Hàng giả, hàng nhái, khuyến mãi ảo, nâng giá sản phẩm…. đang là những cụm từ bị gắn liền với thương mại điện tử Việt Nam, ngoài ra việc hàng loạt Doanh nghiệp thương mại điện tử tuyên bố dừng hoạt động cũng đặt ra một câu hỏi lớn về cách tồn tại và đứng vững trong thị trường này.

Thực tế phũ phàng

Cách đây không lâu, một trong những cái tên mới nổi của thương mại điện tử Việt Nam tuyên bố dừng hoạt động vì không đủ vốn vận hành đã gây xôn xao. Cùng với đó, cái tên rất có tiếng về các sản phẩm mẹ và bé cũng dừng hoạt động đột ngột mà không đưa ra bất cứ lý do gì, đã khiến thị trường thương mại điện tử thật sự bị xáo động, các doanh nghiệp đặt câu hỏi, người tiêu dùng đặt câu hỏi “Tồn tại trong thương mại điện tử Việt Nam, có thật sự khó khăn đến vậy?”

Bên cạnh đó, những “thông tin không hay” về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các Doanh nghiệp thương mại điện tử cũng khiến người tiêu dùng hoang mang. Trong đợt giảm giá cuối năm vừa qua, một doanh nghiệp có tiếng thay vì giảm giá thực tế thì lại đẩy giá lên gấp đôi và bán ra với mức giá ngang thị trường, tuy nhiên lại đăng thông tin là sản phẩm đã được giảm 50%. Thêm một số bài báo khác vừa được đăng trên các trang mạng, việc một số cái tên lớn trong ngành vẫn bán hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu có tiếng, thật sự khiến người tiêu dùng hoang mang và mất dần niềm tin vào các doanh nghiệp TMĐT.

tmdt-phai-co-tam

Chúng ta không thể quy chụp rằng tất cả các doanh nghiệp đều bán hàng nhái hay khuyến mãi ảo, cũng không vì một vài doanh nghiệp thất bại mà nhận định rằng đây là thị trường khốc liệt. Vậy đâu là giải pháp để đứng vững trong thị trường này?

Giải pháp nằm ở doanh Nghiệp

Để tìm hiểu kỹ hơn tình hình hiện nay, chúng tôi đã trao đổi với Lingo.vn; một trong những doanh nghiệp có thâm niên trong ngành. Khi được hỏi về phương thức hoạt động của công ty, người đại diện của Lingo.vn chia sẻ rằng: “Thương mại điện tử có rất nhiều mô hình kinh doanh, với chúng tôi ngay từ đầu đã lựa chọn mô hình B2C (người bán với người mua) chứ không phải market place (sàn giao dịch), chúng tôi thu mua hàng hóa rồi kiểm định và bán ra giống như siêu thị, còn mô hình market place gần giống như một phiên chợ mà tất cả các nhà cung cấp sẽ đăng thông tin sản phẩm của mình lên đó. Market place thì dễ làm, dễ vận hành, nhưng mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một hệ thống bền vững, nên đã quyết định chọn mô hình B2C mặc dù khó khăn hơn.”

thuong-mai-dien-tu-san-choi-cho-nguoi-co-tam
Thương mại điện tử: sân chơi cho người có “tâm”

Trao đổi thêm về những khó khăn khi xây dựng mô hình này, Lingo.vn thẳng thắn: “Nhiều khó khăn chứ, điều đầu tiên cần giải quyết vấn đề kho bãi và hàng hóa. Địa điểm kho bãi phải đảm bảo làm sao diện tích đủ lớn để chứa được nhiều hàng, cũng cần vị trí thuận tiện không quá xa các khu trung tâm để vận chuyển nhanh chóng. Đầu tư vào kho bãi vì chúng tôi nhận thấy rằng hàng có sẵn trong kho sẽ chủ động hơn và rút ngắn được thời gian giao hàng, chúng tôi hoàn toàn có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Thêm vào đó là đội ngũ nhân viên từ kho cho đến chăm sóc khách hàng đều phải chuyên nghiệp”. Doanh nghiệp cũng đưa ra các điểm mấu chốt trong quy trình của họ, đó chính là việc tìm đối tác uy tín, sau đó là  hệ thống kiểm định chất lượng hàng hóa chặt chẽ để đưa vào kho bãi, việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên của Lingo.vn luôn đặt tiêu chí chuyên nghiệp và chu đáo lên đầu. Sở dĩ có những tiêu chí này vì phương châm của doanh nghiệp là “Nâng cấp hệ thống và dịch vụ nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, và những giá trị tiết kiệm được đó, Lingo.vn sẽ chuyển giao trực tiếp tới khách hàng”.

TMĐT Việt Nam: Có “tâm” mới đứng vững.

Qua chia sẻ từ một doanh nghiệp có thâm niên 5 năm trong ngành, phần nào đã thấy rằng kinh doanh trực tuyến cũng đòi hỏi sự đầu tư về nguồn lực và cơ sở không kém gì so với kinh doanh truyền thống. Một thực tế mà có lẽ tất cả các doanh nghiệp đều biết nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được, đó chính là cái tâm với ngành. Lingo.vn đã nói: “Thật ra để nói rằng nhiều vốn hay ít vốn, quy mô to hay nhỏ, thậm chí là sản phẩm có hấp dẫn hay không, thì điều cần thiết nhất mà các doanh nghiệp cần mang tới cho khách hàng đó là sự tin tưởng. Niềm tin từ khách hàng chính là yếu tố quyết định để cho một doanh nghiêp tồn tại và đứng vững trong thị trường này.”

Nguồn: ICTNews