Danh sách câu hỏi:

Câu 1. Trong tháng 5/2013 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52⁄2013⁄NĐ-CP về Thương mại điện tử thay thế Nghị định số 57⁄2006⁄NĐ-CP năm 2006, Nghị định này có gì khác so với Nghị định cũ?

Câu 2. Ông/bà có thể cho biết những thuận lợi và những lợi ích mà các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử có được từ nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử?

Câu 3. Có không ít ý kiến cho rằng: với việc áp dụng Nghị định mới này trong việc kinh doanh sẽ khiến không ít các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ bị xóa xổ. Ông/bà nhận định gì về ý kiến này?

Câu 4. Trong thời gian mới ban hành Nghị định 52 về TMĐT, các cơ quan nhà nước cũng như các Hiệp hội ngành nghề liên quan đã có những chuẩn bị như thế nào để đưa Nghị định tới gần hơn với các doanh nghiệp?

Câu 5.  Trong môi trường TMĐT hiện nay tại Việt Nam vẫn đang tồn tại thực tế: người mua và người bán giao dịch với nhau trên không gian ảo, nếu giao dịch xảy ra vấn đề thì người tiêu dùng thường ở vị trí “thế yếu”, còn các doanh nghiệp lại “nắm đằng chuôi”. Vậy Nghị định này đã có những quy định gì để giao dịch điện tử đảm bảo công bằng và an toàn về lợi ích cho các bên tham gia, nhất là đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông?

Câu 6. Tại điều 67 trong Nghị định 52 về thương mại điện tử cho biết, Bộ Công Thương sẽ công bố các website TMĐT vi phạm quy định của pháp luật và các website bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điều này cũng khiến cho các doanh nghiệp lo lắng về việc có thể xảy ra tình trạng 1 số doanh nghiệp lợi dụng quy định này để đưa đối thủ vào danh sách website vi phạm. Vậy Bộ Công Thương sẽ có các biện pháp nào để hạn chế những hành vi này ?

Câu 7.  Thời gian vừa qua, những hành vi vi phạm về TMĐT như lợi dụng TMĐT để lừa đảo người tiêu dùng hoặc kinh doanh đa cấp bất chính đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, gây xôn xao trong dư luận. Vậy trong Nghị định mới về TMĐT chúng ta đã ban hành những quy định gì để xử lý các hành vi trên?

Câu 8.  Việc ra đời của Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã và đang tạo ra môi trường pháp lý mới cho TMĐT ở Việt Nam. Vậy ông nhận định như thế nào về triển vọng phát triển TMĐT tại Việt Nam trong thời gian tới sau khi Nghị định này chính thức có hiệu lực?

Trả lời

Câu 1. Trong tháng 5/2013 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52⁄2013⁄NĐ-CP về Thương mại điện tử thay thế Nghị định số 57⁄2006⁄NĐ-CP năm 2006, Nghị định này có gì khác so với Nghị định cũ?

Khác với Nghị định trước đây chỉ gồm những quy định khung nhằm làm rõ hơn các nguyên tắc của Luật Giao dịch điện tử đối với việc sử dụng thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại, Nghị định mới về Thương mại điện tử quy định cụ thể về các hoạt động thương mại điện tử cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, với mục tiêu thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại cho Việt Nam.

Câu 2. Ông/bà có thể cho biết những thuận lợi và những lợi ích mà các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử có được từ nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử?

Trong những năm vừa qua TMĐT đã phát triển nhanh chóng tác động đến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT rất lớn, theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2012 thì hầu hết các doanh nghiệp đã ứng dụng TMĐT ở các mức độ khác nhau, và có tới 40% DN có website riêng, tuy nhiên pháp luật tại Việt Nam chưa phản ánh được kịp thời mức độ phát triển của TMĐT nói chung, vì vậy nghị định mới về TMĐT đã tạo ra khung pháp lý tốt giúp các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT nói riêng phát triển hiệu quả một cách lành mạnh. Chi tiết  về nghị định độc giả có thể tham khảo tại đây.

Câu 3. Có không ít ý kiến cho rằng: với việc áp dụng Nghị định mới này trong việc kinh doanh sẽ khiến không ít các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ bị xóa xổ. Ông/bà nhận định gì về ý kiến này?

Về căn bản Nghị định đã tạo ra những hành lang pháp lý thông thoáng đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, Nghị định cũng đã có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của những đơn vị này. Tuy nhiên Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 nên các doanh nghiệp sẽ có một thời gian dài để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình sao cho phù hợp với Nghị định, Nghị định mới sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT phải kinh doanh một cách chuyên nghiệp và uy tín hơn, từ đó giúp loại trừ dần những doanh nghiệp kinh doanh với mô hình sai trái pháp luật. Vì vậy việc xóa xổ những doanh nghiệp ảnh hưởng xấu đến môi trường thương mại điên tử theo tôi là một hệ quả tích cực tốt từ Nghị định

Câu 4. Trong thời gian mới ban hành Nghị định 52 về TMĐT, các cơ quan nhà nước cũng như các Hiệp hội ngành nghề liên quan đã có những chuẩn bị như thế nào để đưa Nghị định tới gần hơn với các doanh nghiệp?

Ngoài việc cung cấp Nghị định trên các website của Chính phủ và các Hiệp hội có liên quan trong lĩnh vực TMĐT nhằm tuyên truyền rộng rãi hơn nội dung Nghị định. Mặt khác Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức một loạt Hội nghị để phổ biến nội dung Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 12/2013/TT-BCT ngày 20/6/2013 của Bộ Công Thương quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website TMĐT. Đối tượng phổ biến Nghị định này là các đơn vị quản lý nhà nước ở các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các doanh nghiệp thuộc các địa bàn nêu trên.

