín 100%. Còn các quận nội thành như Hai Bà  Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân tình hình hoạt động có phần cải  thiện so với quý trước cả về giá thuê và công suất thuê đều tăng hơn.

 

Bà Hằng giải thích, doanh thu bán lẻ 8 tháng đầu năm tăng 8,9% cũng hỗ trợ  tích cực cho công suất thuê cao kỷ lục này.  Ở mảng bán lẻ, tăng trưởng tiêu dùng cá nhân tại Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực.

 

Thêm nữa, lạm phát dưới ngưỡng 5% vẫn là chỉ số tốt đối với thị trường bán lẻ. Với việc quay trở lại thứ hạng 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số Phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ như: niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển.

 

Thêm vào đó, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển bởi mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn còn khá thấp, mới chỉ khiêm tốn ở mức từ khoảng 0,26 và 0,12 m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur. Những nhân tố này đang là gợi mở tốt góp phần đẩy công suất thuê mặt bằng bán lẻ trong thời gian tới đạt tỷ lệ lý tưởng hơn nữa.

 

Thực tế, thị trường bán lẻ phải tiếp tục điều chỉnh bởi một xu hướng tiêu dùng khác – tiêu dùng kết nối với internet và có mức sẵn sàng chi trả cao. Tính đến cuối tháng 6/2017, tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày càng nhiều người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, khi giao dịch thương mại điện tử của Visa tăng đến 82% về số lượng và 45% về giá trị giao dịch.

 

Sự tiện lợi của thanh toán online, thanh toán qua di động, sự phổ dụng của các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán bao gồm Point of Sale (POS), Mobile Point of Sale (mPOS)…  cũng là các yếu tố thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Xu hướng này nhận được những hỗ trợ, tiếp sức nhiệt tình từ chính phủ, các ngân hàng và các công ty tài chính cùng với hạ tầng bán lẻ tiện nghi đang hình thành nên một hệ sinh thái khép kín hoàn thiện nhằm đẩy nhanh việc thanh toán điện tử tại Việt Nam.

 

Hiện tại, nhiều thống kê cho thấy nhóm truyền thống vẫn chiếm ưu thế, bởi tần suất người tiêu dùng đi mua sắm thực phẩm vẫn lựa chọn vào các khu chợ hơn là đi vào siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Nhóm hiện đại đang chiếm khoảng 25% thị phần, và nhóm này đang có những bước phát triển nhanh chóng.

 

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 11,9%/năm với quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020.

 

Quang Minh (Theo Thời báo Ngân hàng)