Giống như nhiều thứ vào năm 2020, việc mua sắm trong kỳ nghỉ lễ sẽ rất khác do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với những người Mỹ có thói quen săn các món đồ giá hời vào thứ sáu sau Lễ Tạ ơn (Black Friday), kế hoạch của họ có thể phải thay đổi trong năm nay.
Black Friday được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm Giáng Sinh ở Mỹ kể từ năm 1952. Ảnh: Reuters.
Thay vì ngồi chầu chực trước laptop để mua hàng online trong dịp này, tờ HuffPost khuyên mọi người cân nhắc tẩy chay Black Friday vì 5 lý do sau đây.
1. Đại dịch ảnh hưởng tài chính
Ethan Hamilton – y tá ở Los Angeles – kiên quyết tẩy chay Black Friday. Anh cho rằng dịp này không chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ép nhân viên làm việc vào Lễ Tạ ơn, mà còn tước đi kế hoạch dành thời gian cho người thân yêu và bày tỏ lòng biết ơn.
“Black Friday kết hợp với Giáng Sinh gây áp lực quá lớn đối với người nghèo trong việc tiêu tiền vượt quá khả năng của họ nhằm chạy theo kỳ vọng của xã hội về việc cho và nhận”, Hamilton nói.
Thực tế, Black Friday luôn là ngày lễ của chủ nghĩa tiêu dùng. Số tiền chi tiêu vào ngày này tăng vọt năm này qua năm khác. Năm 2019, mức chi tiêu cho hàng online chạm mốc kỷ lục 7,4 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2018.
Đó là dịp tuyệt vời đối với các nhà bán lẻ, song không hề tốt đẹp cho người mua sắm khi phải chịu áp lực chi tiêu quá mức. Năm 2019, 44% người Mỹ vay nợ để mua sắm trong dịp này, với khoản nợ trung bình là 1.325 USD, theo cuộc khảo sát của trang web tài chính cá nhân Magnify Money.
Hơn 3/4 số người đi vay không thể trả hết nợ vào tháng 1 năm sau, khiến các “món hời” Black Friday ngày càng kém hấp dẫn hơn.
44% người Mỹ đã vay nợ để mua sắm trong dịp Black Friday năm 2019. Ảnh: EPA-EFE.
Năm nay đặc biệt khó khăn đối với vấn đề chi tiêu. Lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 đã buộc các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Hàng triệu người Mỹ mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chạm mốc kỷ lục.
Kết quả là 1/4 người trưởng thành gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu, 1/3 đã rút tiền ra khỏi tài khoản tiết kiệm hoặc hưu trí của họ, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Thêm vào đó, đại dịch chưa được kiểm soát và Black Friday cũng là mối nguy tiềm tàng cho sức khỏe.
Y tá Hamilton nói: “Giờ đây, các nhóm dân số yếu thế sẽ cảm thấy họ buộc phải chấp nhận rủi ro liên quan đến việc mua sắm để có thể chi trả tốt hơn cho Giáng Sinh. Là y tá có rất nhiều bệnh nhân thuộc nhiều nhóm dân số yếu thế, điều đó khiến tôi rất lo lắng”.
2. Black Friday tàn phá doanh nghiệp nhỏ
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, gần 100.000 doanh nghiệp ở Mỹ đã đóng cửa vĩnh viễn. Các doanh nghiệp nhỏ (được định nghĩa là công ty tư nhân với ít hơn 500 nhân viên) đặc biệt phải vật lộn để tồn tại do dòng tiền ít hơn và tỷ suất lợi nhuận hoạt động nhỏ hơn.
Nhóm này chiếm 99,9% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, khoảng một nửa tổng số việc làm tư nhân và thường được coi là “mạch máu” của nền kinh tế Mỹ. Hiện tại, các công ty này cần sự thúc đẩy doanh thu mạnh nhất nhưng họ lại có ít khả năng đạt được điều đó.
Những gã khổng lồ bán lẻ như Target, Walmart, Apple và Amazon có đủ khả năng để bơm hàng tỷ USD vào quảng cáo dịp Black Friday và giảm giá nhằm lôi kéo người mua sắm.
Giờ đây, đại dịch làm hạn chế đáng kể số lượng người tới tận cửa hàng mua sắm. Các doanh nghiệp không có sự hiện diện mạnh mẽ của thương mại điện tử gần như không thể cạnh tranh trực tuyến.
Các doanh nghiệp nhỏ khó sống do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới nền kinh tế. Ảnh: Getty.
Dave Karraker – chủ một doanh nghiệp nhỏ, thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội kinh doanh Castro Merchants ở San Francisco – cho biết: “Tôi nghĩ mọi người nên tẩy chay Black Friday vì nó thường chỉ mang lại lợi ích cho các nhà bán lẻ lớn trên toàn quốc”.
Ở riêng khu vực Bay Area, Karraker chỉ ra hơn 5.000 doanh nghiệp nhỏ đã buộc phải đóng cửa trong đại dịch.
