Giải cứu heo, giải cứu dưa hấu, giải cứu ớt… Từ vài năm nay, từ “giải cứu” liên tục xuất hiện trên mặt báo và mạng xã hội. Liệu “công cuộc giải cứu” nông sản của bà con nông dân sẽ còn tiếp diễn? Mỗi khi nông sản dư thừa, chính quyền ra tay “giải cứu” hay cứ để nông dân “tự bơi”?

Chuyện “giải cứu” dưa hấu của bà con nông dân huyện Phú Ninh (Quảng Nam) bỗng nóng trong thời gian gần đây. Trên mặt báo và mạng xã hội cũng có hai luồng ý kiến về việc giải cứu này. Một luồng ý kiến thì ủng hộ “công cuộc giải cứu”, còn ý kiến khác thì cho rằng không thể cứ mãi “giải cứu” khi nông sản dư thừa.

Giá dưa hấu xuống thấp, nông dân trồng dưa không buồn thu hoạch
Giá dưa hấu xuống thấp, nông dân trồng dưa không buồn thu hoạch

Ở vùng trồng dưa hấu huyện Phú Ninh, huyện đã quy hoạch diện tích 400 ha nhưng vụ Đông Xuân này, diện tích trồng dưa hấu tăng thêm gần 100 ha. Như vậy là thừa diện tích so với quy hoạch.

Lãnh đạo huyện Phú Ninh cho hay, với diện tích 400 ha đã được quy hoạch thì dưa hấu được bán với giá từ 6.000-6.500 đồng/kg. Với giá này, nông dân đã có lãi. Còn với diện tích tăng thêm, giá dưa hấu bỗng hạ thấp xuống còn từ 1.000-1.800 đồng/kg. Thế là bà con nông dân và chính quyền vào cuộc kêu gọi “giải cứu”.

Dưa hấu ở huyện Phú Ninh dư thừa do trồng vượt diện tích quy hoạch
Dưa hấu ở huyện Phú Ninh dư thừa do trồng vượt diện tích quy hoạch

Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, nông sản của nước ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Mỗi khi thị trường Trung Quốc “hắt hơi sổ mũi” thì từ dưa hấu đến trái ớt nhỏ xíu bị “dội hàng”, giá cả xuống dốc không phanh, bà con nông dân không buồn thu hoạch vì có thu hoạch cũng không đủ trả tiền công…

Trở lại chuyện “giải cứu” dưa hấu ở Quảng Nam, trao đổi với chúng tôi, cả lãnh đạo huyện Phú Ninh và Sở NN-PTNT tỉnh đều cho rằng, với diện tích 400 ha quy hoạch thì số lượng dưa bán ra vừa đủ cho thị trường hấp thụ, nhất là thị trường Trung Quốc. Nhưng với diện tích tăng thêm, khi dưa hấu vừa chín tới thì cũng là lúc thị trường – nhất là thị trường Trung Quốc không ăn hàng, giá dưa tuột dốc không phanh.

Với gần 500 ha dưa hấu, sản lượng hơn 12 ngàn tấn, thị trường đã hấp thu được 3/4 sản lượng với giá từ 6.000-6.500 đồng/kg (đa số được thương lái mua xuất khẩu qua Trung Quốc), số còn lại khoảng 3.000 tấn thì giá quá rẻ, không đủ chi phí đầu tư nên bà con nông dân kêu gọi giải cứu.

Khi thị trường Trung Quốc “không ăn hàng” thì đến những quả ớt nhỏ xíu cũng dư thừa
Khi thị trường Trung Quốc “không ăn hàng” thì đến những quả ớt nhỏ xíu cũng dư thừa

Ông Nguyễn Phi Thạnh – Chủ tịch huyện Phú Ninh – cũng lên mạng xã hội kêu gọi các cơ quan, tổ chức… mua dưa hấu với giá từ 3.500-4.000 đồng/kg cho bà con nông dân của mình đến Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam – ông Ngô Tấn cũng gửi thư kêu gọi mua giúp.

Việc giải cứu dưa hấu cũng như các loại nông sản khác đã nhận được hai luồng ý kiến trên các phương tiện thông tin và mạng xã hội. Người thì cho rằng nên chung tay giúp đỡ bà con nông dân tiêu thụ số nông sản dư thừa này, người thì cho rằng cứ để thị trường điều chỉnh…

Cần biết rằng, đa số nông dân ở nước ta sản xuất nhỏ lẻ, mỗi gia đình chỉ vài ba sào ruộng, không lúa thì dưa, không dưa thì đậu… Cứ thế quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Họ thấy trước mắt loại rau củ quả nào giá cao thì cùng gieo trồng, có khi bỏ qua khuyến cáo của cơ quan chức năng chuyên ngành. Ai cũng trồng, ai cũng làm; đến khu thu hoạch thì thị trường không hấp thu khiến nông sản dư thừa.

Có một bận, những trái bí đao được bà con nông dân Quảng Nam trồng nhiều, xuất khẩu không được nên không thu hoạch
Có một bận, những trái bí đao được bà con nông dân Quảng Nam trồng nhiều, xuất khẩu không được nên không thu hoạch

Việc “ra tay giải cứu” của chính quyền địa phương vừa tốt vừa không bền vững. Tốt ở chỗ giải quyết trước mắt các loại nông sản dư thừa cho bà con để họ tái đầu tư, nuôi sống gia đình… Tuy nhiên, cứ mỗi bận nông sản dư thừa thì chính quyền giải cứu thì không hay, tạo tâm lý ỉ lại của người nông dân vì “đã có nhà nước lo đầu ra” mà bỏ qua nguyên tắc thị trường.

Vấn đề ở chỗ nhà nước phải có định hướng thị trường, quyết tâm giữ diện tích quy hoạch (nếu trồng ngoài quy hoạch thì nông sản dư thừa cũng là điều dễ hiểu). Người nông dân chỉ biết sản xuất, họ đâu biết thị trường thế nào nên việc định hướng “trồng cây gì nuôi con nào” là việc của chính quyền. Trên cơ sở đó, khi người nông dân được định hướng rõ thì giá nông sản sẽ ổn định (để họ có lãi) và chính quyền không phải cứ mãi chạy theo “giải cứu” nữa.