Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn HồngTrường cho rằng. CNTT Việt Nam năm 2013 sẽ phát triển theo bốn xu hướng chính: Đi đầu là sự phát triển mạnh hơn của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), cả ở xu hướng nền tảng giao dịch – platform (các sàn giao dịch TMĐT lớn về bán lẻ trực tuyến theo mô hình B2C, các nền tảng thanh toán điện tử và nền tảng giao vận) lẫn xu hướng TMĐT theo chiều dọc – verticals (các mô hình TMĐT điện tử chuyên biệt cho một số lĩnh vực mặt hàng ví dụ như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị công nghệ hay lĩnh vực mua sắm cộng đồng – social shopping). Đây là thời kỳ xây dựng nền tảng toàn diện cho TMĐT Việt Nam, chuẩn bị cho thời kỳ bùng nổ sau khoảng hai năm nữa.

 

Tiếp đó là sự phát triển phong phú của các ứng dụng di động cả về lĩnh vực nội dung, lĩnh vực quảng cáo và lĩnh vực thanh toán trên nền tảng di động. Đây là lĩnh vực có khả năng đột phá về dài hạn nhưng đặc điểm của năm 2013 sẽ vẫn là sự giới thiệu liên tục của các sản phẩm mới trong lĩnh vực này để thu hút các phân khúc khách hàng khác nhau. Thị trường đòi hỏi một thời gian khoảng hai năm nữa để xác định những mô hình phù hợp nhất cho thị trường Việt Nam, cũng như cần một thời gian để chuyển đổi thói quen sử dụng từ môi trường web sang môi trường mobile.
Lĩnh vực dịch vụ trực tuyến và nội dung số cũng sẽ tiếp tục phát triển, với đặc điểm tích hợp các nền tảng truyền thông xã hội và tích hợp với nền tảng mobile. Thói quen tiêu dùng thông tin và các sản phẩm nội dung số sẽ được chuyển dịch sang các mô hình tạo thuận lợi cho việc chia sẻ với các mạng xã hội và tạo ra những sản phẩm phù hợp với các nền tảng điện thoại thông minh.
Phần mềm sẽ có sự phân hóa rõ rệt  theo hai hướng chủ đạo, một là gia công phần mềm và hai là phát triển các phần mềm phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên môi trường web và tích hợp với các giải pháp toàn diện về hosting, lưu trữ và cộng tác trên nền tảng cloud.
“Đầu tư về CNTT trong năm 2013 sẽ bám sát theo 4 xu hướng đó với hai hình thức chính: Một là sự đầu tư chiều sâu của các công ty dẫn đầu trong các lĩnh vực TMĐT, ứng dụng di động, công nghệ nội dung số và phần mềm, qua đó tạo ra sự phân hóa thị phần rõ rệt của nhóm dẫn đầu. Hai là sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới, đặc biệt là trong lĩnh vực ứng dụng di động, TMĐT và nội dung số theo chiều dọc”, ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, các nhà đầu tư tài chính sẽ lựa chọn việc đầu tư trên cả hai hình thức: đi cùng các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường để đầu tư chiều sâu, hoặc đầu tư mới cho các doanh nghiệp tiềm năng để khai phá các mảng thị trường mới trong bốn lĩnh vực nêu trên.
Một số nhà đầu tư lớn khác cũng có cùng ý kiến với ông Trường. Ông David Đỗ Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ VIG (Vietnam Investments Group) cũng nhận định rằng dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ giá trị gia tăng trong viễn thông, nội dung số là những lĩnh vực tiềm năng thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có chuyên gia, nhà đầu tư nào công bố dự báo về việc trong năm nay liệu có khả năng xuất hiện một làn sóng đầu tư từ các quỹ đầu tư vào lĩnh vực CNTT Việt Nam giống như hồi 5 – 6 năm về trước hay không (thời điểm 5 – 6 năm trước, thị trường CNTT Việt Nam từng đón làn sóng đầu tư với sự tham gia của một loạt quỹ như IDG Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm MeKong, Dragon Capital, VinaCapital). Liệu rằng sau một giai đoạn khá trầm lắng, hoạt động đầu tư từ các quỹ vào vào thị trường CNTT Việt Nam sẽ có “bước nhảy” mới?

Theo ICT News