Sau nhiều tháng đàm phán, 11 nước còn lại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui, cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng vào ngày 9/11. Tờ báo Nhật Nikkei nói rằng đây là một thỏa thuận có thể giữ vai trò định hình tương lai của kinh doanh ở châu Á-Thái Bình Dương trong những năm tới.
Cuộc họp cấp bộ trưởng TPP 11 tại Đà Nẵng ngày 9/11 – Ảnh: Nikkei.
“11 quốc gia đã đạt được một thỏa thuận ở cấp bộ trưởng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với các nhà báo sau khi cuộc đàm phán kết thúc vào đêm muộn ngày thứ Năm, bên lề hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại Đà Nẵng.
“Chúng tôi đã nhất trí được về một thỏa thuận với những tiêu chuẩn cao và cân bằng. Tạo ra quy tắc thương mại mới, tự do và bình đẳng trong một khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như châu Á-Thái Bình Dương là điều rất quan trọng”.
Nguồn thạo tin nói rằng các thỏa thuận về xóa bỏ hàng rào thuế quan trong thỏa thuận TPP ban đầu vẫn được giữ nguyên.
Theo dự kiến, lãnh đạo các quốc gia thành viên TPP 11 sẽ chính thức nhất trí về thỏa thuận này vào ngày thứ Sáu, đồng thời sẽ công bố chi tiết của thỏa thuận vừa đạt được.
Việc đạt thỏa thuận này là một thành tựu lớn đối với TPP 11, sau nhiều tháng các nước trong nhóm cố gắng cứu vãn thỏa thuận sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lưng.
Theo Nikkei, tác động kinh tế của thỏa thuận mới sẽ nhỏ hơn nhiều so với một TPP có Mỹ. TPP 11 chỉ chiếm khoảng 13,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu, 15,2% tổng thương mại toàn cầu, so với các con số tương ứng là 38,2% và 26,5% nếu thỏa thuận có Mỹ. Tuy nhiên, thỏa thuận là một bản tuyên bố về dự định của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương rằng thương mại đa phương là tương lai cho họ.
Ngoài ra, thỏa thuận đạt được cũng sẽ tạo cho các quốc gia thành viên TPP 11 một vị thế tốt hơn trong các cuộc đàm phán với Mỹ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tìm cách đạt được những điều khoản có lợi hơn cho họ thông qua các thỏa thuận thương mại song phương.
Cuộc đàm phán TPP bắt đầu vào năm 2010 với sự tham gia của 8 quốc gia là Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Sau đó, cuộc đàm phán có thêm sự tham gia của 4 quốc gia là Nhật Bản, Malaysia, Canada và Mexico.
Do Mỹ đã giành được một số nhượng bộ của các quốc gia khác trong những vòng đàm phán đầu, các nước còn lại trong TPP sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận buộc phải bàn bạc để tạm gác những điều khoản có liên quan đến Mỹ. Tuy nhiên, ông Motegii nói rằng danh sách của những điều khoản bị gác lại là “rất hạn chế”.
“Sẽ không có một TPP 12 trong tương lai (với sự tham gia của Mỹ) nếu không có TPP 11”, vị Bộ trưởng Nhật phát biểu. “Mỹ đương nhiên có lập trường của họ, nhưng chúng tôi sẽ kiên trì giải thích cho Mỹ về những lợi ích của TPP để họ quay lại thỏa thuận”.
Thỏa thuận TPP mới sẽ có hiệu lực sau khi một nửa số thành viên phê chuẩn thỏa thuận này trong nước.
Giờ đây, theo Nikkei, trung tâm của hoạt động đàm phán thương mại sẽ dịch chuyển tới Manila, Philippines, nơi 16 thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chuẩn bị tổ chức cuộc họp thứ 21. Cuộc họp này có thể chưa đạt thỏa thuận, nhưng những người ủng hộ tự do thương mại hy vọng rằng việc đàm phán thành công TPP 11 sẽ tạo áp lực buộc các thành viên còn chần chừ của RCEP chấp nhận thực thi những tiêu chuẩn cao hơn trong thỏa thuận gồm 16 quốc gia này.
RCEP là một thỏa thuận thương mại và đầu tư quy mô lớn đang được đàm phán giữa 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Đây là một thỏa thuận do Trung Quốc khởi xướng, với mục đích tạo đối trọng với TPP.
Theo Vneconomy