Xu thế thương mại trên thiết bị di động đang thúc đẩy các nhà bán lẻ trực tuyến dồn tâm sức đầu tư cho các ứng dụng (app) để tiếp cận khách hàng.

Các công ty TMĐT đang dồn sức đầu tư cho các ứng dụng trên di động để tiếp cận khách hàng.

 

Việc cạnh tranh thu hút khách mua sắm qua ứng dụng đang ở giai đoạn gay gắt và dần định hình lại các xu hướng mới trong marketing số.

 

Kích tiêu dùng tăng nhanh

 

Cho đến nay, hầu hết các công ty thương mại điện tử (TMĐT) đều đã phát triển ứng dụng mua sắm trên thiết bị di động, đặc biệt là các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi, Lotte… liên tục thu hút người tải với các chiêu marketing giảm giá, khuyến mãi ồ ạt. Theo nghiên cứu về “Cơ hội cho các ứng dụng thương mại lớn tại Việt Nam” do Criteo vừa công bố, hơn 90% số người dùng cài đặt ứng dụng TMĐT đã mua sắm ít nhất một lần mỗi tháng, trong đó có đến 60% mua sắm từ ba lần trở lên.

 

Theo ông Alban Villani – Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Criteo, các số liệu phân tích từ 2.500 người dùng Việt Nam trong quý III/2018 về cách sử dụng các ứng dụng bán lẻ và mua sắm cho thấy, 89% đã từng thực hiện tất cả các bước để mua hàng trong ứng dụng, 82% cho biết họ chọn lựa vì thấy thú vị và thuận tiện hơn khi mua sắm qua app, hơn 70% tin rằng thông tin tài chính được lưu trữ an toàn hơn so với việc mua sắm từ web.

 

Criteo cho biết người Việt dễ chịu khi xem quảng cáo trên các app với 75% nhấp vào quảng cáo và tiếp tục mua sản phẩm đã được quảng cáo trong các ứng dụng bán lẻ.

 

Nghiên cứu của Criteo cũng chỉ ra năm 2018, các yếu tố quan trọng định hình ngành công nghiệp bán lẻ chính là sự bùng nổ của các app. Ứng dụng di động trở thành chủ thể TMĐT quan trọng khiến tiêu dùng tăng nhanh, đặc biệt người dùng smartphone ở Việt Nam đang chiếm 42% tổng thị trường.Tại các thành phố lớn ở Việt Nam, tỷ lệ sở hữu thiết bị di động lên đến 84% và tại nông thôn là 68%, tạo ra dung lượng thị trường lớn có khả năng chuyển đổi từ “người dùng smartphone” thành “người mua sắm” cao hơn.

 

Theo thống kê, 34% số người dùng smartphone Việt Nam đang sở hữu từ hai thiết bị kết nối. Nếu như xu thế marketing trước đây tập trung vào tỷ lệ chuyển đổi mua sắm là quan trọng, thì hiện nay phải lấy giá trị của toàn vòng đời, dựa vào tần suất mua sắm và thúc đẩy các ứng dụng tái gắn kết người dùng.

 

Đây cũng chính là bài toán mới với các chuyên gia tiếp thị về chiến lược tiếp cận và các thiết kế nội dung thúc đẩy chuyển đổi từ “tiếp cận” sang “mua sắm”, đòi hỏi tính cô đọng của các ứng dụng mua sắm và các tính năng mạnh, tiện dụng để cạnh tranh.

 

“Truyền được thông điệp nhanh nhưng phải đúng, thiết kế thông điệp phải sáng tạo và sự hỗ trợ của thuật toán càng đúng càng cá nhân hóa người dùng. Ứng dụng nào cá nhân hóa mạnh mẽ dựa trên những thông tin người dùng đã tích lũy được thì ứng dụng đó sẽ chiến thắng” – chuyên gia Criteo kết luận.

 

Trải nghiệm mua sắm liên hoàn

 

Khi mua sắm đa kênh tăng lên là thời điểm thích hợp để các marketer có chiến dịch thu hút, chuyển đổi và tương tác lại, không chỉ thu hút khách hàng mới mà cả khách hàng hiện có. Xu thế di động phát triển cũng khiến TMĐT đa kênh dần được thay thế bởi trải nghiệm mua sắm liên hoàn.

