Năm 2017 tại VN có khoảng 20 doanh nghiệp thương mại điện tử đang hoạt động, trong đó, có đến 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu nhận vốn từ Trung Quốc.
Đưa ra thông tin này tại buổi nói chuyện với các doanh nghiệp VN thuộc CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) ở TP.HCM ngày 6-6, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết các startup VN trong lĩnh vực này sau một thời gian thành lập, hoạt động đều tìm cách bán đi vì ngại cạnh tranh không nổi.
“Ngoài yếu tố tư duy văn hóa thì câu chuyện này còn có yếu tố thể chế mà Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc”, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nói.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng công nghệ số đang hình thành các mô hình kinh tế chia sẻ tạo cơ hội lớn cho startup ra đời, nhiều ngành công nghiệp mới xuất hiện.
Không ít quốc gia đã nắm bắt cơ hội này, xây dựng được những hệ sinh thái mới phát triển doanh nghiệp, tạo thành động lực tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, việc khai thác các cơ hội đó đòi hỏi rất nhiều vào thể chế. Nhà hoạch định chính sách phải nhìn được khía cạnh nền kinh tế mới, điều hành đi từ góc độ thị trường, bám sát thực tiễn để đưa ra chính sách phù hợp, tạo lực đẩy bằng chính sách.
Chẳng hạn sự ra đời của startup kỳ lân (những doanh nghiệp khởi nghiệp đạt giá trị ngưỡng 1 tỉ USD) đang làm hình thành ra một hệ sinh thái riêng khiến vai trò của định chế trung gian bị thách thức.
Những hệ sinh thái như Alibaba không chỉ cung cấp cho việc thanh toán, mua bán thương mại mà còn huy động vốn, cho vay… làm thay vai trò của một ngân hàng, hay công ty bảo hiểm.
Mô hình mới này đòi hỏi một chính sách điều hành cởi mở hơn là cấm đoán và chính quyền Trung Quốc đang tận dụng tốt điều này để làm động lực tăng trưởng mới.
Theo thống kê của Mc Kinsey, mặc dù được mệnh danh là quốc gia của những khoản đầu tư mạo hiểm nhưng trong 3 năm gần đây, số thương vụ đầu tư mạo hiểm của 3 tập đoàn công nghệ lớn nhất của Mỹ chỉ đạt 24 trong khi 3 tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc đầu tư mạo hiểm cho 38 thương vụ.
Ngoài sức mạnh tự có, các doanh nghiệp Trung Quốc còn nhận được sự hậu thuẫn rất lớn của chính phủ nước này.
Thực tế, trong quá trình phát triển của cách mạng số, rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được công nghệ hay không bắt kịp được xu hướng có thể bị tụt hậu hoặc bị phá sản.
Trong khi đó với mô hình tăng trưởng cũ, gần 85% doanh nghiệp VN đang sản xuất và sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, chưa liên kết được với chuỗi, hệ thống tài chính hiện cũng chưa tạo được nền tảng tài chính vững chắc.
Ông Vũ Viết Ngoạn cho biết hiện nay Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đang đề xuất xây dựng chương trình quốc gia về tăng suất lao động, trong đó lấy nền tảng công nghệ làm định hướng, nhằm đẩy nhanh, thay đổi phần nào văn hóa chia sẻ ý tưởng, truyền bá kinh nghiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp VN.
N.Bình (Theo Tuổi Trẻ)