Danh sách câu hỏi
Câu 1. Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam là gì?
Câu 2. Cơ sở để xây dựng chỉ số thương mại điện tử Việt Nam?
Câu 4. Tình hình kết nối Internet và đảm bảo an toàn thông tin của các doanh nghiệp trong năm 2012?
Câu 5. Mức độ phân bổ đầu tư cho công nghệ thông tin trong doanh nghiệp:
Câu 6. Tỷ lệ lao động thường xuyên sử dụng email trong công việc
Câu 7. Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp?
Câu 8. Tỷ lệ của việc sử dụng email trong kinh doanh
Câu 9. Tình hình ứng dụng Website thương mại điện tử trong doanh nghiệp:
Câu 10. Tình hình ứng dụng Sàn thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?
Câu 11. Các hình thức thanh toan phổ biến được dùng trong giao dịch thương mại điện tử?
Câu 12. Mức độ sử dụng các phần mềm quản lý
Câu 13. Tình hình giao dịch qua các phương tiện điện tử:
Câu 14. Việc tra cứu thông tin trên các website cơ quan nhà nước tại địa phương
Câu 15. Tình hình Sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong cả nước
Câu 16. Việc đấu thầu trực tuyến
Câu 17. Đánh giá về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến
Câu 18. Xây dựng chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin
Câu 19. Xây dựng chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp và cá nhân (B2C)
Câu 20. Xây dựng chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)
Câu 21. Xây dựng chỉ số về giao dịch giữa nhà nước và doanh nghiệp (G2B)
Câu 22. So sánh chỉ số thương mại điện tử tại các địa phương trong cả nước
Trả lời:
Câu 1. Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam là gì?
Năm 2012 là năm đầu tiên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tiến hành hoạt động xây dựng Chỉ số Thương mại điện tử với mong muốn hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá được tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên phạm vi cả nước cũng như tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cho tới năm 2012, đã có một số Sở Công Thương đã chủ động tiến hành điều tra hiện trạng ứng dụng thương mại điện tử tại địa phương. Tuy nhiên, những cuộc điều tra này hầu như không được tiến hành đều đặn hàng năm và không theo một phương pháp thống nhất nên những kết quả điều tra chưa được phổ biến, sử dụng rộng rãi. Trong bối cảnh đó, Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) giúp các địa phương có được bức tranh chung về tình hình phát triển thương mại điện tử trên cả nước cũng như tại địa phương mình.
Câu 2. Cơ sở để xây dựng chỉ số thương mại điện tử Việt Nam?
EBI được xây dựng dựa trên bốn nhóm tiêu chí lớn là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp (G2B). Trên cơ sở điều tra hơn ba nghìn doanh nghiệp khắp cả nước, VECOM đã sử dụng phương pháp đánh giá sự sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử của Trung tâm Phát triển Quốc tế thuộc Đại học Havard để xây dựng chỉ số cho từng tỉnh.
Câu 3. Theo thống kê của Hiệp hội trong năm 2012 thì tỷ máy tính trong các doanh nghiệp điều tra phân bổ như thế nào?
Hầu như tất cả doanh nghiệp tham gia điều tra đã có máy tính, trong đó 52% doanh nghiệp có dưới 10 máy tính, 21% doanh nghiệp có từ 11-20 máy tính. Số doanh nghiệp có từ 21 máy tính trở lên chỉ chiếm 27%.
Câu 4. Tình hình kết nối Internet và đảm bảo an toàn thông tin của các doanh nghiệp trong năm 2012?
Gần như tất cả các doanh nghiệp đã kết nối Internet băng thông rộng, hình thức kết nối phổ biến nhất là ADSL với tỷ lệ lên tới 77% số doanh nghiệp tham gia khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp có đường truyền riêng chiếm 20%. Hình thức kết nối Internet bằng quay số chiếm rất ít (chiếm 2%).
Còn về mức độ an toàn thông tin: Các doanh nghiệp đã quan tâm tới các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Phần lớn các doanh nghiệp đã sử dụng các phần mềm diệt virus (tới 83% doanh nghiệp sử dụng phần mềm diệt virus), biện pháp áp dụng tường lửa có tỷ lệ sử dụng thấp hơn, chiếm 57%
Tình hình áp dụng các biện pháp bảo mật CNTT và TMĐT
Câu 5. Mức độ phân bổ đầu tư cho công nghệ thông tin trong doanh nghiệp:
Tính trung bình doanh nghiệp đã dành 41% kinh phí đầu tư cho phần cứng, 26% cho phần mềm. Chi phí cho đào tạo và các hoạt động khác chiếm tỷ lệ tương ứng là 18% và 15%.
