Để có thêm một “góc nhìn” về thị trường bán lẻ Việt, Tạp chí điện tử Thương Trường đã có cuộc trao đổi với T.S Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam.
Thị trường Bán lẻ Việt Nam nhiều năm qua được đánh giá là “mảnh đất” màu mỡ đối với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều đại gia bán lẻ nổi tiếng như Lote ( Hàn Quốc), Nhật Bản, Thái Lan đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam với nhiều lợi thế và đang gây được ấn tượng với người tiêu dùng Việt, tạo nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nhà bán lẻ nội và các nhà bán lẻ ngoại ngay trên “sân nhà”. Để có thêm một “góc nhìn” về thị trường bán lẻ Việt, Tạp chí điện tử Thương Trường đã có cuộc trao đổi với T.S Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam xung quanh vấn đề này.
– Thưa bà, thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam chứng kiến không ít cuộc “đổ bộ” của một số đại gia bán lẻ ngoại đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Theo bà, đây có phải là tín hiệu tốt cho thị trường bán lẻ Việt Nam?
Hàng loạt cuộc thâu tóm của đại gia bán lẻ Thái Lan với 2 hệ thống siêu thị lớn gần đây, hay là việc ngày các có nhiều tên tuổi bán lẻ lớn tham gia như AEON (Nhật Bản); Emart (Hàn Quốc)…Điều này chứng tỏ thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt các nhà bán lẻ thế giới. Đây là một tín hiệu tốt không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Ngày càng có nhiều nhà bán lẻ vào Việt Nam khiến thị trường bán lẻ thêm phần cạnh tranh, tạo áp lực lớn lên các nhà bán lẻ nội địa. Bên cạnh việc tăng sức ép cạnh tranh đối với hệ thống siêu thị và các cửa hàng, các chợ truyền thống của chúng ta, thì sự có mặt của các nhà bán lẻ ngoại cũng là tín hiệu tích cực cho người tiêu dùng. Họ có cơ hội nhiều hơn cho sự lựa chọn khi mua sắm.
– Năm 2016, đâu là điều gây ấn tượng nhất, hay nói cách khác, đâu là điều thành công nhất của các nhà bán lẻ Việt, thưa bà?
Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 700 siêu thị và trung tâm mua sắm, trong đó các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm 40%, trong 125 trung tâm thương mại thì khu vực FDI có 31, chiếm khoảng 25%. Việt Nam đã cam kết mở cửa gần như hoàn toàn thị trường bán lẻ trong nước cho các nhà cung cấp nước ngoài. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế đất nước, nhưng cũng đặt ra cho Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ trong nước những thách thức to lớn trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh, sử dụng các công cụ được phép để bảo vệ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của các kênh phân phối hàng Việt và sự tồn tại của các khu chợ truyền thống, của hàng triệu hộ kinh doanh trong nước.
Trong bối cảnh trên, điều gây ấn tượng nhất, hay nói cách khác là điều thành công nhất mà các nhà bán lẻ Việt có được là sự chấp nhận cạnh tranh. Họ chấp nhận thực tế, chấp nhận cạnh tranh như một sự đón nhận, không lảnh tránh, không mơ hồ như thời gian trước.
Việc chấp nhận này đã được nhiều doanh nghiệp thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực trong việc phát triển hệ thống bán lẻ của mình một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. Cụ thể như Co.opmart, Satra, Hapro, Fivimart và Vinmart (Vingroup)… Từ cuối tháng 10/2014, mặc dù là “tay ngang” nhưng Vingroup nhanh chóng đã mua lại hàng loạt chuỗi bán lẻ như Ocean Mart, MaxiMark, Vinatexmart và Apphanam để phát triển những siêu thị và cửa hàng tiện lợi (Vincom+) của riêng mình. Các TT Vincom+ được bố trí theo mô hình “một điểm đến – nhiều lựa chọn”, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân, từ mua sắm các nhu yếu phẩm, đồ gia dụng, hàng công nghệ, thời trang, cho đến nhà hàng ẩm thực và khu vui chơi giải trí.
Dự kiến tới hết năm 2017, mô hình Vincom+ sẽ đưa vào hoạt động khoảng 20 trung tâm trên toàn quốc. Saigon Co.op hiện đã trở thành đơn vị bán lẻ hàng đầu Việt Nam với gần 400 điểm bán lẻ đa dạng các mô hình phủ kín các phân khúc. Đặc biệt, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op có quá trình hơn 20 năm liên tục gắn bó cùng hàng Việt để hỗ trợ sản xuất trong nước, cũng như đã trở thành điểm phân phối hàng thiết yếu bình ổn giá nổi tiếng trong nước.
Bên cạnh đó, Công ty CP Nhất Nam hiện đang điều hành 25 siêu thị Fivimart tạo thêm cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Hapro (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) đã xây dựng và phát triển được 45 siêu thị, cửa hàng bao gồm: chuỗi siêu thị, CHTI Hapromart; chuỗi cửa hàng Rau, TPAT Haprofood; chuỗi cửa hàng chuyên doanh thời trang Hafasco, kim khí điện máy Tràng Thi… tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng, kim khí điện máy, hàng may mặc phục vụ người tiêu dùng nội địa.
Đặc biệt, Tổng công ty Thương mại Sài gòn (Satra) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Satra tiếp tục mở rộng thị trường và kênh phân phối, gồm xây dựng 11 siêu thị Satramart, 5 TTTM Central Mall và 200 cửa hàng tiện lợi Satrafoods; trong đó mỗi năm sẽ phát triển từ 20 – 30 cửa hàng Satrafoods, trải rộng khắp các địa bàn của TP.HCM. Dự kiến kế hoạch doanh thu về bán lẻ giai đoạn 2016-2020 của Satra sẽ đạt hơn 31.500 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng từ 20% – 30%/năm. Như vậy, nếu làm tốt, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn còn nhiều cơ hội để giữ vững, phát triển và chiếm lĩnh thị phần.
– Nếu đưa ra dự báo về thị trường bán lẻ Việt năm 2017, bà sẽ chọn từ nào: Sôi động, hấp dẫn hay cạnh tranh khốc liệt – Vì sao?
Nếu đưa ra dự báo về thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2017, tôi sẽ chọn từ sôi động. Vì sao ư? Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng với quy mô tiêu dùng hơn 91,7 triệu người. Và Việt Nam vẫn là nơi thu hút không ít doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào bán lẻ. Đặc biệt hơn, xu hướng tiêu dùng hiện đại sẽ tạo lực đẩy cho bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ trong năm 2017. Những yếu tố trên sẽ tiếp tục tạo nên sức cạnh tranh ngày càng nóng trong lĩnh vực thương mại bán lẻ. Có Hấp dẫn – Có cạnh tranh đương nhiên thị trường sẽ lại tiếp tục sôi động.
– Xin cám ơn Bà.