Những thực phẩm được đóng gói lại thường không an toàn, những thực phẩm có bao bì biến dạng rất có thể đã hết hạn…
Nhiều nhà sản xuất và nhà bán lẻ vì lợi nhuận đã cố gắng bán cho chúng ta những hàng hóa sắp hoặc đã hết hạn. Dưới đây là một vài “bẫy” mà các siêu thị hay cửa hàng khiến bạn mua phải những thực phẩm kém chất lượng – và cách tránh bẫy.
1. Các mặt hàng đóng gói lại
Các thực phẩm được siêu thị tự đóng gói riêng lẻ nhiều khả năng đã hết hạn hoặc sắp hết hạn. Ngày đóng gói không có ý nghĩa gì trong trường hợp này, bởi vì nhãn dán có thể thay đổi nhiều lần trong ngày.
Đó là lý do tại sao bạn nên yêu cầu người bán đóng gói thực phẩm trước mặt bạn, hoặc chọn mua những hàng hóa được đóng gói tại nhà máy.
2. Thực phẩm chế biến sẵn
Khi mua thực phẩm làm sẵn, hãy chú ý đến những món chiên rán, có nhiều tỏi, gia vị, đây có thể là cách người bán ngụy trang nguyên liệu đã hết hạn.
Các món salad có thịt hoặc cá thường hết hạn nhanh hơn salad chỉ có rau. Salad với dầu trộn sẽ an toàn hơn món salad trộn với sốt mayonnaise.
Lưu ý, thực phẩm làm sẵn cần được để trong đồ thủy tinh (chúng dễ bị oxy hóa nếu để trong đồ kim loại) và để trong tủ, mỗi món có một muỗng múc riêng. Nhân viên khi lấy hàng cho khách phải đeo găng tay chỉ dùng một lần.
3. Bao bì
Nếu thấy bao bì đựng thực phẩm bị ọp ẹp, biến dạng, xuất hiện vết nứt, bìa các tông bị thủng… tốt nhất không nên mua. Chúng có thể là dấu hiệu của việc lưu trữ, vận chuyển sai cách, thậm chí thực phẩm hết hạn.
4. Trưng bày hàng hóa chủ ý
Cửa hàng luôn biết cách trưng bày hàng hóa tốt nhất. Ví dụ, ánh sáng trong tủ thịt làm cho thịt trông tươi ngon. Bạn có thể yêu cầu nhân viên cửa hàng lấy cho mình một miếng và tự kiểm tra, nó có thể trông khác biệt dưới ánh sáng bình thường.
Tương tự với thực phẩm đông lạnh: đừng mua thực phẩm có nhiều vụn đá trên bề mặt, đây thường là hàng hóa đã được đông lạnh và rã đông nhiều lần, không tốt cho sức khỏe.
Một miếng thịt với một lớp màng khô ở trên chưa hẳn đã cũ, thường do nó đã tiếp xúc không khí. Nhưng một miếng thịt quá ẩm ướt có thể do các nhân viên cửa hàng đã cố gắng làm mới bằng cách đổ nước lên, và miếng thịt này khi nấu chín sẽ không ngon.
5. Thực phẩm có màu khác bình thường
Thực phẩm có màu tươi sáng thường bắt mắt hơn nhưng không hẳn chất lượng tốt hơn sản phẩm cùng loại mà tối màu. Trái cây và rau quả được trồng trên mặt đất thường có màu xỉn, đốm và các khiếm khuyết khác dù chúng tươi ngon.
Màu sắc tươi sáng của cá hồi có thể có được bằng cách sử dụng màu hóa học.
Một ví dụ khác là sốt cà chua và các loại nước sốt khác. Mặc dù chúng ta luôn bị thu hút bởi những lọ sốt sáng màu, nhưng tốt hơn bạn nên chọn nước sốt có màu tự nhiên, bởi điều đó có nghĩa là chúng được làm từ các thành phần tự nhiên.
6. Giấu đồ tươi mới nhất phía trong kệ
Để bán được hàng hóa đắt tiền hơn, các nhà bán lẻ đã đặt chúng lên các kệ dễ thấy nhất với tầm mắt người mua hàng. Những sản phẩm này có thể dễ nhận ra vì quảng cáo, nhưng không có nghĩa là chúng được làm từ các thành phần chất lượng.
Để giảm thiểu tổn thất vì hàng hóa hết hạn, nhân viên cửa hàng thường đưa hàng sắp hết hạn ra khu ngoài cùng dễ lấy nhất. Đừng lười biếng, hãy kiểm tra khu trưng bày phía trong để mua được hàng hóa tươi hơn và chất lượng tốt hơn.
7. Đánh lạc hướng bằng nhãn mác
Những thuật như “sữa mẹ”, “mẹ làm” không phải là thực tế mà chỉ là do các nhà sản xuất đã cố gắng đặt cho sản phẩm một tên gọi hấp dẫn hơn. Những món sữa chua kiểu Nhật, món phô mai-ohs và những cái tên kỳ lạ khác không chứng minh sản phẩm đặc biệt hơn.
Đừng nghĩ rằng những dấu hiệu như “không có đường bổ sung”, “không có cholesterol”, “giàu vitamin”… là một dấu hiệu của chất lượng. Trên thực tế, không có đường bổ sung có nghĩa là có chứa rất nhiều chất ngọt hóa học, và những thứ có chứa nhiều vitamin không phải lúc nào cũng tốt.
8. Hàng ngoại lai tiềm ẩn nguy cơ bảo quản kém
Nên ưu tiên hàng hóa xuất xứ tại địa phương. Đây là một tiêu chí quan trọng khi lựa chọn trái cây, rau quả và các sản phẩm từ sữa. Bạn nên mua sản phẩm có nguồn gốc địa phương bởi vì vận chuyển đường dài và việc vi phạm các điều kiện bảo quản khi vận chuyển có thể ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng món ăn.
Hãy hỏi nhân viên cửa hàng
Nhân viên có mẹo xếp hàng trên kệ nhưng không dễ nói dối bạn. Hãy hỏi họ về các sản phẩm bạn muốn mua: xuất xứ từ đâu, tươi thế nào, khi nào có đợt hàng mới… Dù nhân viên nói dối bạn, bạn vẫn có thể tự rút ra kết luận.
Đừng quên rằng nhân viên cửa hàng sẽ làm bất cứ điều gì có thể để thuyết phục bạn mua thực phẩm của họ. Tuy nhiên, nếu bạn chịu để ý, chỉ những món ăn ngon nhất và tốt nhất cho sức khỏe mới xuất hiện trên bàn của bạn.
Hoàng Anh (Theo Bright Side)