Trong khi chất lượng thấp của dịch vụ hoàn tất đơn hàng còn là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử thì các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến đón nhận tin vui từ Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA): Hiệp hội đã vạch ra chiến lược phát triển dịch vụ logistics trong giai đoạn tới, trong đó chú trọng triển khai dịch vụ E-logistics đáp ứng nhu cầu tăng lên nhanh chóng của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.

Sự khởi động đầu tiên trong việc thực hiện chiến lược này của VLA là tổ chức hội thảo “E-Logistics Việt Nam Sẵn sàng cất cánh” ngày 01/11/2016 tại Tp. Hồ Chí Minh. Đông đảo doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logistics, thương mại điện tử, công nghệ thông tin đã tham dự sự kiện này.

e-logistics-11

Theo nhà nghiên cứu về quản lý chuỗi cung ứng tới từ Malaysia, những thay đổi to lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu theo xu hướng kinh tế tri thức đã tác động mạnh mẽ tới ngành logistics. Sản phẩm ngày càng nhỏ và gần với người tiêu dùng hơn, thậm chí dưới tác động của công nghệ thông tin có những sản phẩm như đĩa CD âm nhạc gần như biến mất. Trong khi đó người tiêu dùng yêu cầu chất lượng hoàn tất đơn hàng ngày càng cao, không những chỉ về thời gian giao hàng mà cả nhiều thông tin đa dạng liên quan tới mặt hàng họ đã đặt mua. Người tiêu dùng thời nay có xu hướng mua hàng đa kênh, họ có thể tìm hiểu thông tin sản phẩm ở cửa hàng, sau đó mua trực tuyến. Hoặc họ có thể khảo sát sản phẩm trên môi trường trực tuyến, sau đó ra cửa hàng để mua… Theo nhà nghiên cứu này, cơ hội từ sự phát triển thương mại điện tử tới các nhà logistics rất lớn. Tuy nhiên, sự thay đổi rất nhanh của thương mại điện tử với những chu kỳ ngắn 2-3 năm đòi hỏi các doanh nghiệp logistics phải hết sức thận trọng khi đầu tư vào hệ thống kho, trung tâm hoàn tất đơn hàng (fulfillment center) cũng như toàn bộ hoạt động kinh doanh dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin ở mức cao.

e-logistics-22

Đại diện của doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam là Lazada nhấn mạnh tới tốc độ phát triển thương mại điện tử rất cao ở Việt Nam tới năm 2025. Lazada coi trọng chất lượng của dịch vụ hoàn tất đơn hàng và elogistics. Để đáp ứng sự phát triển thị trường thương mại điện tử trên cả nước, ngoài Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Lazada sẽ mở rộng hệ thống trung tâm hoàn tất đơn hàng tới một số địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… Tuy nhiên, chiến lược của tập đoàn này là sự hợp tác liên kết với các công ty logistics khác mà không tự đầu tư toàn bộ. Tín hiệu này thực sự là tích cực đối với các doanh nghiệp logistics. Tuy nhiên, đại diện Lazada cũng nêu rõ những điều kiện tối thiểu doanh nghiệp logistics phải đáp ứng để có thể “bắt tay” được với mình. Theo đó, hiện tại có rất ít các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này.

e-logistics-33

Trung tâm giám sát đơn hàng của Công ty cổ phần logistics Seabornes

Đại diện của Công ty cổ phần Seabornes & Partners Logistics đã giới thiệu về hiện trạng triển khai kinh doanh với nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu trong nước. Dự đoán thương mại điện tử là thị trường có tiềm năng to lớn nhưng cũng đòi hỏi khắt khe, công ty đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh, coi đây là một trong những yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh trong hoạt động hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử.

Tại hội thảo, nhiều diễn giả khác tới từ lĩnh vực chuyển phát hay công nghệ thông tin đã trình bày thực trạng, cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp logistics trong thời đại mới của thương mại điện tử Việt Nam.
Các lãnh đạo của VLA lưu ý Hội thảo này mới là bước đầu tiên trong quá trình thực hiện chiến lược để ngành chuyển hướng mạnh mẽ tới elogistics, định hướng các doanh nghiệp trong hiệp hội chú trọng hơn tới ứng dụng công nghệ thông tin và mô hình quản lý tiên tiến.

Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử đánh giá cao tầm nhìn và nỗ lực của VLA và coi sự kiện này là khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến với logistics.