Câu 5.  Trong môi trường TMĐT hiện nay tại Việt Nam vẫn đang tồn tại thực tế: người mua và người bán giao dịch với nhau trên không gian ảo, nếu giao dịch xảy ra vấn đề thì người tiêu dùng thường ở vị trí “thế yếu”, còn các doanh nghiệp lại “nắm đằng chuôi”. Vậy Nghị định này đã có những quy định gì để giao dịch điện tử đảm bảo công bằng và an toàn về lợi ích cho các bên tham gia, nhất là đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông?

Theo Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương : Do đặc thù của hoạt động mua bán trên không gian ảo, người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp, người sở hữu website TMĐT là người đưa ra luật lệ cho giao dịch, đề ra các điều khoản hợp đồng và cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Nghị định 52 có những quy định nhằm đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữ các chủ thể tham gia TMĐT. Những quy định này tập trung ở Chương III “Hoạt động TMĐT”. Chương này có những quy định khá cụ thể về quyền và trách nhiệm của các nhóm chủ thể tham gia hoạt động TMĐT, đặc biệt là trách nhiệm cung cấp thông tin mình bạch và đầy đủ để người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định chính xác liên quan đến việc mua hàng hóa, dịch vụ. Việc phân định quyền và trách nhiệm của các bên được căn cứ vào bản chất mối quan hệ tương tác giữa các chủ thể tham gia giao dịch trong từng mô hình, phương thức hoạt động của từng loại hình website TMĐT. Để hiểu rõ hơn về các mô hình hoạt động của website TMĐT, có thể tham khảo Chương III của Nghị định 52.

Câu 6. Tại điều 67 trong Nghị định 52 về thương mại điện tử cho biết, Bộ Công Thương sẽ công bố các website TMĐT vi phạm quy định của pháp luật và các website bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điều này cũng khiến cho các doanh nghiệp lo lắng về việc có thể xảy ra tình trạng 1 số doanh nghiệp lợi dụng quy định này để đưa đối thủ vào danh sách website vi phạm. Vậy Bộ Công Thương sẽ có các biện pháp nào để hạn chế những hành vi này ?

Theo Ông Trần Hữu Linh: Điều 67 quy định về danh sách các website TMĐT khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng. Chúng ta cần lưu ý, không phải cứ có phản ánh là Bộ Công Thương đưa ngay vào danh sách website bị phản ánh. Khoản 2 Điều 67 Nghị định 52 đã ghi rõ “Bộ Công Thương quy định chi tiết về cơ chế tiếp nhận, công bố thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về các website TMĐT quy định tại Khoản 1 Điều này”.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BCT ngày 20/6/2013 quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website TMĐT. Theo nội dung của Thông tư thì “Việc công bố thông tin phản ánh đối với một website thương mại điện tử trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử” (Khoản 4 Điều 24) được thực hiện qua các bước như sau:

  • Website thương mại điện tử có trên 05 (năm) ý kiến phản ánh từ các tổ chức, cá nhân khác nhau về một hoặc nhiều hành vi nêu tại Khoản 1 Điều này sẽ nhận được thông báo của Bộ Công Thương yêu cầu hợp tác, giải trình về những ý kiến phản ánh nói trên.
  • Sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình của Bộ Công Thương, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử không phản hồi hoặc không giải trình được về các ý kiến phản ánh, thì website đó sẽ được đưa vào danh sách website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.”

Như vậy việc có các đối thủ có thể lợi dụng thông tin các website TMĐT vi phạm pháp luật để chơi xấu lẫn nhau, hay cạnh tranh không lành mạnh sẽ được hạn chế tối đa, do việc khai báo phản ảnh còn phải qua một quy trình tiếp nhận, xác minh ý kiến của bên phản ánh cũng như có sự giải trình thỏa đáng của bên sở hữu website TMĐT. Doanh nghiệp có thể yên tâm về sự minh bạch của quy trình này.

Câu 7.  Thời gian vừa qua, những hành vi vi phạm về TMĐT như lợi dụng TMĐT để lừa đảo người tiêu dùng hoặc kinh doanh đa cấp bất chính đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, gây xôn xao trong dư luận. Vậy trong Nghị định mới về TMĐT chúng ta đã ban hành những quy định gì để xử lý các hành vi trên?

Theo Ông Trần Hữu Linh: Nghị định 52 có riêng Điều 4 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT, trong đó bao gồm cả hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh đa cấp bất chính. Do đó những doanh nghiệp đã và đang hoạt động theo mô hình tương tương tự sẽ phải dừng thực hiện các hành vi này và chọn hướng đi khác phù hợp theo quy định của pháp luật. Nếu vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi đã bị cấm này, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Câu 8.  Việc ra đời của Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã và đang tạo ra môi trường pháp lý mới cho TMĐT ở Việt Nam. Vậy ông nhận định như thế nào về triển vọng phát triển TMĐT tại Việt Nam trong thời gian tới sau khi Nghị định này chính thức có hiệu lực?

Theo Ông Trần Hữu Linh: Nghị định 52 ra đời sẽ là cơ sở tạo niềm tin cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng tiến hành các hoạt động về TMĐT. Cùng với một loạt văn bản quy phạm pháp luật khác về công nghệ thông tin, Internet, xử phạt vi phạm hành chính trong thương mại… ban hành trong năm nay, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử Việt Nam. Chúng tôi hy vọng những quy định cụ thể của Nghị định sẽ bám sát thực tiễn hoạt động thương mại điện tử, hạn chế những hành vi kinh doanh không lành mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và thúc đẩy lĩnh vực TMĐT phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.