Đại diện quản lý thị trường cho biết tại TPHCM có hiện tượng mua hàng thực phẩm số lượng lớn đưa ra ngoài bán lại để kiếm lời.

Vào cuộc xử lý vụ mua gom hàng siêu thị ra vỉa hè bán giá cao ở Sài Gòn - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra vụ “gom hàng siêu thị bán thu lời”.

Trong ngày 14/7, theo đại diện Tổng cục quản lý thị trường, ở TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa không còn.

Tuy nhiên, trong những ngày trước đó, chẳng hạn như 12/7, người dân TPHCM đổ xô đến siêu thị, cửa hàng mua nhiều loại thực phẩm tươi sống dẫn đến quá tải. Nhiều siêu thị phải phát phiếu hẹn cho người dân đến mua hàng. Đến sáng 14/7, đông người dân đến để nhận phiếu hẹn mua hàng hoặc để xếp hàng chờ vào các siêu thị không phát phiếu hẹn.

Cơ quan quản lý thị trường TPHCM thông tin, trong những ngày qua xuất hiện tình trạng một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… sau đó bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả ở TPHCM.

Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết điều này gây bức xúc trong nhân dân, vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch.

Để ngăn chặn tình hình nêu trên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng đã yêu cầu các đơn vị làm việc ngay với Ban quản lý các trung tâm thương mại, siêu thị, người quản lý cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang hoạt động, về tình hình nêu trên để phối hợp ngăn chặn và xử lý.

Số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng được niêm yết tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng.

Các đội quản lý thị trường cũng được yêu cầu phối hợp ngay với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; vận động doanh nghiệp và người buôn bán không tăng giá bất hợp lý; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch nêu trên.

Cũng trong ngày 14/7, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã có văn bản thông tin đường dây nóng của Cục và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại TPHCM để người dân kịp thời phản ánh hành vi thu lợi bất chính trong dịch bệnh.

Sở Công Thương TPHCM ngày 14/7 cũng cho phép một số chợ truyền thống đang bị phong tỏa bán lại các hàng rau, củ, quả, thịt. Ghi nhận của lực lượng quản lý thị trường cho biết, trên địa bàn TP đang xảy ra hiện tượng mua hàng số lượng nhiều, nhất là trứng từ siêu thị rồi đưa ra ngoài bán lại.

Còn tại TP Cần Thơ, sau khi xảy ra việc mua vét hàng vào tối 11/7 (trước ngày giãn cách xã hội), từ ngày 12/7 đến nay, thị trường đã ổn định. Hàng thực phẩm tại các siêu thị đầy đủ, giá không tăng.

Đại diện Tổng cục quản lý thị trường cho biết, nhìn chung, các siêu thị gặp khó khăn trong khâu vận chuyển hàng từ TPHCM về. Tài xế phải xét nghiệm nhanh Covid-19 nhưng hiện nay bên y tế không xét nghiệm, không có chỗ xét nghiệm và quy định là tài xế ở Cần Thơ ra thay tài xế của xe từ TPHCM để vận chuyển hàng hóa vào trung tâm thành phố. Điều này không được sự đồng thuận của tài xế nên một số xe đã quay ngược về; giấy xét nghiệm các tài xế đã hết hạn và chưa có nơi để đăng ký xét nghiệm lại.

Nguyễn Mạnh (dantri)