Cơ cấu đầu tư cho CNTT
Về nhân lực: Có 51% doanh nghiệp đã có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Những ngành có cán bộ chuyên trách cao nhất là giải trí (68%), giáo dục và đào tạo (63%) và tài chính (61%).
Câu 6. Tỷ lệ lao động thường xuyên sử dụng email trong công việc
Cuộc điều tra cho thấy không có sự khác biệt lớn của lực lượng lao động thường xuyên sử dụng email giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp SME. Đáng chú ý là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỷ lệ trên 50% lao động thường xuyên sử dụng email trong công việc cao hơn so với các doanh nghiệp lớn. Số liệu này phản ảnh thực tế các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam phần nhiều là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong các ngành dệt may, da giày, cơ khí…
Tình hình nhân viên thường xuyên sử dụng email trong công việc
Câu 7. Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp?
Hơn một nửa doanh nghiệp đã quan tâm tới hoạt động bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin và thương mại điện tử cho nhân viên thông qua việc cử nhân viên tham dự các chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng tại chỗ. Tuy nhiên, có tới 31% doanh nghiệp không tiến hành bất cứ hình thức bồi dưỡng nào cho nhân viên về công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
Tình hình đào tạo nguồn nhân lực về CNTT và TMĐT tại doanh nghiệp
Câu 8. Tỷ lệ của việc sử dụng email trong kinh doanh
Email được các doanh nghiệp sử dụng ở mức cao để phục vụ hoạt động kinh doanh. Email được sử dụng nhiều nhất cho hoạt động giao dịch với khách hàng với tỷ lệ 67% doanh nghiệp, tiếp đó là sử dụng email để quảng cáo, giới thiệu doanh nghiệp hoặc sản phẩm của doanh nghiệp với tỷ lệ là 55%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng email để giao kết hợp đồng chỉ chiếm 37% số doanh nghiệp tham gia điều tra.
Tình hình sử dụng email trong kinh doanh
42% doanh nghiệp cho biết sử dụng email trong việc bán hàng với khách hàng cá nhân mang lại hiệu quả cao, các tỷ lệ với hiệu quả trung bình và thấp tương ứng là 44% và 13%.
Hiệu quả sử dụng email trong việc bán hàng với khách hàng cá nhân
Do email là một công cụ hữu ích cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên 54% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch tăng cường sử dụng email trong việc bán hàng với khách hàng cá nhân.
Kế hoạch tăng cường sử dụng email trong việc bán hàng với khách hàng cá nhân
Câu 9. Tình hình ứng dụng Website thương mại điện tử trong doanh nghiệp:
Có 42% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết đã xây dựng website riêng, 11% doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng website trong năm 2012. Trong đó, tín hiệu tích cực là phần lớn doanh nghiệp đã quan tâm cập nhật thông tin trên website một cách thường xuyên.
Tình hình cập nhật thông tin trên website
Một xu hướng nổi bật là các doanh nghiệp đã quan tâm đáng kể tới hoạt động quảng bá website trên các phương tiện truyền thông truyền thống cũng như trực tuyến. Đáng chú ý là các công cụ tìm kiếm được doanh nghiệp quan tâm nhất để quảng bá website của mình, trong khi đó truyền hình là phương tiện truyền thông ít được sử dụng nhất.
Thống kê hình thức quảng bá website của doanh nghiệp
Câu 10. Tình hình ứng dụng Sàn thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?
Năm 2012 có 11% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết đã tham gia các sàn thương mại điện tử. Hiệu quả bán hàng do tham gia các sàn thương mại điện tử là khá tốt.
Hiệu quả tham gia các sàn thương mại điện tử
Câu 11. Các hình thức thanh toan phổ biến được dùng trong giao dịch thương mại điện tử?
Trong trường hợp doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt thì hình thức thanh toán được sử dụng phổ biến nhất là chuyển khoản qua ngân hàng, tiếp đó là các loại thẻ thanh toán.
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
Câu 12. Mức độ sử dụng các phần mềm quản lý
Việc sử dụng các phần mềm quản lý có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp khác. Phần lớn doanh nghiệp tham gia điều tra đã sử dụng các phần mềm phục vụ công tác tài chính kế toán, trong khi đó gần một nửa đã sử dụng phần mềm quản lý nhân sự.
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng các phần mềm phục vụ trực tiếp hơn cho hoạt động kinh doanh và bán hàng như phần mềm quản trị quan hệ khách hàng (CRM), quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) hay quản trị chuỗi cung ứng (SCM) chiếm tỷ trọng khá thấp.
