Xen giữa những dòng tin tức không mấy sáng sủa về tình hình xuất khẩu trong các tháng đầu năm, thông tin nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vừa chính thức vào được các thị trường khó tính, đã hứa hẹn một viễn cảnh tươi sáng cho ngành nông nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Ảnh minh họa.

Mới nhất hôm đầu tuần qua, hơn 2 tấn vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã “cháy hàng” tại hệ thống siêu thị ở Tokyo và Osaka, Nhật Bản chỉ sau vài giờ lên kệ. Dự kiến, vụ vải năm nay, tỉnh Bắc Giang sẽ xuất khẩu sang thị trường này khoảng 100 tấn vải thiều tươi bằng đường biển và đường hàng không.

Ngay hôm sau đó, tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cũng đã xuất khẩu lô vải khoảng 1,2 tấn đi Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên quả vải của Hải Dương được xuất khẩu sang nước này. Cùng với Nhật Bản, trong năm nay trái vải Thanh Hà cũng sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại Singapore, bên cạnh một số thị trường truyền thống khác. Hiện nay, giá bán quả vải tươi của Việt Nam tại thị trường nước ngoài là từ 180.000- 270.000 đồng/kg, cao gấp gần 10 lần so với giá bán trong nước.

Cũng trong hôm đầu tuần qua, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vừa tổ chức công bố lô xoài đầu tiên, với 30 tấn quả tươi, được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Việc quả xoài được lựa chọn xuất khẩu là niềm vui lớn đối với những người trồng xoài trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Đặc biệt, việc vào được thị trường khó tính như Mỹ một lần nữa khẳng định giá trị của trái xoài Mai Sơn cũng như chất lượng của nông sản Việt Nam.

Còn nhớ trước đó, vào thời điểm quý đầu tiên của năm 2020, khi tình hình sản xuất và tiêu thụ của hàng loạt mặt hàng xuất khẩu đều ách tắc, thì gạo Việt Nam đã chớp thời cơ và “ẵm” trọn hợp đồng xuất khẩu sang các nước với mức giá đỉnh điểm lên tới hơn 500 USD/tấn, cao nhất trong 8 năm qua. Bộ Công Thương đánh giá, với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại, Việt Nam thậm chí còn có cơ hội “soán ngôi” Thái Lan về xuất khẩu gạo trong năm nay.

Tất cả những diễn biến đó cho thấy trong bối cảnh xuất khẩu đối diện với khó khăn chung do tác động của dịch Covid-19, nhiều sản phẩm nông sản Việt vẫn tìm được đường để “lội ngược dòng” nhờ định hướng đầu tư đúng đắn.

Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng đó chỉ là những nét chấm phá trong bức tranh chung không mấy sáng sủa của xuất khẩu nông sản. Bởi trong 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản cả nước đã giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng đối với mặt hàng trái cây vốn được kỳ vọng sẽ là thế mạnh của ngành nông nghiệp, kim ngạch cũng tiếp tục lao dốc, giảm tới 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thực tế đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ mặc dù giá trị của nhiều mặt hàng tăng trưởng tốt, song do thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng nông sản là Trung Quốc sụt giảm lượng thu mua, nên tính chung kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn giảm. Đơn cử với mặt hàng rau quả, hiện nay Trung Quốc chiếm tới 60,8% thị phần xuất khẩu của Việt Nam; thì kim ngạch trong 5 tháng của thị trường này sụt giảm tới gần 30%. Rõ ràng, dịch Covid-19 xảy ra vừa giúp các thế mạnh của nông sản Việt Nam nổi bật lên, song cũng là dịp để nhìn rõ điểm yếu của ngành này, từ đó có hướng phát triển phù hợp và bền vững hơn.

Vài năm trở lại đây, ngành hàng rau quả đã có nhiều bước tiến vượt bậc, mở được hầu hết các thị trường khó tính, giá trị xuất khẩu tăng đều đặn mỗi năm. Tuy nhiên, đa phần trái cây, rau củ của Việt Nam đều xuất tươi, tỷ lệ qua sơ chế và chế biến sâu vẫn khá khiêm tốn. Do đó, khó có thể tăng trưởng kim ngạch vượt bậc vào các thị trường xa và khó tính. Đó là lý do tại sao nước láng giềng Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Đã có nhiều kỳ vọng rằng các FTA thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho nông sản Việt Nam nâng cao cả giá trị và sản lượng xuất khẩu, song cơ hội không tự đến mà ngành hàng này cần tiếp tục đi theo hướng bền vững. Thay vì phát triển manh mún, cần sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, từ đó hình thành những vùng chuyên canh hàng hoá. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất hữu cơ, giúp tạo dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

Ngoài ra, giải pháp căn cơ nhất vẫn là đẩy mạnh chế biến sâu. Hiện nay, lấy ví dụ với sản phẩm rau quả, xuất khẩu tươi vẫn chiếm khoảng 69%, còn lại là hàng sơ chế và chế biến sâu. Tỷ lệ này vẫn có sự chênh lệnh lớn, cần được cải thiện bởi thị trường đang hướng tới những sản phẩm chế biến sâu như hàng sấy khô, nước ép đóng hộp. Khi phát triển theo hướng này, chắn chắn sản phẩm nông sản Việt sẽ không chỉ đi xa ra khỏi phạm vi châu Á để vươn ra khắp 5 châu, mà còn giúp nâng giá trị hàng hoá gấp nhiều lần.

 

Ngọc Khanh (Theo Thời báo Ngân hàng)