 

Mô hình đa kênh là nhà cung cấp kết nối các kênh thống nhất cho cùng một dịch vụ để khách hàng dễ dàng tiếp cận, khi nhảy từ kênh này sang kênh khác vẫn không bị gián đoạn. Còn bước tiến mới của mô hình này đòi hỏi mức độ thống nhất giữa các kênh trong một trải nghiệm hoàn hảo. Criteo khuyến cáo đây là yếu tố các nhà marketing cần chú trọng trong việc lồng ghép chiến lược tiếp thị phù hợp với thói quen người dùng.

 

Có 89% người dùng smartphone Việt Nam cho biết sẵn sàng mua sắm trên ứng dụng di động, nhưng theo phân khúc thì độ tuổi 18 – 24 có mức tiêu dùng cao nhất. Họ là thế hệ Z sinh trong giai đoạn 1980 – 1990, có mức độ sẵn sàng cao và thu nhập tăng trong tương lai.

 

“Hiện khả năng chi tiêu qua mạng của thế hệ này chưa cao, nhưng họ là tương lai của TMĐT Việt Nam, là nhân tố giúp mua sắm qua ứng dụng tiếp tục bùng nổ thời gian tới. Như vậy, ứng dụng tương lai cho người mua sắm cần đáp ứng được phân khúc tiêu dùng quan trọng và lớn nhất thị trường này”, Criteo khuyến cáo.

 

Số liệu thống kê toàn khu vực Đông Nam Á cho thấy người Việt Nam chỉ đứng sau người Thái Lan về thời gian trực tuyến, nhưng quy mô thị trường gần 100 triệu dân là mảnh đất rộng khiến các công ty TMĐT tranh nhau phát triển ứng dụng mua sắm.

 

Ông Alban Villani dự đoán: “Người tiêu dùng sau giai đoạn cài hàng loạt ứng dụng để trải nghiệm mua sắm sẽ phải chọn lựa và cô đọng, như vậy trận chiến tiếp theo của các ứng dụng bán lẻ là sự sáp nhập để một vài ứng dụng mạnh dẫn dắt thị trường”.

 

Người mua sắm trực tuyến đa kênh ngày nay không đơn thuần chỉ tìm kiếm và lưu các sản phẩm trên những ứng dụng điện thoại, mà gần như họ sẽ thực hiện đến thao tác cuối cùng trong việc mua sắm. Hiện nay các nhà bán lẻ lớn đã sẵn sàng thiết lập và thực hiện các chiến lược tiếp thị số để đáp ứng xu hướng này, đưa ra các lợi ích trong việc thu hút khách hàng, chuyển đổi và tái tương tác với khách. Để theo kịp hành vi của người mua sắm ở Việt Nam và duy trì hoặc tăng doanh số, các nhà bán lẻ khác cần đánh giá xu hướng này và tập trung mạnh hơn vào tiếp thị kỹ thuật số.

 

Năm 2017, các marketer Việt Nam đã sẵn sàng cho xu hướng thay đổi khi nghiên cứu cho thấy quảng cáo hiển thị hình ảnh trả tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngân sách tiếp thị của họ với 16%, trong đó các giải pháp nhắm vào mục tiêu tái tiếp cận khách hàng với quảng cáo phù hợp chiếm 51% chi tiêu quảng cáo hiển thị có trả tiền. Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) là một mảng chi tiêu chính cho các marketer Việt Nam, chiếm 13% ngân sách tiếp thị.

 

Tiếp theo là quảng cáo tìm kiếm (trả cho mỗi cái nhấp chuột), tiếp thị truyền thông xã hội và tiếp thị truyền thống như in tờ rơi, gửi thư trực tiếp, quảng cáo truyền hình và radio chiếm 11% ngân sách tiếp thị trong năm 2017. Dự kiến 89% tổng ngân sách tiếp thị sẽ được đầu tư vào mảng trực tuyến từ năm 2022.

 

Hoàng Duy (Theo DNSG)