Như vậy, bình quân cứ 3 ngày mỗi người dùng lại nhận 1 tin nhắn rác. Với những thuê bao thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, họ phải nhận hơn 2 tin nhắn rác một ngày.

Đáng nói, trong số các tin nhắn rác có rất nhiều nội dung không được kiểm soát, trong đó có tin nhắn mời gọi xem clip sex. Nạn nhân của những tin nhắn loại này cho dù bức xúc cũng không biết kêu ai bởi những tin nhắn này hoặc không hiện số gửi, hoặc không thể chuyển tiếp (forward) mà chỉ có thể xem trực tiếp hoặc xóa. Do đó, việc báo cho các cơ quan quản lý để xử lý không hề đơn giản.

Tin nhắn rác không chỉ làm phiền mà còn có dạng ngang nhiên móc túi người nhận.

Thường thì những tin nhắn có nội dung thông tin thiếu lành mạnh không hiển thị số điện thoại hay đầu số gửi đến; hoặc Ở nút tùy chỉnh, chỉ có thể lựa chọn Xem/Xóa/Lưu… Và ngay khi click vào đường dẫn, thì thay vì “miễn phí” như quảng cáo, người dùng có thể bị trừ tiền với mức ban đầu từ 15 nghìn đồng và có thể nhiều hơn nữa nếu tiếp tục làm theo các bước…

Kiểm soát tin nhắn rác nói chung và tin nhắn có nội dung độc hại nói riêng là trách nhiệm thuộc về ai? Nhà mạng liệu có thể hoàn toàn kiểm soát được nội dung từ các đối tác nội dung số của mình? Cơ quan quản lý có thể truy ra các đầu số ẩn phía sau các nội dung tin nhắn thiếu thuần phong mỹ tục này không?

Trong khi chờ đợi phản ứng rõ nét của các cơ quan liên quan, người dùng có lẽ phải tự biết bảo vệ mình, điện thoại của mình trước những tin nhắn có nội dung nhạy cảm.

Không chỉ người dùng đang phải đối mặt với những rủi ro mới trên môi trường này mà cả các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số uy tín cũng khẳng định hiện trạng này nếu không được kiểm soát, sẽ kiềm chế sự phát triển của chính bản thân ngành nội dung số khi người dùng “dị ứng” với dịch vụ gia tăng trên mobile.

Nguồn: PC World