Tình hình sử dụng các phần mềm quản lý
Câu 13. Tình hình giao dịch qua các phương tiện điện tử:
a. Nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử
Tỷ lệ các doanh nghiệp chấp nhận đặt hàng qua website là 29%, trong đó các doanh nghiệp SME là 28% và các doanh nghiệp lớn là 37%.
Doanh nghiệp sử dụng phương tiện điện tử để nhận đơn đặt hàng
b. Đặt hàng qua các phương tiện điện tử
Có 33% doanh nghiệp đã đặt hàng qua website, trong đó các doanh nghiệp SME là 32% và các doanh nghiệp lớn là 41%.
Doanh nghiệp sử dụng phương tiện điện tử để đặt hàng
Câu 14. Việc tra cứu thông tin trên các website cơ quan nhà nước tại địa phương
Có 33% doanh nghiệp thường xuyên tra cứu thông tin trên các website cơ quan nhà nước tại địa phương, trong khi đó còn 12% doanh nghiệp trả lời chưa bao giờ làm như vậy.
Tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên tra cứu thông tin trên website nhà nước
Câu 15. Tình hình Sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong cả nước
Tỷ lệ doanh nghiệp đã sử dụng các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục đăng ký, cấp phép, khai báo hải quan… cung cấp trên các website của cơ quan nhà nước tại địa phương là 46%.
Sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Câu 16. Việc đấu thầu trực tuyến
Có 35% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết đã tìm kiếm thông tin liên quan tới đầu thầu trên các website của cơ quan nhà nước.
Tình hình tìm kiếm thông tin đấu thầu
Câu 17. Đánh giá về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến
Đánh giá về lợi ích của các dịch vụ công trực tuyến, 27% doanh nghiệp cho biết rất có ích, 60% là tương đối có ích và 13% cho là không có ích.
Lợi ích của dịch vụ công trực tuyến
Câu 18. Xây dựng chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin
Chỉ số này được tính toán dựa vào nhiều tiêu chí như nguồn nhân lực hiện tại đã đáp ứng thế nào nhu cầu triển khai CNTT và TMĐT của doanh nghiệp, doanh nghiệp có khó khăn khi cần tuyển dụng lao động có kỹ năng về CNTT và TMĐT, các hình thức đào tạo nhân viên, tỷ lệ cán bộ chuyên trách về CNTT và TMĐT cũng như các tiêu chí về trang bị máy tính, kết nối Internet…
Các thành phố lớn vừa là trung tâm kinh tế vừa tập trung nhiều trường đại học có chỉ số cao nhất về NNL&HT. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là hai thành phố dẫn đầu về chỉ số NNL&HT với các điểm số tương ứng là 71,3 và 71,0. Điểm số của tỉnh Thái Nguyên là 68,7 đứng ngay sát hai thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng (70,0) và Đà Nẵng (68,8).
Năm tỉnh có chỉ số NNL&HT thấp nhất đều thuộc khu vực Nam Bộ, đó là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bình Phước và Cà Mau.
Chỉ số Nguồn nhân lực và Hạ tầng công nghệ thông tin
Câu 19. Xây dựng chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp và cá nhân (B2C)
Chỉ số này được xây dựng dựa trên các tiêu chí chủ yếu sau: 1) sử dụng email cho các hoạt động thương mại như giao kết hợp đồng, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp, giao dịch với khách hàng, chăm sóc khách hàng… 2) xây dựng và vận hành website của doanh nghiệp; 3) tham gia các sàn thương mại điện tử; 4) sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; 5) bảo vệ thông tin cá nhân.
Chỉ số về giao dịch B2C
Một loạt thông tin quan trọng sẽ được đánh giá đối với các doanh nghiệp đã có website, bao gồm tần suất cập nhật website, số lượng cán bộ phụ trách, các hình thức quảng bá website… Việc cho điểm về website xem xét cả thông tin về những tính năng chủ yếu của website như giới thiệu thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ, cho phép đặt hàng trực tuyến, cho phép thanh toán trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến…
Điểm số chung cho cho nhóm tiêu chí giao dịch B2C không cao, phản ảnh tỷ lệ doanh nghiệp chưa có website còn cao hơn nhiều so với doanh nghiệp có website. Mặt khác, với các doanh nghiệp đã có website thì chất lượng và hiệu quả do website mang lại cũng chưa lớn. Sự hỗ trợ khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán chưa cao. Các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng thoả đáng tới việc bảo vệ thông tin cá nhân trong các giao dịch trực tuyến.