Ông nói thêm rằng cảm giác săn các món hời trong Black Friday có thể khiến trái tim nhiều người đập loạn nhịp, nhưng việc chi thêm vài USD tại một doanh nghiệp nhỏ trong khu phố có thể đồng nghĩa với sự khác biệt giữa sự sống và cái chết đối với nhà bán lẻ đó.
3. Các tỷ phú đang kiếm tiền từ đại dịch
Đến nay, dịch Covid-19 đã giết chết ít nhất 243.000 người Mỹ và khiến hàng triệu cá nhân khác trong tình trạng sức khỏe kém. Tuy nhiên, mọi thứ không thể tốt hơn cho 1% dân số của quốc gia này.
Kể từ giữa tháng 3, khối tài sản của các tỷ phú Mỹ gia tăng tới 931 tỷ USD nhờ đại dịch.
CEO Amazon Jeff Bezos – người giàu nhất thế giới – đã tăng 80% giá trị tài sản ròng chỉ từ ngày 16/3 đến 13/10, với số tiền khổng lồ 203 tỷ USD. Điều đó phần lớn nhờ vào thực tế rằng mọi người không thể mua sắm tại các cửa hàng. Họ bị phụ thuộc vào việc giao hàng bởi sự độc quyền bán lẻ của Amazon từ giấy vệ sinh đến kem đánh răng.
Jeff Bezos tăng 80% giá trị tài sản ròng trong vòng nửa năm. Ảnh: CNBC.
Tỷ phú công nghệ Elon Musk cũng chứng kiến khối tài sản của mình tăng gấp 3 lần kể từ khi đại dịch bùng phát do cổ phiếu Tesla tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại.
Mark Zuckerberg bỏ túi thêm 54,7 tỷ USD phần lớn do giá trị cổ phiếu tăng vọt khi ngày càng có nhiều người chuyển sang dùng Facebook như một phương tiện kết nối trong thời gian ngừng hoạt động.
Thực tế là dù kiếm được số tiền khổng lồ, các CEO giàu nhất nước Mỹ không chi quá nhiều cho việc cứu trợ dịch Covid-19. Một cuộc khảo sát của Washington Post đối với 50 cá nhân và gia đình giàu có hàng đầu xứ cờ hoa cho thấy số tiền quyên góp của họ vào tháng 6 rơi vào khoảng 1 tỷ USD – ít hơn 0,1% tổng tài sản của họ.
4. Black Friday tạo ra hàng tấn chất thải
Bên cạnh những thiệt hại về vật chất và tài chính mà Black Friday gây ra cho người mua sắm, còn có nhiều hậu quả về môi trường.
Lời cam kết giao hàng chỉ trong vài ngày đòi hỏi các công ty phải đưa thêm hàng nghìn xe tải và tàu vào hoạt động, khiến tình trạng ô nhiễm không khí và nước ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, số lượng bao bì khổng lồ làm ngập các trung tâm tái chế và kết thúc ở những bãi chôn lấp.
Black Friday gây ra nhiều hậu quả về môi trường. Ảnh: AP.
Đó là chưa kể đến việc 61% người Mỹ nói rằng họ từng nhận được ít nhất một món quà không mong muốn trong dịp Black Friday, theo cuộc khảo sát năm 2019 của trang web tiết kiệm tiêu dùng Finder.com.
Điều này tương đương với 15,2 tỷ USD được chi cho những món quà không mong muốn. Quần áo và phụ kiện là các mặt hàng được tặng nhưng không được yêu thích nhất, thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang nhanh sử dụng nhiều carbon, góp phần làm tăng lượng rác thải.
5. Không tiết kiệm được tiền
Aimey Tunthasuwatana – chuyên viên hành chính ở San Francisco – ngừng chạy theo cơn sốt mua sắm Black Friday từ nhiều năm trước. Cô không muốn lãng phí thời gian xếp hàng chờ đợi những thứ gọi là “giao dịch rác”.
“Thật không đáng khi thức dậy sớm, đứng trong cái lạnh, tranh nhau những đồ vật không được giảm giá nhiều như ở các thời điểm khác trong năm”, Tunthasuwatana nói.
Những món hời trong dịp Black Friday có thể chỉ là chiêu trò của các nhà bán lẻ. Ảnh: Reuters.
Thực tế, phần lớn giao dịch Black Friday không hề hời như nhiều người nghĩ. Một nghiên cứu năm 2016 của trang tài chính cá nhân NerdWallet đã phát hiện ra rằng một số cửa hàng đã thổi phồng số lượng giảm giá vào Black Friday để khiến các giao dịch hấp dẫn hơn.
Sự thật là các chương trình giảm giá nhiều trong năm không thực sự diễn ra vào Black Friday.
Vì vậy, trước khi mạo hiểm sức khỏe và ngân sách để giúp những người giàu nhất thế giới giàu hơn nữa, người tiêu dùng nên dừng lại và xem xét lý do tại sao phải làm như vậy. Black Friday thực tế chỉ là ảo ảnh được tạo ra nhằm mang lại lợi ích cho một số ít người.
Theo Zing