Luôn nằm trong nhóm những doanh nghiệp giàu có và quyền lực nhất châu Á, gia đình Chirathivat đã trải qua 3 thế hệ cùng lãnh đạo Central Group trở thành thế lực bán lẻ Đông Nam Á.

Tos Chirathivat, CEO hiện tại của Central Group là thành viên thế hệ thứ ba của gia đình Chirathavit. Ảnh: Forbes.

 

Lịch sử của Central Group, đế chế bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á, khởi đầu từ 90 năm trước tại một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở Bangkok. Đây cũng chính là tập đoàn đã mở cửa hàng bách hóa hiện đại đầu tiên tại Thái Lan.
Từ cửa hàng nhỏ tới đế chế khổng lồ
Theo Nikkei, năm 1925, người sáng lập tập đoàn, ông Tiang Chirathivat đã nhập cư từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) sang Bangkok để lập nghiệp. Ông mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ chuyên bán đồ nhập khẩu tại quận Thonburi bên bờ tây sông Chao Phraya.
Từ trái qua phải: Nhà sáng lập Central Group ông Tiang Chirathavit, chủ tịch đời thứ hai Samrit và chủ tịch đời thứ ba Wanchai. Ảnh: Nikkei.
Năm 1956, gia đình ông quyết định mở rộng việc kinh doanh với một cửa hàng lớn ở Chinatown, lấy tên là Central Trading, tiền thân của Central Group sau này.
Với việc bày bán hàng loạt các sản phẩm như thời trang, đồ gia dụng, đây được coi là cửa hàng bách hóa hiện đại đầu tiên của Thái Lan.
Tại thời điểm đó, giá cả ở Thái Lan được quyết định qua mặc cả giữa người mua và người bán. Với việc áp mức giá cố định cho hàng hóa, cửa hàng của gia đình Chirathivat đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ Thái Lan.
Năm 1974, tập đoàn tập trung mở rộng tại khu vực trung tâm Bangkok, mở thêm cửa hàng bách hóa lớn mang tên Central Chidlom.
Sau khi bước chân vào ngành kinh doanh trung tâm thương mại với việc mở cửa Central Plaza Ladprao tại vùng ngoại ô phía bắc Bangkok năm 1982, tập đoàn của Chirathivat bước vào giai đoạn nâng cấp chuỗi cửa hàng.
Central Group mở rộng sang kinh doanh khách sạn vào năm 1983 và sau đó mở rộng thị trường sang Trung Đông, Bali và cả Maldives.
Những năm 1990, tập đoàn đẩy mạnh mua bán, sát nhập. Sau khi mua lại chuỗi cửa hàng bách hóa Robinson cũng của Thái Lan, Central đã mua lại tòa nhà World Trade Center, một bất động sản thương mại lớn với nhiều thương hiệu nổi tiếng đang thuê mặt bằng như Isetan của Nhật Bản vào năm 2002, và đổi tên tòa nhà thành Central World.
Tòa phức hợp khổng lồ giữa trung tâm Bangkok giờ trở thành một công trình biểu tượng cho quyền lực của gia đình Chirathivat.
Kể từ khi Chủ tịch Tiang Chirathivat qua đời vào năm 1968, các con trai của ông đã thay nhau giữ chức vụ cao nhất này để lãnh đạo tập đoàn. Con trai cả Samrit làm Chủ tịch của Central Group từ năm 1968 tới năm 1989, kế nhiệm bởi con trai thứ của ông là Wanchai, người lãnh đạo tập đoàn từ năm 1989 tới năm 2012.
Người con trai út của ông là Sudhichai tiếp tục lãnh đạo Central Group thay Wanchai sau nhiều năm giữ chức vụ giám đốc điều hành (CEO) của Central Group, một vị trí được sinh ra để dành riêng cho ông, vì trước đó tập đoàn này không có CEO.
Thế hệ thứ hai của gia đình Chirathivat đã điều hành công ty tới gần nửa thế kỷ, trước khi trao quyền lại cho người kế vị thuộc thế hệ thứ ba.
Tos Chirathivat thay chú mình là Sudhitham làm CEO của tập đoàn từ năm 2014.
Tos từng có bằng MBA của đại học Colombia (Mỹ) và làm việc tại Citibank trước khi trở lại Central Group vào năm 1989, và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại tập đoàn của gia đình.
Là con trai út của Samrit Chirathivat, Tos là người đầu tiên trong thế hệ thứ ba của gia đình lên nắm quyền tại tập đoàn Central.
Áp lực “thay máu”
Không chỉ có vị trí cao nhất được thành viên gia đình Chirathivat đảm nhiệm, hầu hết ghế lãnh đạo tại các phòng ban quan trọng của Central đều do người nhà Chirathivat sở hữu.
Central Group là ví dụ tiêu biểu về mô hình một doanh nghiệp gia đình. Theo nhiều nguồn tin, có tới 150 thành viên trong dòng họ Chirathivat đang làm việc tại Central Group.
Song song với việc bổ nhiệm Tos vào vị trí CEO, Central tái cơ cấu lại 5 ngành kinh doanh cốt lõi của tập đoàn, là bán lẻ, bất động sản, bán buôn, khách sạn và nhà hàng thành 8 mảng nhỏ.
Đợt cải tổ lớn nhất trong vòng 30 năm của tập đoàn này có mục đích mang lại cho tập đoàn cách tiếp cận đa chiều hơn nhằm nâng cao hiệu quả vận hành cũng như khả năng cạnh tranh.
Mảng bán lẻ của Central Group được chia thành các mảng nhỏ, bao gồm chuỗi cửa hàng bách hóa và chuỗi cửa hàng tiện lợi. Mỗi mảng lại có một CEO để thúc đẩy hoạt động. Mỗi khi có vấn đề hay quyết định khó khăn, các CEO sẽ họp chung để tìm ra giải pháp. Ban quản trị gồm các CEO họp chung mỗi năm ít nhất 25 lần.
Tuy nhiên vào năm 2016, Tos đã quyết định “thay máu” đội ngũ quản lý gồm chủ yếu là người ngoài gia đình. Đội ngũ điều hành mới có xuất thân đa dạng từ cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan tới đối tác cũ ở châu Âu của tập đoàn.
Giới phân tích nhận định rằng đây là quyết định táo bạo nhưng cần thiết của Tos, để Central có thể đi xa hơn.
Tos Chirathivat lý giải rằng đây là động thái để tăng cường khả năng quản trị của tập đoàn, nhằm “chuẩn bị cho những thay đổi” khi mà nền kinh tế Thái Lan đang chững lại, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nợ hộ gia đình cao và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Trong thời kỳ Tos nắm quyền, tập đoàn hùng mạnh này cũng đa dạng hóa việc kinh doanh ở nước ngoài thông qua thâu tóm các cửa hàng phân phối bán lẻ lớn ở châu Âu và mở chi nhánh ở nhiều nước Đông Nam Á khác.
Đầu năm 2016, Central Group đã mạnh tay mua lại chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam với giá 1 tỷ Euro, nhắm tới thị trường đang tăng trưởng mạnh tại quốc gia láng giềng.
Theo báo cáo tài chính của tập đoàn, hiện Central Group có doanh thu năm khoảng 9,17 tỷ USD, có mặt tại 9 quốc gia bao gồm cả Việt Nam, với số lượng nhân viên toàn cầu là khoảng 70.000 người.
Theo Zing News