Xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài đang là một trong những giải pháp rút ngắn các khâu trung gian, đưa hàng Việt trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại các nước.

Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương cho biết, từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam đã bắt đầu được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Từ đó, doanh nghiệp trong nước bắt đầu tiếp cận bán hàng trực tiếp vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam

Bắt tay với siêu thị ngoại

Thông thường để các sản phẩm Việt Nam có mặt ở các hệ thống phân phối trên thế giới, doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều khâu trung gian với nhiều hình thức xuất khẩu phức tạp khiến giá sản phẩm tăng cao khi đến tay người tiêu dùng. Do đó, những năm gần đây, Bộ Công Thương đã nỗ lực tìm hướng phát triển kênh xuất khẩu mới giúp rút ngắn các khâu trung gian, đưa hàng Việt đến trực tiếp người tiêu dùng ở các nước thông qua hệ thống phân phối nước ngoài.

Thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối châu Âu như: Casino (Pháp), Metro Cash & Carry và Sehrgros (Đức), Makro (Cộng hòa Séc), Coop và Conad (Ý), Aeon và Lotte châu Á. Bộ Công Thương cũng tổ chức Chương trình “Tuần hàng Việt Nam” nhằm quảng bá hàng Việt và kết nối trực tiếp doanh nghiệp với các chuỗi phân phối. Trong năm 2017, các vụ và cơ quan thương vụ của Bộ Công Thương cũng tổ chức kết nối các đoàn doanh nghiệp Việt với 7 tập đoàn phân phối lớn của châu Âu và châu Á như Auchan, Casino, Central Group, Aeon…

Các giải pháp này giúp kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống Aeon đã tăng từ 18,2 tỷ Yên năm 2013 lên khoảng 23,4 tỷ Yên năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu vào Lotte đạt 19,6 triệu USD năm 2014. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của Casino tăng mạnh lên 30 triệu USD trong năm 2015.

Thậm chí, một Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020” cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mạng phân phối nước ngoài, tăng quy mô xuất khẩu, đa dạng chủng loại hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở thực tế triển khai, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước hoặc các mô hình thí điểm, mô hình mẫu để hướng doanh nghiệp tận dụng hình thức xuất khẩu này.

Xuất khẩu nông sản nhờ giải pháp tài chính

Để thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài, cơ quan quản lý cần hỗ trợ về giải pháp tài chính

Tại chuỗi siêu thị Big C (sau khi được Tập đoàn Central Group của Thái Lan mua lại), ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại và pháp lý của Central Group cho biết, các doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu qua kênh phân phối, bán hàng của hệ thống siêu thị Big C. Tập đoàn này đã lập một công ty trực tiếp tại Việt Nam chuyên thu mua, xuất khẩu hàng Việt với doanh số khoảng 25 triệu USD qua thị trường châu Âu năm 2015. Công ty này sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều hơn, đồng thời kết nối với các thị trường khác vì hàng Việt có chất lượng tốt.

“Năm 2017, chúng tôi tiếp tục tổ chức các Chương trình “Tuần hàng Việt Nam” và mời nhà cung ứng Việt tham gia, nhập hàng Việt đưa vào các chuỗi siêu thị. Hàng Việt được đánh giá chất lượng tốt, bằng chứng là chúng tôi mới mở một khách sạn 6 sao và nhập toàn bộ đồ gỗ từ Việt Nam. Thời gian tới, Central Group sẽ tiếp tục giới thiệu các sản phẩm Việt xuất khẩu ra nước ngoài qua hệ thống của mình”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Tương tự như vậy, ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, hiện Aeon đang hợp tác với hơn 1.600 nhà cung cấp tại Việt Nam để xuất khẩu các mặt hàng cá tra, trái cây, hàng may mặc, thực phẩm, hàng gia dụng… Năm 2016, hệ thống Aeon nhập khẩu khoảng 200 triệu USD hàng Việt với các mặt hàng chủ yếu là may mặc, thực phẩm…

Theo các chuyên gia, việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ… Trong khi đó, với nguồn lực hạn chế, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn nhất định.

Quan trọng hơn, dù xuất khẩu vào thị trường nào doanh nghiệp cũng phải đảm bảo ổn định chất lượng, nhất là trong xu hướng tiêu chuẩn chất lượng và hàng hóa đang thay đổi rõ rệt hiện nay. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, gần đây nhiều doanh nghiệp Việt hay gặp trục trặc khi xuất hàng vào thị trường Mỹ, do nước này áp dụng Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA), trong khi doanh nghiệp Việt chưa nắm quy định, thông tin rõ ràng.

Là một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây sang các thị trường Mỹ, EU, Ấn Độ, Thái Lan, ông Nguyễn Quốc Duẩn, Giám đốc Công ty Song Nam chia sẻ, một trong những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ khi đưa hàng qua chuỗi phân phối ở nước ngoài là thiếu vốn. Ông dẫn chứng, thị trường Thái Lan có nhu cầu nhập khẩu hàng trái cây rất lớn, mỗi ngày cần khoảng 1-2 container hàng và thường trả chậm trong vòng 30-45 ngày, chưa kể thời gian vận chuyển. Kết quả là mỗi container doanh nghiệp muốn xuất khẩu cần vốn từ 1-2 triệu USD và vòng quay liên tục khiến doanh nghiệp nhỏ bị đọng vốn rất lớn.

Với khó khăn này, ở các nước thường có hệ thống ngân hàng thương mại có tiềm lực mạnh về tài chính đứng ra hỗ trợ, bảo lãnh giúp doanh nghiệp nhỏ giải quyết khó khăn về vốn. Do đó, với Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020”, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý có thể nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về giải pháp tài chính. Nếu nút mắc này được tháo gỡ, khả năng tăng số lượng xuất hàng của doanh nghiệp vào hệ thống này sẽ rất đáng kể.

 

http://enternews.vn