Các DN cần phải liên kết với nhau, tránh tình trạng xé lẻ. Đây cũng là một trong những yếu tố cốt lõi trong cạnh tranh trên thương trường…

Ảnh minh họa.

 

Giải đáp thắc mắc và ý kiến không đồng tình của nhiều DN về số liệu thống kê cho rằng, hàng hóa Việt Nam đang chiếm tỷ trọng từ 70-80% tại kênh bán lẻ hiện đại, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết đây là con số thống kê sau 7 năm thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thậm chí ở một số siêu thị như Saigon Co.op, Big C… tỷ lệ hàng Việt lên tới 90%.

 

Và theo bà Nga định nghĩa hàng hóa “made in Việt Nam” rộng hơn nhiều DN nghĩ, đó không là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam do DN nội mà cả DN sản xuất có vốn đầu tư từ nước ngoài.

 

Đồng tình với con số này, song ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) tỏ vẻ buồn bởi nhìn hàng hóa của các DN nước ngoài sản xuất tại Việt Nam đang chiếm thế thượng phong trong các quầy tại các siêu thị.

 

Trong khi đó hàng hoá của DN nội khó thâm nhập các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, đại siêu thị thì chưa bao giờ dễ dàng vì yêu cầu chất lượng sản phẩm cao. Mẫu mã, chất lượng, quảng bá sản phẩm của DN nội chưa đủ lực cạnh tranh với các nhãn hàng của DN ngoại dù sản xuất tại Việt Nam. Chính vì vậy, người tiêu dùng dù rất muốn ủng hộ hàng Việt nhưng vẫn có quá nhiều sự lựa chọn khác và hầu hết đều có sự phân vân nhất định khi bỏ tiền ra mua hàng.

 

Sức ép hội nhập như ngày càng tăng lên khi tới đây dự báo sẽ có nhiều hàng hóa tiêu dùng từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia… có mức giá rất thấp nhờ chi phí sản xuất thấp và tận dụng được ưu đãi thuế của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN tràn vào Việt Nam.

 

Như để trấn tĩnh sự lo lắng này, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, thời gian qua trước sự cạnh tranh vô cùng gay gắt của hàng hóa các nước trong khu vực, hàng Việt đã nỗ lực và có rất nhiều thay đổi, không những tạo được uy tín trên thị trường quốc tế mà quay lại lấy được lòng tin, cảm tình của người tiêu dùng trong nước. Các thành viên trong Hiệp hội đã có nhiều hoạt động ủng hộ, quảng bá hàng Việt, các hệ thống bán lẻ lớn đã trực tiếp đồng hành cùng các DN vừa và nhỏ, đồng hành cùng người sản xuất.

 

Gần đây nhất, hệ thống Big C tổ chức chương trình đồng hành cùng thương hiệu Việt đã cho thấy sự ủng hộ rất cụ thể của Hiệp hội đối với các DN vừa và nhỏ. Và chắc chắn các sản phẩm có chất lượng cao, các sản phẩm độc đáo của các vùng miền sẽ luôn luôn được ủng hộ từ phía các nhà bán lẻ của Hiệp hội.

 

Về phía mình, bà Lê Việt Nga cho biết, Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đang nỗ lực tạo ra sân chơi riêng dành cho các DN thương hiệu Việt. Ví dụ cách đây 3 năm Bộ Công Thương đã đồng hành, triển khai các hoạt động của chương trình “tôn vinh hàng hóa thương hiệu Việt”.

 

Đã có 100 DN được tôn vinh về sản xuất, dịch vụ. Những thương hiệu Vinamilk, TH True milk, bóng đèn Rạng Đông, bóng đèn Điện Quang… họ đều có sự chiếm lĩnh rất lớn trên thị trường và đây là hàng hóa thương hiệu Việt của chúng ta mà chúng ta tự hào.

 

Ngoài ra, chúng ta còn có các DN sản xuất văn phòng phẩm như Thiên Long, Hồng Hà chiếm tỷ lệ trên quầy kệ trên tất cả các siêu thị, kênh phân phối hiện đại khác đều ở thế mạnh trên 80-90%. Chúng ta còn rất tự hào DN thương hiệu Việt như dệt may, nông sản và ngay cả thương hiệu Bidrico rất nhiều người tiêu dùng biết đến.

 

Song, ở phía nhà sản xuất, ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng, có rất nhiều DN nhỏ và vừa đang đứng trước ngõ hẹp để bước chân vào kênh phân phối hiện đại. Theo ông, để thâm nhập vào kênh phân phối này, DN Việt Nam phải đi nắm bắt được những giá trị cốt lõi.

 

Trong đó, DN phải tạo cho mình một giá trị nội lực bằng cách đưa ra những chiến lược đúng đắn phù hợp trong từng giai đoạn. Đồng thời các DN cần phải liên kết với nhau, tránh tình trạng xé lẻ. Đây cũng là một trong những yếu tố cốt lõi trong cạnh tranh trên thương trường.

 

Theo Thời báo Ngân hàng