So với DN TMĐT ngoại, DN nội yếu thế hơn, thậm chí nhiều DN đã phải ngừng hoạt động…

Thị trường TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng “nóng”?

 

Tốc độ tăng trưởng gấp 2,5 lần Nhật Bản

Trong khi những DN thương mại điện tử (TMĐT) Việt như Lingo, Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn… phải ngừng hoạt động, trở thành “vang bóng một thời”, thì nhiều DN TMĐT nước ngoài sẵn sàng chi hàng tỷ đô để thâu tóm các DN Việt.

Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, trang Lazada.vn (thuộc công ty Rocket Internet của Đức) đã vượt qua 216 sàn giao dịch TMĐT khác trong nước để đứng đầu doanh thu, chiếm 36,1% thị phần trong năm 2014. Đáng chú ý, năm 2016, đại gia TMĐT Trung Quốc Alibaba – nền tảng mua sắm online được coi là “Amazon Đông Nam Á  –  đã rót 1 tỷ USD vào Lazada”.

Đánh giá về tiềm năng TMĐT Việt Nam, bà Đặng Thuỷ Hà, trưởng đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Hà Nội cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam năm 2016 trị giá lên tới 4 tỷ USD (tương đương gần 100 nghìn tỷ đồng). Hiện tại Việt Nam có dân số 91 triệu người, trong đó có 45% dân số đã tiếp cận internet. Đáng chú ý, trung bình mỗi người sử dụng internet tại Việt Nam chi 160 USD/năm cho TMĐT. Điều này dẫn tới tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đã lên tới 22% hàng năm.

Bà Lê Tú, đại diện đến từ Google nhận định, châu Á đang dẫn đầu về cách mạng TMĐT, đây là động lực kích thích tăng trưởng TMĐT Việt Nam. Vì Việt Nam nằm tại khu vực Đông Nam Á, nơi có tốc độ phát triển TMĐT nhanh nhất tại châu Á. Trong thời gian tới không chỉ Google mà Facebook cùng nhiều DN TMĐT khác đang xem thị trường Việt là mảnh đất màu mỡ để kinh doanh.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam có thể cao hơn nhiều con số mà các đơn vị nghiên cứu thị trường đưa ra. Con số tăng trưởng có thể lên đến 30- 50%/năm. Trong 5 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt giá trị lên tới 10 tỷ USD.

Đặc biệt, theo đánh giá quy mô thị trường TMĐT Việt Nam hiện chỉ khoảng 4 tỷ USD, bằng một phần ba mươi so với mức 120 tỷ USD của thị trường Nhật Bản. Nhưng xét về tốc độ tăng trưởng thì cao hơn gấp 2,5 lần.

Không bao giờ hết cơ hội

Thực tế hiện nay, các DN TMĐT nước ngoài lại đang chi phối thị trường TMĐT Việt, về giao dịch giữa DN với DN (B2B), theo khảo sát năm 2016 của Cục TMĐT và công nghệ thông tin tại các DN xuất nhập khẩu, cho thấy, DN xuất nhập khẩu tham gia mạnh mẽ các sàn TMĐT nước ngoài. Tính đến năm 2016, số lượng tài khoản thành viên ở Việt Nam trên website Alibaba.com đạt mức 500 nghìn. Trong 3 năm trở lại đây, trung bình có thêm 100 nghìn thành viên mới mỗi năm, cao gấp 10 lần giai đoạn trước 2009.

Còn giao dịch của khách hàng cá nhân, mặc dù chưa có số liệu tin cậy nhưng theo khảo sát của VECOM, thì có sự không công bằng trong giao dịch trực tuyến qua biên giới giữa nhập khẩu và xuất khẩu với khách hàng cá nhân. Khách hàng cá nhân Việt Nam mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân nước ngoài mua sản phẩm trực tuyến từ Việt Nam.

“Do hàng hóa của nước ngoài phong phú đa dạng phù hợp với một bộ phận lớn người tiêu dùng trong nước, còn có một nguyên nhân khác chính là nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay, Rakuten… có uy tín cao hơn. Trong khi, những nhà bán hàng trực tuyến trong nước chưa có đủ sự tin cậy của chính khách hàng trong nước”, VECOM chỉ rõ nguyên nhân.

Bên cạnh đó, chi phí hoàn tất đơn hàng đối với hợp đồng mua hàng trực tuyến từ nước ngoài thấp hơn chiều ngược lại.

Du khách nước ngoài vào Việt Nam đa phần sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thậm chí, tỷ lệ khách du lịch nội địa sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài là không nhỏ.

Mặc dù đánh giá, du lịch trực tuyến ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng hãng bán vé máy bay và du lịch trực tuyến Gotadi.com nhận định, tại Việt Nam các hãng du lịch trực tuyến nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, đang thống lĩnh thị trường do có lợi thế về công nghệ, nguồn vốn, lại không phải đóng thuế.

Bằng chứng là Agoda và Bookinh là hai hãng du lịch trực tuyến dẫn đầu và chiếm hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến. Họ áp đảo cả hai mảng: khách du lịch Việt Nam đi trong nước và nước ngoài cũng như khách nước ngoài đến Việt Nam. Thị phần đặt phòng trực tuyến tại các khách sạn ở Việt Nam đang tăng nhanh (chiếm 30-40% tổng lượng khách của mỗi khách sạn). Thậm chí có những khách tỷ lệ đặt phòng trực tuyến chiếm đến 80%.

Vì vậy, Gotadi, Agoda đã thu được hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2016 riêng tại các khách sạn ở Việt Nam.

Do vậy, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng, thị trường TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng “nóng” kèm theo rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức với DN nội địa khi nhiều “đại gia” nước ngoài đã và đang nhòm ngó. Chưa kể thị trường phát triển nhanh nhưng sự chênh lệch giữa các địa phương ngày càng gia tăng và tạo ra nhiều thách thức.

Các chuyên gia cũng nhận định, trong tương lai thị trường TMĐT Việt Nam vẫn hứa hẹn nhiều cơ hội, với mức doanh số hàng trăm tỷ USD. Vì vậy, các DN trong nước vẫn còn nhiều cơ hội cạnh tranh với các DN nước ngoài. Nhất là đối với các thị trường ngoài 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, các DN TMĐT Việt phải chuẩn bị kỹ hành trang từ vốn, ý tưởng, cách thức làm việc chuyên nghiệp… nếu muốn trụ vững trên thị trường mà sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt này, các chuyên gia khẳng định.

 

Hà Sơn (Theo Thời báo Ngân hàng)