Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các nhà bán lẻ phải có những biện pháp để có sản phẩm đảm bảo chất lượng nhưng mà giá cả phải thật thích hợp. Thậm chí cần phải thấp hơn nhiều so với giá cả hàng hóa bình thường để có thể cùng chung vai gánh vác và chia sẻ với những bộ phận dân cư đang khó khăn vì dịch bệnh.

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, nhiều địa phương triển khai “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ nên hoạt động thương mại trong nước và vận tải đang dần khôi phục trở lại.

Trên thực tế, ghi nhận sau thời gian dài phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, các trung tâm thương mại đã được phép mở cửa trở lại, đón khách tham quan, mua sắm nhưng lượng người dân lui tới cũng không đông đúc do còn dè dặt về tình hình dịch bệnh. Các doanh nghiệp bán lẻ còn nhiều lo lắng về việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh thời kỳ hậu Covid. Chia sẻ với PV Thương Trường, TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã có những chia sẻ lo lắng với cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ cũng như phân tích những yếu tố tích cực đối với thị trường bán lẻ trong những tháng cuối năm – thời điểm quan trọng để đẩy cầu mua sắm.

TS Đinh Thị Mỹ Loan Phải làm sao để cung cấp hàng hóa thích hợp với nhiều phân khúc khách hàng
TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Sức mua giảm sút

Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, mặc dù Việt Nam đã trở lại thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, cuộc sống mới bình thường mới đang dần được khôi phục. Tuy nhiên chúng ta sẽ khó có thể đạt tới mức tăng trưởng như trước đây, thậm chí không đạt được mức tăng trưởng tương đối khả quan của thời kỳ đầu năm. Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thử thách vô cùng lớn.

“Điều quan ngại của các nhà bán lẻ, cũng như của doanh nghiệp các ngành khác đó là sự phát triển của nền kinh tế sẽ giảm do rất nhiều nguyên nhân. Tác động rõ ràng của đại dịch Covid-19 mà chúng ta đều đã thấy là sức mua của người dân sẽ bị giảm sút và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà bán lẻ, đến thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng trên toàn thế giới bị đứt gãy và chuỗi cung ứng trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn, vấn đề về gia tăng chi phí… Những việc này, chúng ta còn phải giải quyết và xử lý rất nhiều” – bà Loan nhận định.

“Chủ trương của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và cộng đồng bán lẻ hướng tới đó là làm sao để kết nối một cách có hiệu quả và bền vững với cả hai phía của ngành bán lẻ. Đó là việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ từ các nhà cung cấp, các nhà sản xuất cũng như việc phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo sự thông suốt trong lưu thông hàng hóa. Cần có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả từ cả hai phía” – TS Đinh Thị Mỹ Loan.

Trung tâm thương mại luôn có sức sống riêng

Trước tình trạng các trung tâm thương mại còn khá vắng vẻ, TS Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, trung tâm thương mại là một trong những định dạng hết sức quan trọng của bất cứ thị trường bán lẻ nào. Với trung tâm thương mại, tình hình khó khăn và ảm đạm không chỉ tại Việt Nam mà là tình trạng chung của thế giới và tình trạng này đã từng xảy ra trước cả khi thời kỳ dịch bệnh Covid hoành hành. Tuy nhiên, phải thấy rằng trung tâm thương mại có một sức sống riêng.

Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết thêm, hiện Hiệp hội theo dõi và nhận thấy các trung tâm mua sắm lớn của Việt Nam như hệ thống trung tâm thương mại của Vincom, Saigon Vivocity, Aeon và rất nhiều trung tâm khác… bản thân họ, những người khai thác, những người đầu tư vào các trung tâm, cũng như các nhà bán lẻ tham gia vào hoạt động của các trung tâm này đều nhận thức được tình hình hậu Covid và bối cảnh bình thường mới.

“Có thể khẳng định không có một thị trường bán lẻ nào có thể vắng được hình ảnh của các trung tâm thương mại. Mặc dù hiện nay có thể thấy tình trạng khá tiêu cực khi chúng ta bắt gặp hình ảnh các trung tâm mua sắm vắng vẻ, chưa thu hút được nhiều khách hàng hay thực tế người đến xem đến chơi nhiều hơn người mua sắm, sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển của các trung tâm thương mại” – bà Loan nêu rõ.

Doanh nghiệp bán lẻ

“Chúng ta có thể yên tâm khi họ đã có nhận thức về việc phải đổi mới, sáng tạo các hoạt động để các trung tâm mua sắm của mình không chỉ là nơi truyền thống mua sắm nữa mà còn là nơi tụ họp bạn bè, người thân, công việc. Ngoài việc mua sắm còn có các dịch vụ về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ cho gia đình, cho trẻ em rất đa dạng, phong phú.

Các trung tâm mua sắm của Việt Nam đang nỗ lực thay đổi để theo kịp bước phát triển của thế giới. Tôi hy vọng những hình ảnh về các trung tâm mua sắm hiện tại có thể còn chưa tươi sáng hoặc là còn bi quan sẽ thay đổi trong thời gian sắp tới, đặc biệt là vào mùa mua sắm cuối năm. Với tiềm năng của mình, các trung tâm mua sắm sẽ có lại được khách hàng cũng như sức mua của người tiêu dùng sẽ tốt hơn” – bà Loan tin tưởng.

