Theo Business Insider, trong 10 năm qua, ngành bán lẻ thế giới chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập lớn với giá trị hàng chục tỷ USD.
1. LVMH – Tiffany & Co. (16,2 tỷ USD)
Ảnh: Business Insider
Tháng 11/2019, LVMH có thương vụ lịch sử khi mua lại hãng trang sức biểu tượng của New York, Tiffany & Co., với giá 16,2 tỷ USD. Đây là thương vụ lớn nhất trong lịch sử hãng đồ hiệu Pháp. Thương vụ này giúp LVMH mở rộng sang mảng trang sức cao cấp để cạnh tranh với các đối thủ như Kering và Richemont.
2. Walmart – Jet.com (3,3 tỷ USD)
Ảnh: Business Insider
Khi bắt đầu xây dựng mạng lưới thương mại điện tử, Walmart thâu tóm công ty 2 năm tuổi Jet.com với giá 3,3 tỷ USD vào năm 2016. Sau thương vụ mua bán, người đồng sáng lập, CEO Marc Lore của Jet.com được giao nhiệm vụ điều hành cả công ty này lẫn toàn bộ mảng thương mại điện tử của Walmart.
Tuy nhiên, thương vụ hợp tác này không “thuận buồm xuôi gió” như mong đợi của đôi bên. Trong năm qua, ít nhất 8 phó chủ tịch và 5 giám đốc cấp cao rời khỏi Jet.com.
3. Walmart – ModCloth
Ảnh: Business Insider
Tháng 3/2017, Walmart tiếp tục mua hãng thời trang trực tuyến ModCloth với mức giá không được tiết lộ, thúc đẩy một loạt thương vụ thâu tóm các công ty thời trang khác như Bonobos, Moosejaw, Hayneedle và Bare Necessities. Tuy nhiên, Walmart được cho là đang có ý định bán ModCloth.
4. Le Tote – Lord & Taylor (75 triệu USD)
Ảnh: Business Insider
Đầu năm 2019, chuỗi bách hoá xa xỉ Lord & Taylor gây chấn động ngành bán lẻ Mỹ khi tuyên bố về một nhà với hãng dịch vụ thời trang Le Tote trong thương vụ 75 triệu USD. Le Tote hiện điều hành 38 cửa hàng bán lẻ cùng toàn bộ tài sản trực tuyến của Lord & Taylor.
5. Amazon – Whole Foods (13,7 tỷ USD)
Ảnh: Business Insider
Trong nỗ lực mở rộng đế chế thương mại điện tử với chiến lược đẩy mạnh vào cửa hàng tạp hóa, Amazon đã mua Whole Food với giá 13,7 tỷ USD vào năm 2017. Amazon nhanh chóng thể hiện tầm ảnh hưởng khi bắt đầu tích hợp các mặt hàng giao nhanh với dịch vụ Amazon Prime cùng nhiều dịch vụ khác vào Whole Foods.
6. Coach mua lại Stuart Weitzman và Kate Spade
Ảnh: Business Insider
Sau khi mua lại hãng thời trang trực tuyến Stuart Weitzman vào năm 2015 và tiếp đó là Kate Spade vào năm 2017, hãng phụ kiện xa xỉ Coach đổi tên thương hiệu thành Tapestry nhằm tìm lại ánh hào quang trong lĩnh vực bán lẻ xa xỉ.
7. Michael Kors mua lại Jimmy Choo và Versace
Ảnh: Business Insider
Để củng cố vị trí trên thị trường hàng xa xỉ Mỹ và cạnh tranh với các đối thủ như Tapestry, Michael Kors đã theo đuổi nhiều thương vụ thâu tóm trong thập kỷ qua. Đó là thương vụ mua hãng giày Jimmy Choo vào năm 2017 và hãng thời trang xa xỉ Versace năm 2018, với giá lần lượt là 1,2 và 2,12 tỷ USD.
8. Gildan Activewear – American Apparel
Ảnh: Business Insider
Năm 2017, nhà sản xuất thời trang Canada Gildan Activewear mua lại hãng thời trang American Apparel phá sản của Mỹ. Sau đó, American Apparel hồi sinh và trở thành công ty chỉ bán hàng trực tuyến. 110 cửa hàng của hãng này hiện đóng cửa vĩnh viễn.
9. Anheuser-Busch InBev – SABMiller (100 triệu USD)
Ảnh: Business Insider
Năm 2015, hãng bia của Bỉ Anheuser-Busch InBev thâu tóm đối thủ SABMiller với giá hơn 100 triệu USD. Việc mua lại thương vụ này đưa các thương hiệu nổi tiếng như Redd’s và Foster’s vào danh mục của AB InBev.
10. Heinz – Kraft Foods Group
Ảnh: Business Insider
Năm 2015, Heinz sáp nhập với Kraft tạo thành đế chế thực phẩm lớn thứ 5 thế giới. CEO Warren Buffett của Berkshire Hathaway cũng đầu tư 10 tỷ USD vào công ty mới Kraft Heinz Company.
11. Dollar Tree – Family Dollar
Ảnh: Business Insider
Năm 2015, chuỗi cửa hàng Dollar Tree của Mỹ mở rộng hoạt động bằng cách mua lại Family Dollar.
12. PetSmart – Chewy.com (3,35 tỷ USD)
Ảnh: Business Insider
Năm 2017, chuỗi bán lẻ sản phẩm dành cho thú cưng PetSmart mua lại trang thương mại điện tử Chewy với giá 3,35 tỷ USD. Chewy, chuyên trang bán đồ thú cưng thành lập tại Florida vào năm 2011, ngày càng phổ biến khi người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các sàn trực tuyến để mua đồ cho thú cưng.
Bằng Lăng (Theo Business Insider/VTC News)