Một số mặt hàng như thịt heo, gà ta, rau ăn lá, rau gia vị thường xuyên “trống kệ” mà nguyên nhân một phần được cơ quan chức năng lý giải do khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

Hạn giấy chứng nhận quá ngắn?

Những ngày qua, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TPHCM xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ. Một số mặt hàng như thịt heo, gà ta, rau ăn lá, rau gia vị thường xuyên “trống kệ” mà nguyên nhân một phần được cơ quan chức năng lý giải do khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

Siêu thị cháy thực phẩm, hàng hóa vào TPHCM muốn nhanh phải... từ từ - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Một số mặt hàng như rau xanh, thịt heo, thịt gà ta… tại các siêu thị thường xuyên hết hàng sớm (Ảnh: Đại Việt).

Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh – Giám đốc vận hành VinMart Miền Nam – cho biết, việc phân phối hàng hóa tại các điểm bán đang gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, hàng hóa đưa vào hệ thống VinMart và VinMart+ cần phải có giấy phép lưu hành của các cơ quan chức năng, tài xế cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 3 ngày.

Giấy chứng nhận xét nghiệm có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian đang là nguyên nhân chính gây khó khăn cho công tác lưu thông hàng hóa.

“Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TPHCM cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên hàng hóa không qua được các chốt kiểm dịch” – ông Trinh nói và kiến nghị các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp triển khai mô hình xét nghiệm nhanh, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nghiên cứu các phương án đảm bảo luân chuyển hàng không bị tắc nghẽn tại các chốt ven thành phố.

Siêu thị cháy thực phẩm, hàng hóa vào TPHCM muốn nhanh phải... từ từ - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Việc cung ứng nhu yếu phẩm gặp nhiều khó khăn mùa dịch (Ảnh: Đại Việt).

Đồng quan điểm với ông Trinh – đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh – cho biết, đơn vị này cũng đang gặp khó khăn trong việc đưa hàng hóa đến siêu thị.

Cụ thể, khi phương tiện của nhà cung cấp đến trạm Thốt Nốt, TP Cần Thơ đều bị chặn lại dù tài xế có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Lực lượng chức năng yêu cầu phải đổi tài xế mới được đưa phương tiện vào thành phố. Tài xế thay thế phải ở trong địa bàn Cần Thơ, có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, việc thực hiện các yêu cầu này được cho rằng vô cùng nan giải.

“Các chốt chặn ở cửa ngõ Cần Thơ chưa có điểm xét nghiệm nhanh Covid-19, còn các điểm xét nghiệm trong thành phố lại quá tải, chờ đợi kéo dài. Nhà cung cấp cũng rất khó thuê tài xế thay thế ở thời điểm này” – đại diện Bách Hóa Xanh nói.

Siêu thị cháy thực phẩm, hàng hóa vào TPHCM muốn nhanh phải... từ từ - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Các phương tiện ùn ứ kéo dài ở cửa ngõ vào Cần Thơ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo đại diện của hệ thống này, dù các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu, có đơn hàng hoặc mã QR thông hành, nhưng lực lượng chức năng không chấp nhận cho xe vào.

“Nhiều xe phải dừng ở cửa ngõ Cần Thơ khiến hàng hóa tươi sống đứng trước nguy cơ hư hỏng. Nếu chở thực phẩm qua địa phương khác tiêu thụ thì 63 cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Cần Thơ sẽ không có hàng để bán. Điều này ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm thực phẩm thiết yếu của người dân” – đại diện Bách Hóa Xanh chia sẻ.

Quy định khiến hàng hóa “nghẽn” lại

Theo quy định phòng chống dịch Covid-19 của UBND TP Cần Thơ, kể từ 0h ngày 9/7, người dân vào địa bàn thành phố cần có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không quá 7 ngày. Do đó, các tài xế xe tải từ vùng dịch trở về không được lái xe vào địa phận thành phố Cần Thơ. Khi đến các cửa ngõ, xe sẽ được khử khuẩn, sang hàng và đổi tài xế.

Ngày 13/7, Sở GTVT Cần Thơ cũng đã có văn bản hướng dẫn hoạt động vận tải cho các loại phương tiện. Theo đó, xe chở hàng hóa thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, thuốc, vật tư – thiết bị y tế, nhiên liệu… phải thực hiện đổi lái xe và người đi cùng, dỡ hàng hóa sang phương tiện khác ở TP Cần Thơ.

“Lái xe và người đi cùng được đổi là người đang cư ngụ tại TP Cần Thơ và được test nhanh SARS-CoV-2 âm tính tại các điểm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 của thành phố” – Sở GTVT TP Cần Thơ nêu rõ.

Quy định nói trên đã phần nào khiến việc cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm của các doanh nghiệp bị “tắc nghẽn”.

“Việc đổi tài xế, dỡ hàng hóa sang phương tiện khác sẽ khiến nhiều chi phí phát sinh, dẫn đến giá hàng hóa tăng cao. Cần xem xét lại quy định đổi tài xế khi qua chốt trạm hiện nay” – đại diện Bách Hóa Xanh nói.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, đơn vị này đang tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác cung ứng hàng hóa trong thời điểm thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

“Do tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương xung quanh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa về thành phố gặp một số khó khăn nhất định khi qua các chốt kiểm soát của địa phương và bên trong nội đô thành phố” – Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin.

Theo đại diện Sở Công Thương, việc TPHCM cùng các tỉnh thành tạo “luồng xanh” đã giúp việc cung ứng nhu yếu phẩm, hàng hóa, thực phẩm về địa bàn có nhiều thuận lợi. Luồng xanh sẽ phát huy hiệu quả mạnh mẽ với những nơi có lộ giới lớn. Với khu vực đường nhỏ, xe luồng xanh vẫn mất nhiều thời gian để đi qua.

Ông Phương nhận định, về tổng thể, TPHCM có lượng hàng hóa dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, với sức mua lớn tại một thời điểm, một số nơi đã xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ.

Thống kê của Sở Công Thương TPHCM cho thấy hiện đang có 68 chợ truyền thống còn hoạt động, 169 chợ đã tạm ngừng, trong đó có 3 chợ đầu mối và 4 siêu thị phải ngừng hoạt động do liên quan đến ca nhiễm Covid-19. Những điểm kinh doanh còn lại đóng cửa do không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Đại Việt (dantri)