Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon lên kế hoạch mở 500 cửa hàng tạp hóa (grocery stores) ở thị trường Việt Nam đến năm 2025.
Một điểm cửa hàng tiện lợi Aeon Ministop tại TPHCM.
Theo hãng tin Nikkei đưa vào ngày 1-5, nhà bán lẻ của xứ sở mặt trời mọc này đang chuẩn bị mở thêm cửa hàng tạp hóa nhỏ tại các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á như Việt Nam, Campuchia và Myanmar. Trong đó, đáng chú ý đối với thị trường Việt Nam, Aeon nhắm đến mục tiêu nâng số lượng loại cửa hàng này lên gấp chín lần hiện nay vào năm 2025, đạt 500 cửa hàng.
Mặc dù Aeon nổi tiếng với các trung tâm mua sắm lớn, nhưng các cửa hàng tạp hóa thì sẽ dễ mở hơn và chi phí đầu tư cũng sẽ thấp hơn. Bằng cách mở cửa hàng với số lượng lớn, Aeon hy vọng sẽ nâng cao việc nhận diện tên tuổi của mình.
Bước vào mảng kinh doanh mô hình cửa hàng tạp hóa ở thị trường trong nước, nhà bán lẻ này đã sớm hợp tác với hai chuỗi siêu thị địa phương để tăng số lượng cửa hàng tạp hóa của mình tại Việt Nam hiện nay lên thành 57 cửa hàng. Mặc dù nói là cừa hàng tạp hóa nhưng các điểm bán theo mô hình này của Aeon ở Việt Nam như mô hình siêu thị nhỏ.
Cụ thể, từ đầu năm 2015 Aeon đã được quyền nắm giữ cổ phần hai hệ thống siêu thị của Việt Nam gồm Citimart và Fivimart với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 49% và 30%. Trong quan hệ “hợp tác” này, Aeon cung cấp sản phẩm thương hiệu TopValu do Aeon phát triển cho Citimart và Fivimart tiêu thụ; bên cạnh đó, Aeon cũng hợp tác với hai đối tác để phát triển sản phẩm và củng cố, mở rộng hệ thống cung ứng, lưu thông…
Việc Aeon hợp tác với Citimart và Fivimart đã được nhật báo Keizai của Nhật thông tin vào tháng 10-2014. Thông qua liên kết, Aeon sẽ tiêu thụ được hàng hóa; đồng thời xây dựng được hệ thống cung ứng sản phẩm, hệ thống lưu thông nhằm chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng hàng loạt điểm mua sắm tại Việt Nam. Đây được xem là chiến lược để Aeon khẳng định vị thế trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Giới quan sát cho rằng động thái này giúp Aeon giảm số vốn đầu tư ban đầu nhưng nhanh chóng “phủ sóng” thương hiệu Aeon đến các đô thị lớn của Việt Nam.
Aeon đã khai trương được bốn trung tâm mua sắm lớn ở Việt Nam và được xem là đối thủ nặng ký của nhiều nhà bán lẻ lớn khác đang có mặt ở Việt Nam. Bốn trung tâm thương mại này đặt tại TPHCM (2 điểm), Bình Dương và Hà Nội. Hiện tập đoàn này đang xúc tiến đầu tư thêm hai trung tâm nữa tại Hải Phòng và Hà Nội.
Với các trung tâm thương mại quy mô lớn này tại Việt Nam, tập đoàn thường đầu tư cả trăm triệu đô la Mỹ cho mỗi dự án. Cụ thể, Aeon Mall Long Biên (Hà Nội) có số vốn đầu tư 200 triệu đô la Mỹ, trung tâm mua sắm Aeon Tân Phú tại TPHCM là 109 triệu đô la Mỹ, trung tâm Aeon Bình Dương là 95 triệu đô la Mỹ,… Mục tiêu của Aeon là tự mở rộng đầu tư để đạt 20 trung tâm mua sắm lớn tại Việt Nam đến năm 2020.
Ngoài ra, Aeon cũng đang phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi (mở cửa 24 giờ) Ministop ở Việt Nam. Với mô hình kinh doanh mở cửa 24/7 này, Aeon hợp tác với tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) để phát triển với mục tiêu đạt 800 cửa hàng ở Việt Nam. Dự kiến đến cuối năm nay, Ministop sẽ đạt được 160 cửa hàng. Để thực hiện mục tiêu 800 cửa hàng, Sojitz và Ministop lên kế hoạch mở rộng nhượng quyền thương hiệu các cửa hàng, cung cấp hỗ trợ kinh doanh cho người lao động.
Bên cạnh đó, từ đầu năm nay, Aeon Việt Nam cũng đã ra mắt trang thương mại điện tử www.AeonEshop.com bán nhiều mặt hàng như thời trang, mỹ phẩm, nội thất, điện máy, đồ gia dụng, xe đạp, văn phòng phẩm, thực phẩm, mẹ và bé…
Lê Hoàng (Theo TBKTSG)