Con mồi tốt

 

Ông Hiroyuki Ono là đại diện của Quỹ đầu tư ACA Investments (thuộc Tập đoàn Sumitomo – Nhật Bản) sẽ tham gia vào Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Bibo Mart sau thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) vừa được công bố.

 

Ông là người chịu trách nhiệm cho các khoản đầu tư của quỹ này vào thị trường ASEAN, nhưng chú trọng vào thị trường Việt Nam và Indonesia. Trong đó, thị trường Việt Nam được ông yêu thích hơn cả, với các khoản đầu tư tốt tại Tập đoàn Công nghệ Việt Thành, Tập đoàn Sơn Kim Land, Cungmua.com…

 

Trước khi gia nhập ACA, ông Ono từng là tư vấn cho các thương vụ M&A tại thị trường Mỹ. Hiện giờ, thị trường Việt Nam đang tạo cho ông thêm nhiều cơ hội.

 

Với khoản đầu tư vào Bibo Mart, ông nói đã mang cho ông cảm hứng và niềm tin mà không nhiều công ty khác tại Việt Nam có được.

 

“Nhiều công ty đưa cho tôi kế hoạch phát triển của họ, nhưng nó không thành sự thật được. Bibo Mart đã thuyết phục được tôi bởi tầm nhìn của bà Chủ tịch HĐQT và khả năng tương tác với các nhà đầu tư nước ngoài của bà ấy, những cam kết mạnh mẽ và tiềm năng thị trường, cùng với sự phát triển của công ty theo hướng đúng đắn nhất”, ông Hiroyuki Ono chia sẻ.

 

Theo ông Hiroyuki Ono, mảng bán lẻ trong ngành hàng mẹ và bé ở Việt Nam đang phát triển, nhưng khó tìm được công ty tốt để rót vốn. Tìm được công ty như Bibo Mart thật may mắn đối với ông. Phải mất gần 2 năm để thương vụ M&A này được thông qua, dù ông Hiroyuki Ono có được sự giúp đỡ nhiệt tình của Công ty Kiểm toán Deloitte (từng giúp ông đầu tư vào công ty truyền hình cáp, nhommua.com).

 

“Thật sự đây là một công ty tốt và chúng tôi phải cạnh tranh với nhiều nhà đầu tư khác để được đầu tư vào Bibo Mart”, ông chia sẻ.

 

Trong khi đó, bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch HĐQT Bibo Mart đã thực sự bị nhà đầu tư này thuyết phục vì đã tư vấn giúp bà phát triển chuỗi cửa hàng Bibo Mart ra ngành hàng khác cũng có liên quan tới thị trường mẹ và bé để gia tăng lợi nhuận. Đó là điều Bibo Mart cần trong tương lai, khi các đối thủ trong và ngoài nước ngày càng có động thái gia nhập thị trường và cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

 

Không tiết lộ cụ thể giá trị thương vụ này, nhưng ông  Hiroyuki Ono khẳng định, ACA đang nắm giữ 20% cổ phần của Bibo Mart thì nó có giá trị khá lớn. Đối với một công ty tốt như Bibo Mart, trong tương lai, Quỹ muốn tăng tỷ lệ sở hữu, nhưng Bibo Mart sẽ chiếm cổ phần chi phối. Điều ông Hiroyuki Ono kỳ vọng là thông qua khoản đầu tư này, Quỹ sẽ kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu mở rộng đầu tư vào các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam để hợp tác với Bibo Mart.

 

“Nhà đầu tư nào cũng có cơ hội để sở hữu cổ phần của Bibo Mart khi chúng tôi thoái vốn trong vài năm tới, nhưng họ phải là những đối tác thực sự có thể giúp Bibo Mart đi đúng lộ trình phát triển, chứ không phải là họ trả nhiều tiền, thì chúng tôi mới thoái vốn”, ông Hiroyuki Ono khẳng định.

 

Bệ phóng tới giá trị triệu USD

 

Được thành lập vào năm 2006, hệ thống cửa hàng sản phẩm mẹ & bé của Bibo Mart chuyên cung cấp sản phẩm dành cho các mẹ (trong giai đoạn thai kỳ và giai đoạn sau sinh) và các bé (trong độ tuổi từ 0 – 6 tuổi).

 

Trải qua 11 năm hình thành và phát triển, Bibo Mart đã trở thành tên tuổi dẫn đầu thị trường ngành hàng bán lẻ mẹ và bé Việt Nam, với 120 cửa hàng. Doanh thu của chuỗi cửa hàng này cũng vượt xa các đối thủ đứng thứ hai và thứ ba tại Việt Nam.

 

Khoản đầu tư từ Quỹ ACA sẽ giúp Bibo Mart có nội lực mạnh để thực hiện chiến lược mở rộng số lượng cửa hàng lên hơn 180 trong năm 2017. Mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt hơn 500 cửa hàng, với doanh thu tối thiểu 300 triệu USD và giá trị doanh nghiệp 500 triệu USD, giữ vững vị trí thương hiệu bán lẻ sản phẩm mẹ và bé số 1 tại Việt Nam.