Những thành phố lớn dẫn đầu về chỉ số giao dịch B2C, với các tỉnh còn lại không có xu hướng khác biệt lớn nào.
Câu 20. Xây dựng chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)
Chỉ số giao dịch B2B coi trọng tới việc doanh nghiệp triển khai các phần mềm lập kế hoạch nguồn lực (ERP), quản trị quan hệ khách hàng (CRM), quản lý hệ thống cung ứng… Việc triển khai các phần mềm này đòi hỏi phải có sự tổ chức quản lý khoa học, quyết tâm ứng dụng CNTT ở mọi cấp quản lý, sự đầu tư cao cho CNTT và TMĐT. Trên cơ sở triển khai thành công các phần mềm này thì doanh nghiệp mới thực sự có điều kiện để tiến hành các hoạt động thương mại điện tử trên quy mô lớn, an toàn và hiệu quả.
Đồng thời, chỉ số về nhóm giao dịch này cũng chú trọng xem xét thực tiễn nhận đơn đặt hàng và đặt hàng trực tuyến của các doanh nghiệp, tỷ lệ tổng giá trị các đơn đặt hàng trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Những tỉnh và thành phố dẫn đầu về loại hình này là các thành phố lớn hoặc các tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chỉ số về giao dịch B2B
Câu 21. Xây dựng chỉ số về giao dịch giữa nhà nước và doanh nghiệp (G2B)
Thương mại điện tử không thể tách rời hoạt động cung cấp trực tuyến các dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, chẳng hạn như hải quan điện tử, cấp chứng nhận xuất xứ điện tử, khai báo thuế trực tuyến… Hơn nữa, nhà nước cũng là khách hàng rất lớn trong việc mua sắm chính phủ nên hoạt động đấu thầu trực tuyến các hàng hoá và dịch vụ công có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động kinh doanh thương mại của nhiều doanh nghiệp ở mọi quy mô.
Chỉ số giao dịch G2B đánh giá mức độ doanh nghiệp thường xuyên tra cứu thông tin trên các webiste của cơ quan nhà nước, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới hoạt động thương mại, tìm kiếm thông tin đấu thầu và khả năng trúng thầu thông qua các website của cơ quan nhà nước…
Chỉ số về giao dịch G2B
Việc tính điểm cho chỉ số này đã xem xét và sử dụng thông tin liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông khi xếp hạng mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên các website của các địa phương và của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đối với độ mở của website các tỉnh.
Câu 22. So sánh chỉ số thương mại điện tử tại các địa phương trong cả nước.
Chỉ số thương mại điện tử cho mỗi địa phương được tổng hợp từ điểm số cho bốn nhóm tiêu chí tác động tới mức độ triển khai thương mại điện tử là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch B2C, giao dịch B2B và giao dịch G2B.
Nhóm 5 địa phương dẫn đầu là Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai, tiếp ngay sau đó là 3 địa phương gồm Thành phố Cần Thơ, Bình Dương và Bắc Ninh. Như vậy có thể nhận xét các địa phương có mức độ sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử cao nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh năng động và liền kề với hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước là Đồng Nai, Bình Dương và Bắc Ninh.
Biểu đồ điểm số của Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội
Từ biểu đồ điểm số của hai thành phố dẫn đầu cả nước có thể thấy tất cả bốn nhóm tiêu chí của hai địa phương này đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Trong khi điểm số về nguồn nhân lực của hai thành phố bằng nhau thì Tp. Hồ Chí Minh vượt trội hơn Hà Nội một chút về tiêu chí giao dịch G2B và B2B, ngược lại Hà Nội cao hơn về tiêu chí giao dịch B2C.
Ở một chiều khác có thể thấy 5 địa phương có mức độ sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử thấp nhất là các tỉnh xa hai trung tâm kinh tế lớn, còn gặp những khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở…
Biểu đồ điểm số của Bình Phước và Cà Mau
Từ biểu đồ điểm số của hai tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng có thể thấy tất cả bốn nhóm tiêu chí đều thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Chỉ số thương mại điện tử các địa phương
Thương mại điện tử không chỉ cần có sự kết nối Internet mà còn cần nhiều điều kiện khác. Rõ ràng việc thu hẹp khoảng cách số nói chung và sự sẵn sàng cho thương mại điện tử nói riêng giữa các địa phương trước hết cần sự nỗ lực của từng tỉnh nhưng đồng thời cần có chính sách vĩ mô trên phạm vi cả nước.