Đã có hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ Mỹ gục ngã trước đà tiến không ngừng nghỉ của Amazon.

Việc Amazon công bố thỏa thuận thâu tóm chuỗi siêu thị Whole Foods vào hôm thứ Sáu vừa qua đã khiến cho cả ngành siêu thị và tạp hóa Mỹ “rúng động” – và điều này là có lý do chính đáng.

Amazon đã có một lịch sử phá bĩnh (disrupt) đủ các loại thị trường bán lẻ, từ hiệu sách, cửa hàng điện tử cho đến các cửa hàng tổng hợp. Phản ứng của thị trường hiện cho thấy nhà đầu tư sợ rằng ngành tạp hóa (grocery) có thể là “nạn nhân” tiếp theo.

Nạn nhân đầu tiên: Các hiệu sách

Amazon khởi đầu là một hiệu sách trực tuyến trước khi trở thành nền tảng thương mại “vươn vòi khắp mọi nơi” như ngày nay. Khi Amazon được Jeff Bezos thành lập vào năm 1997, các chuỗi hiệu sách Barnes & Nobles và Borders vẫn còn đang thống trị ngành này.

Amazon đã lấn sân doanh số của hai công ty này, vì khách hàng tỏ ra thích thú với ý tưởng mua sách ngay từ nhà mình. Sau đó vào năm 2007, Amazon lần đầu tiên phát hành sản phẩm sách điện tử Kindle. Việc tung ra sản phẩm này đã đẩy giá cổ phiếu của Amazon lên chút đỉnh, nhưng mãi tới năm 2009 khi doanh số Kindle “cất cánh” thì cổ phiếu của công ty này mới tăng vọt.

Borders đã không thể theo kịp. Vào năm 2011, công ty này thông báo đệ đơn phá sản và đóng cửa các cửa hiệu của mình.

Lúc đầu Barnes & Noble (B&N) còn theo kịp Amazon, nhưng rồi doanh số của họ bắt đầu tụt dốc vào năm 2013, khi doanh thu giảm 4% theo báo cáo thường niên của công ty này. Từ năm 2012 đến 2015, doanh số của B&N tiếp tục giảm 15%.

Trong khi đó, Amazon tiếp tục trở nên phổ biến. Tháng trước, công ty này đã mở hiệu sách đầu tiên của mình ở thành phố New York, với mong muốn mang trải nghiệm mua sắm trực tuyến của mình đến với thế giới thực. Người mua có thể chọn tính tiền tại một quầy thu ngân thông thường hoặc dùng một camera để quét các quyển sách của họ bằng ứng dụng Amazon, rồi yêu cầu giao hàng.

Tiếp theo: Các cửa hàng điện tử

Việc Amazon lấn sân sang thị trường bán lẻ đồ điện tử đã gây thiệt hại cho những tên tuổi lâu năm như RadioShack và Circuit City. Các chuỗi cửa hàng này đều phải vất vả chống chọi để tồn tại, với những kết quả khác nhau.

Hồi tháng 2/2015, RadioShack thông báo họ sẽ đệ đơn phá sản. Công ty này hiện vẫn hoạt động, nhưng trong tháng này họ cho biết sẽ đóng cửa hơn 1.000 cửa hiệu, chỉ để lại 72 cửa hiệu do chính họ sở hữu.

Còn Circuit City, vốn từng đứng thứ 2 trong ngành bán lẻ đồ điện tử của Mỹ, đã đệ đơn phá sản hồi tháng 11/2008. Thương hiệu này đã được bán cho một công ty khác, rồi được vực dậy trở lại theo mô hình bán hàng trực tuyến trước khi đóng cửa lần nữa vào năm 2012. Đã có những cuộc đàm phán để hồi sinh thương hiệu Circuit City, nhưng các kế hoạch đó dường như đều bị bế tắc.

Best Buy có lẽ là chuỗi cửa hiệu đồ điện tử duy nhất đã sống sót được trong cơn bão Amazon. Tháng 5 vừa qua, cổ phiếu của công ty này đã chạm mức cao nhất mọi thời đại khi họ tập trung vào mảng bán hàng trực tuyến của mình và cung cấp một trải nghiệm tiêu dùng ngay tại cửa hiệu khá tốt.

Đến lượt các cửa hàng tổng hợp

Việc Amazon ngày càng trở nên phổ biến đã làm thay đổi bộ mặt ngành bán lẻ, và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Sự thay đổi này có thể nhận thấy rõ nét nhất tại các trung tâm mua sắm (shopping mall) tại Mỹ, khi lưu lượng khách hàng đã giảm xuống. Ít người mua sắm hơn nghĩa là doanh số ít hơn, và điều này là rất rõ ràng trong các báo cáo lợi nhuận mới nhất của các cửa hàng tổng hợp (department store).

Sears đã đóng cửa nhiều cửa hàng và cắt giảm việc làm, trong khi Amazon tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn. Mới thứ Ba vừa qua, Sears đã thông báo sẽ cắt giảm thêm 400 việc làm vì họ đang cố gắng giảm chi phí và tránh bị phá sản.

Macy’s, chuỗi cửa hiệu quần áo lớn nhất ở Mỹ, sẽ đóng cửa nhiều địa điểm và sa thải bớt nhân viên sau một mùa mua sắm đáng thất vọng, với doanh số giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuần này, Gymboree đã đệ đơn xin phá sản, và giới phân tích cho rằng sẽ có thêm nhiều công ty nữa đối mặt với số phận tương tự.

Trong khi đó, dường như Amazon vẫn chưa lúc nào cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

 

Lê Thanh Hải

Nguồn CNBC