Điện thoại di động hoạt động đến độ cao nào?

Trước mỗi chuyến bay, hành khách luôn được nhắc tắt điện thoại hoặc bật chế độ máy bay, tuy nhiên, chúng vẫn tiếp tục hoạt động sau khi máy bay cất cánh nhưng chỉ trong vùng phủ sóng của cột tháp di động.

Điện thoại di động (ĐTDĐ) liên lạc qua các cột tháp thu phát sóng di động vốn được đặt trên mặt đất nhưng có thể phát sóng vài trăm mét trên không. Khi máy bay cất cánh, nó ngày càng xa rời các cột tháp này và cuối cùng nằm ngoài vùng phủ sóng. Để hiệu quả, nhiều cột tháp được thiết kế để phát tín hiệu ở nơi hữu dụng nhất là trên mặt đất chứ không phải trên không.

Khoảng cách tối đa mà một điện thoại có thể gọi hoặc nhắn tin phụ thuộc vào loại cột tháp và truyền dẫn, nhưng thông thường, theo Giám đốc bộ phận Nghiên cứu viễn thông thuộc hãng IDC Châu Á – Thái Bình Dương, không quá 3.048 mét.

Độ cao không phải yếu tố cản trở duy nhất dịch vụ di động. Khi bay trên cao, tới các khu vực hẻo lánh, cột tháp ít đi và xa nhau hơn. Bay qua đại dương, không có cột tháp và đồng nghĩa với việc không cuộc gọi, tin nhắn hay mạng xã hội. Tốc độ bay hay thân máy bay làm từ kim loại cũng làm sóng di động yếu hơn hẳn.

Chế độ máy bay là gì?

Chế độ máy bay (airplane mode) là cài đặt trên điện thoại, máy tính bảng, khi kích hoạt sẽ tắt phần lớn hoặc tất cả tính năng giao tiếp không dây trên thiết bị. Nó bao gồm tắt kết nối dữ liệu, Wi-Fi, GPS, Bluetooth. Smartphone ngày nay đều có sẵn chế độ này.

Hành khách được yêu cầu tắt thiết bị hoặc chuyển sang chế độ máy bay

Điện thoại ở chế độ máy bay có liên lạc được không?

Không thể nhận hay gửi liên lạc khi ở chế độ máy bay đầy đủ. Trên một số diện thoại, vẫn có thể bật Wi-Fi để kết nối với mạng Wi-Fi trên máy bay hoặc kích hoạt Bluetooth để kết nối với thiết bị khác. Tuy nhiên, không cài đặt nào có thể giúp liên lạc với cột tháp di động dưới mặt đất.

Có phải mọi điện thoại trên máy bay đều bật chế độ này?

Theo khảo sát thực hiện năm 2013 của Hiệp hội Điện tử tiêu dùng, có tới 30% hành khách cho biết họ quên tắt thiết bị trên máy bay. Dường như có nhiều người cũng quên cả việc chuyển sang chế độ máy bay khi cất, hạ cánh.

Khi không sử dụng, điện thoại có kết nối với cột tháp không?

Điện thoại ở chế độ thông thường luôn tự động kết nối với trạm phát sóng di động nếu ở trong khu vực phủ sóng. Những ứng dụng chạy nền như dịch vụ địa điểm, email… luôn cố gắng kết nối, gửi/nhận thông tin.

Có nhiều hãng hàng không cung cấp Wi-Fi trên chuyến bay không?

Một số hãng hàng không cung cấp kết nối Wi-Fi trên chuyến bay để hành khách truy cập Internet, gọi điện, gửi tin nhắn qua phần mềm Skype hay WhatsApp. Có nhiều công nghệ khác nhau để đưa Wi-Fi lên máy bay như truyền dữ liệu từ mặt đất lên hay thông qua vệ tinh.

Có hãng hàng không nào cho phép gọi điện trên máy bay?

Gần đây, Cục Hàng không Mỹ đã nới lỏng quy tắc sử dụng thiết bị di động trên máy bay. Nhiều hãng bắt đầu cho phép dùng máy tính bảng, smartphone khi cất/hạ cánh miễn là ở chế độ máy bay. Nó cũng cân nhắc việc gọi điện trên không. Song để làm được điều này, máy bay cần trang bị các trạm phát mini đặc biệt có tên picocell. Chúng có nhiệm vụ chuyển tiếp bất kỳ tín hiệu di động nào qua vệ tinh hay cột tháp trên mặt đất đã được thiết lập để hoạt động với máy bay.

Theo CNN

Các bài liên quan:

VinaPhone – nhà mạng đầu tiên triển khai thử nghiệm thành công việc tăng tốc độ truy cập 3G lên 42Mbps

Người viết “trợ lý ảo” Siri dành cho người Việt

Bkav vào Top 10 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam

Nhà mạng có thể sẽ miễn phí thoại và SMS khi cung cấp 4G