Tận dụng tốt dịp mua sắm cuối năm

Có thể thấy, “túi tiền” của người tiêu dùng bị ảnh hưởng khá nhiều sau 4 đợt dịch, khiến sức mua sụt giảm. Đây cũng là điều khiến các doanh nghiệp bán lẻ hết sức lo lắng cho việc phục hồi sau dịch, đặc biệt làm sao để tận dụng dịp mua sắm nhộn nhịp cuối năm.

 Ở góc độ của các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ chúng tôi, điều quan tâm và chắc chắn là sẽ được thực hiện là làm sao cung cấp những loại hàng hóa thích hợp với thị trường, thích hợp với nhiều phân khúc của người tiêu dùng.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, đối với các nhà bán lẻ, một trong những mối quan tâm hàng đầu đó là sức mua của người tiêu dùng với các sản phẩm của ngành bán lẻ. Làm sao để nâng sức mua của người dân tăng lên thì không thể trả lời bằng một câu đơn giản được, chúng ta sẽ phải có bằng các biện pháp từ vĩ mô cho đến vi mô, từ các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, doanh nghiệp và cho đến cộng đồng người tiêu dùng.

Ở góc độ của các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ chúng tôi, điều quan tâm và chắc chắn là sẽ được thực hiện là làm sao cung cấp những loại hàng hóa thích hợp với thị trường, thích hợp với nhiều phân khúc của người tiêu dùng.

“Tôi muốn nhấn mạnh trong tình cảnh khó khăn như này, có một bộ phận người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí trong một giai đoạn nào đó có thể thiếu thốn cả về lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu. Điều này đòi hỏi các nhà bán lẻ phải có những biện pháp để có sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng nhưng mà giá cả phải thật thích hợp. Các nhà bán lẻ có thể xem xét việc phát triển và cung cấp thêm các sản phẩm nhãn hàng riêng (private label goods) nhằm cung cấp hàng hóa với giá cả bình dân hơn để có thể cùng chung vai gánh vác và chia sẻ với những bộ phận dân cư đang khó khăn, thu nhập thấp” – bà Loan nhấn mạnh.

Doanh nghiệp bán lẻ

Mặt khác, theo bà Loan, không chỉ thế, doanh nghiệp bán lẻ còn cần phải quan tâm đến các phân khúc khác như người tiêu dùng trẻ, người tiêu dùng trung lưu và những người tiêu dùng cao cấp. Hậu Covid và trở lại bình thường mới là cơ hội để cho chúng ta lấy lại phong độ, lấy lại sức thu hút của các phân khúc này. Việc đảm bảo được nguồn cung chất lượng cao luôn đi cùng những biện pháp hỗ trợ cho người tiêu dùng Việt Nam ở nhiều phân khúc, nhiều vị, đặc biệt là với đông đảo người tiêu dùng.

Private Label Goods là hàng hóa được sản xuất và bán dưới tên của một nhà bán lẻ cụ thể. Giá của các nhãn hiệu riêng có xu hướng thấp hơn giá của hàng hóa thương hiệu được công nhận trên toàn quốc. Việc sử dụng một bên thứ ba sản xuất bên ngoài giúp nhà bán lẻ có thể cung cấp một loạt các hàng hóa nhãn hiệu riêng thu hút cả người mua hàng quan tâm đến chi phí.

Chúng ta đều hiểu rằng trong cuộc sống không thể nào thiếu được sự mua sắm, giao lưu, trao đổi. Vì vậy, chắc chắn ngành bán lẻ cần tận dụng hết tất cả những khả năng có thể để đưa mọi người trở lại thị trường, để tăng sức mua hàng của người tiêu dùng, của nhân dân lên.

Về dịp mua sắm cuối năm, Hiệp hội khuyến khích tất cả các thành viên của mình, không chỉ các hệ thống siêu thị lớn, trung tâm mua sắm lớn, kể cả tổng hợp cũng như chuyên doanh, còn rất nhiều các nhà bán lẻ thành viên là các doanh nghiệp nhỏ và đông đảo các doanh nghiệp bán lẻ trong giai đoạn khởi nghiệp đều có những giải pháp sáng tạo, chương trình để khuyến khích, kích cầu tiêu dùng. Về phía Hiệp hội, chúng tôi chắc cũng sẽ tập trung  các thành viên để đưa ra những sáng kiến nhằm kích cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm vô cùng quan trọng này.

Bên cạnh câu chuyện kích cầu tiêu dùng, chúng ta vẫn phải luôn nhớ rằng, việc đảm bảo an toàn mua sắm cho người dân vẫn luôn phải đặt lên hàng đầu. Mặc dù hiện đã đi qua giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh đợt này nhưng không được thiếu cảnh giác.

“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và khuyến cáo mọi người hãy đến mua sắm ở hệ thống bán lẻ hiện đại và  truyền thống của Việt Nam, đặc biệt của các thành viên Hiệp hội của chúng tôi – nơi mà mọi người đều hết sức chia sẻ với những khó khăn của người tiêu dùng và rất nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống Covid” – bà Loan khẳng định.

Hy vọng, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát ngày càng tốt hơn thì nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng lên, thị trường bán lẻ sẽ “ấm” trở lại. Kì vọng một sự phục hồi mạnh mẽ vào những tháng cuối năm, khi mà nhu cầu chi tiêu đã bị dồn nén suốt thời gian qua là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê vừa công bố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 năm 2021 ước tính đạt 357,9 nghìn tỷ đồng tăng 18,1% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2021 đạt 3.720,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy thị trường bán lẻ đã dần phục hồi trở lại sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.

 

 Trung Anh (thuongtruong.com.việt nam)