Chia sẻ tại chỉ đạo tại hội thảo xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, một nội dung rất quan trọng để bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Theo ông, các doanh nghiệp gia đình chính là một bộ phận quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp dân tộc. Hiện Việt Nam có trên 900.000 doanh nghiệp, trên 20.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Doanh nghiệp gia đình hiện chiếm 70% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ. Doanh nghiệp gia đình cũng là nguồn hình thành đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh của đất nước và cũng là hình thức kinh doanh chủ yếu trên thế giới.
Ông Công cho hay, các doanh nghiệp gia đình luôn nổi trội ở uy tín, luôn phát triển mạnh mẽ qua nhiều thế hệ. Do đó, cần xây dựng và thực hành đạo đức kinh doanh, góp phần hình thành bản sắc văn hóa riêng của doanh nhân Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, khẳng định, doanh nhân Việt cùng với gia đình của mình có đủ bản lĩnh phát triển và đã sẵn sàng gánh vác sứ mệnh tiên phong phát triển kinh tế.
Ông cho rằng trong tương lai, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ vì tiềm năng còn rất lớn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, doanh nghiệp gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là phúc lợi tinh thần, có quan hệ hữu cơ với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo ông, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình là mục tiêu chiến lược, phù hợp yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Thêm vào đó, mỗi doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài thì giá trị văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cần được khẳng định. Xây dựng văn hóa kinh doanh cũng là thách thức vô cùng to lớn vì cần nhiều thời gian và qua nhiều thế hệ.
Chính vì vậy, doanh nghiệp gia đình là một bộ phận quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam. Việc tăng cường xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh tạo nền tảng cho việc phát triển đội ngũ doanh nhân và giúp doanh nghiệp phát triển vững mạnh.
Nguồn: Dân trí