 

Để đạt được mức doanh thu đó, trung bình, mỗi tháng Bibo Mart phải có hơn 10 cửa hàng được mở thêm trên toàn quốc. Hiện các cửa hàng của Bibo Mart được trải dài trên 18 tỉnh, thành phố, ở gần các khu vực đông dân cư nhất và thuận tiện cho người mua.

 

Khác với các chuỗi bán lẻ mẹ và bé hiện nay trên thị trường, Bibo Mart xây dựng mô hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu của tất cả bà mẹ có con nhỏ từ 0 – 6 tuổi. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm Việt Nam có chất lượng tốt.

 

Cùng với việc có cổ đông chiến lược mới từ quỹ ACA, Bibo Mart đã chiêu mộ đội ngũ nhân sự ngoại khủng, từ chuyên gia tư vấn đến CEO từng kinh qua nhiều vị trí tại các tập đoàn bán lẻ lớn, như Metro Cash & Carry, Dairy Farm, Walmart, 7-Eleven, Welcome Taiwan… Trong đó, đáng chú ý là tân Tổng giám đốc Mahesawan Thambunathan, là người đã có hơn 27 năm kinh nghiệm và giữ các vị trí quản lý điều hành khác nhau tại chuỗi bản lẻ 7-Eleven và chuỗi siêu thị Giant của Tập đoàn Dairy Farm tại Singapore.

 

“Tôi đã rời khỏi vùng an toàn của mình đến Việt Nam và gia nhập Bibo Mart vì ấn tượng với vị trí dẫn đầu thị trường và tiềm năng tăng trưởng của Bibo Mart. Tại đây, tôi có nhiều cơ hội để giúp Bibo Mart có hệ thống vận hành chuyên nghiệp và quốc tế hóa hơn”, ông Mahesawan Thambunathan chia sẻ.

 

Miền đất hứa

 

Không khó hiểu với những động thái mạnh mẽ của Bibo Mart được bung ra thời điểm này. Phần vì nhằm đáp ứng tham vọng mở rộng mạnh mẽ và đưa ngành hàng tiêu dùng mẹ và bé của Việt Nam phát triển. Nhưng phần nào cho thấy, bối cảnh thị trường bán lẻ ngành hàng mẹ và bé đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn.

 

Trong thời gian qua, với sự lớn mạnh của những tên tuổi đã khẳng định được vị thế như Bibo Mart, Kids Plaza, Tuticare, Shoptretho, Soc&Brothers hay Con Cưng, thì trên thị trường đang xuất hiện một loạt các tên mới như: Babyshop123, MomoKids, MB Care và còn rất nhiều các tên khác sẽ gia nhập thị trường.

 

Cùng với đó, thị trường cũng chứng kiến sự ra đi trong sự “bàng hoàng” của rất nhiều bà mẹ bỉm sữa và cả các chuyên gia trong ngành của rất nhiều những cái tên “sừng sỏ” như: Kids World, Deca, Beyeu, Babysol… Trong số tên tuổi này thì Beyeu có sự hậu thuẫn về vốn của IDG, có cộng đồng đông đảo các bà mẹ bỉm sữa là webtretho, nhưng vẫn không thể trụ được. Theo giới phân tích, sự ra đi của những tên tuổi này xuất phát từ 2 nguyên nhân: sự cạnh tranh gay gắt của thị trường; thiếu kinh nghiệm và chưa đủ nhạy cảm trong lĩnh vực này.

 

Mặc dù vậy, mảnh đất này vẫn là “miền đất hứa” cho nhiều người “nhăm nhe” nhảy vào. Nhưng làm thế nào để chiếm lĩnh thị trường ở mảng này vẫn đang là dấu hỏi và các tên tuổi vẫn đang đi theo phân khúc trung bình khá và thị trường hàng cao cấp vẫn còn bỏ ngỏ. Không lẽ, phân khúc này lại để dành cho các tên tuổi ngoại sẽ gia nhập thị trường trong thời gian tới (?!)

 

Theo bà Phương, thách thức hiện nay đối với Bibo Mart là không chỉ các doanh nghiệp trong nước, mà các tay chơi nước ngoài cũng rất quan tâm tới thị trường này. Thời gian tới, thị trường sẽ thêm người chơi mới, họ có thể tham gia trực tiếp hoặc hợp tác với một số chuỗi hiện có ở Việt Nam.

 

Song, bà Phương cũng cho rằng, đây là cơ hội hơn là thách thức, vì có thêm người chơi thì có thêm động lực để chuỗi hoàn thiện, nắm bắt, đón đầu. Bibo Mart đang có sự chuẩn bị về nguồn lực tài chính, con người, công nghệ, tài chính, logistics, kênh online. Sự am hiểu thị trường và nguồn khách hàng đã có của Bibo Mart là điều khiến các người chơi ngoại gia nhập thị trường phải dè chừng.

 

“Trong thị trường có quy mô giá trị 5 tỷ USD, Bibo Mart đang sở hữu khối lượng cửa hàng bỏ xa so với các đối thủ. Thay vì cứ  nhìn vào đối thủ đang làm gì, chúng tôi tập trung chiếm lĩnh lòng tin của khách hàng, và làm thế nào để củng cố nội lực của mình để chiến thắng trên sân nhà”, bà Phương cho biết.

 

Anh Hoa (Theo Báo Đầu Tư)