Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 USD, chỉ xấp xỉ bằng 5% của Singapore, 20% của Malaysia, 35% của Thái Lan, 50% của Philippines và Indonesia. Vậy đâu là nguyên nhân?

 

Năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. (Ảnh: T.L)

 

Theo Tổng Cục thống kê, năng suất lao động xã hội của nền kinh tế nước ta năm 2016 ước đạt 84,5 triệu đồng/lao động/năm (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động/năm). Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã tăng đều qua các năm (năm 2016 tăng 5,31% so với năm 2015) nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực ASEAN.

 

Tại tọa đàm về tổ chức đề án phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho rằng, nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp là do xuất phát điểm của nền kinh tế nước ta thấp. Mức trang bị máy móc thiết bị cho 1 lao động rất thấp, đang trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa và tin học hóa; hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi còn yếu; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chất lượng đào tạo chưa cao; vốn đầu tư xã hội hàng năm cho 1 lao động rất thấp; ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

 

Ngoài ra, nguyên nhân khác là do chậm đổi mới mô hình sản xuất cơ bản của nền kinh tế (sản xuất nông nghiệp chủ yếu là phương thức hộ sản xuất cá thể, không liên kết; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; sản xuất công nghiệp một phần đáng kể là gia công, lắp ráp).

 

Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý. Chính sách khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ còn bất cập, chưa tạo được động lực thúc đẩy sáng tạo thực sự và phát huy sáng kiến đối với người lao động.

 

Để tạo nên một phong trào thi đua sáng tạo trên cả nước, Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam tham mưu xây dựng Đề án tổ chức Phong trào “đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” và sẽ được phát động vào 18.5.2017 ngày Khoa học – Công nghệ và kỉ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đề án dự kiến triển khai trong 4 năm, bắt đầu từ năm 2017-2019, năm 2020 sẽ tổng kết 4 năm thực hiện phong trào và đề xuất tiếp tục thực hiện phong trào trong giai đoạn mới…

 

Mục tiêu của đề án là “Phấn đấu đến năm 2020, kết nối mạnh mẽ các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực trình độ cao với các doanh nghiệp; Góp phần hình thành các doanh nghiệp mạnh, có khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế, hình thành các sản phẩm chủ lực quốc gia; Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam”. Trong đó xác định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để phổ biến, hỗ trợ áp dụng các chính sách về khuyến khích nghiên cứu khoa học, áp dụng các công nghệ mới, phát triển nhân lực trình độ cao và giám sát thực hiện các chính sách vể phát triển KH&CN.

 

Theo Lao động